Quyết định này được dịch vụ nhắn tin an toàn hàng đầu thế giới đưa ra ngay cả khi vẫn lên tiếng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Sau khi vụ khủng bố 13/11 nổ ra, các nhà điều tra đã bày tỏ nghi ngại rằng ISIS có thể đã sử dụng các công cụ nhắn tin mã hóa để liên lạc và phối hợp thực hiện vụ khủng bố này, trong đó có bao gồm Telegram – dịch vụ OTT bảo mật hàng đầu thế giới. Tuy vậy, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các thiết bị và dịch vụ mã hóa đã được sử dụng để lên kế hoạch cho vụ khủng bố đẫm máu vừa qua.
Theo BGR, đến ngày hôm nay, chỉ vài ngày sau khi nhà sáng lập Pavel Durov lên tiếng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, Telegram đã thay đổi ý kiến và ra thông báo: "Chúng tôi rất lo ngại khi biết rằng các kênh công khai của Telegram đã bị ISIS sử dụng để thực hiện tuyên truyền. Kết quả là chỉ trong tuần này chúng tôi đã chặn 78 kênh sử dụng 12 ngôn ngữ có liên quan tới ISIS".
Mạng lưới này cũng khẳng định sẽ chỉ chặn các kênh của ISIS: "Trong khi chúng tôi sẽ chặn các kênh có liên quan tới ISIS, chúng tôi sẽ không chặn bất cứ ai đưa ra quan điểm của mình một cách hòa bình". Theo một nhà nghiên cứu bảo mật, các thành viên ISIS đã nhanh chóng nhận ra hành động này của Telegram. "Cuộc chiến chống lại Telegram đã bắt đầu", một thành viên ISIS viết trên trang này.
Là một dịch vụ có mã hóa, Telegram cho phép người dùng có thể tạo các kênh ẩn danh cho nhiều người cùng tham gia theo dõi. Một thành viên ISIS đã từng tuyên bố vào tháng 10 vừa qua: "Twitter có thể chặn tôi 1.000 lần, nhưng tôi sẽ luôn có mặt trên Telegram".
Theo Vnreview