Tổng giám đốc Sundar Pichai của Google tin rằng sẽ còn đến Việt Nam nhiều lần nữa để tìm hiểu về các cộng đồng người dùng và lập trình trong nước, với quan điểm: "Muốn hợp tác được thì phải hiểu rõ thị trường".

Ông Pichai đang có buổi gặp mặt với 120 khách mời tại Hà Nội, chủ yếu là cộng đồng khởi nghiệp và giới truyền thông. Cuộc trò chuyện được truyền hình trực tiếp qua YouTube.

{keywords}

Tổng giám đốc Sundar Pichai của Google gặp mặt với 120 khách mời tại Hà Nội.

Vị CEO mới được bổ nhiệm của Google khẳng định, hãng tìm kiếm của Mỹ muốn mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Thời gian qua, Google đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho cộng đồng Android trong nước. Tuy vậy, để sự hợp tác đạt hiệu quả hơn nữa thì Google vẫn cần tìm hiểu nhiều hơn về các cộng đồng lập trình.

"Thế giới ngày càng phẳng. Châu Á đang vươn lên rất mạnh và chúng tôi muốn tìm kiếm cơ hội tại khu vực này", ông Pichai nhấn mạnh.

Trước câu hỏi về việc thế mạnh của CNTT Việt Nam so với những quốc gia láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc là gì, và liệu ông có lời khuyên nào đưa ra cho giới CNTT Việt để thâm nhập thị trường quốc tế hay không, ông Pichai cho rằng Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng với dân số sắp đạt 100 triệu dân, tỷ lệ kết nối Internet lớn, Internet phát triển mạnh mẽ thuộc hàng Top 10 thế giới. Đó là những cơ sở ban đầu rất thuận lợi, theo đánh giá của vị CEO tài năng này.

"Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, có tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp, nhiều ý tưởng hay đang được triển khai. Với tư cách người ngoài, tôi có thể nhìn thấy sự thay đổi này rất rõ", ông Pichai chia sẻ.

{keywords}

CEO Sundar Pichai chia sẻ tại buổi gặp mặt cộng đồng khởi nghiệp và giới truyền thông tại Hà Nội.

Tuy vậy, lời khuyên mà ông đưa ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước là hãy phát triển lớn mạnh đến một quy mô nhất định thì mới nên vươn ra quốc tế. Nói cách khác, VN hãy làm chủ thị trường trong nước và khu vực trước, giống như cách làm của các doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc. "Tôi nghĩ rào cản lớn nhất là thời gian chứ các bạn không có bất cứ vấn đề gì lớn cả".

"Khi ta đạt tới quy mô thị trường 200-300 triệu dân thì ta sẽ có thể phát triển thành một doanh nghiệp toàn cầu. Do đó, các bạn hãy kiên nhẫn một chút, chờ đúng thời điểm để nắm bắt", ông Pichai đưa ra lời khuyên.

Vị CEO của Google cũng tiết lộ nhiều thông tin thú vị trong cuộc gặp kéo dài gần 1 tiếng. Ông cho biết Google đã có một chương trình phát triển tài năng tại VN và tuyển được 10 sinh viên tài năng vào làm việc cho hãng. Trước khi đến cuộc trò chuyện, ông cũng đã gặp Nguyễn Hà Đông, tác giả game Flappy Bird gây đình đám toàn cầu hồi đầu năm ngoái.

{keywords}

CEO Google gặp Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird, trưa nay, tại Cafe Nhà thờ, Hà Nội.

Nói về bí quyết thành công của mình, ông Pichai cho rằng nguyên tắc của ông rất đơn giản. "Đối với tôi, hãy đi theo sự mách bảo của trái tim, làm những gì mình muốn làm. Đừng nghĩ quá nhiều. Nếu cảm thấy mình có đam mê thì hãy nỗ lực đến cùng". Ngoài ra, ông cũng đề cao tầm quan trọng của việc học hỏi từ các đồng nghiệp khác. "Nếu bạn cảm thấy mình giỏi hơn người khác thì tức là bạn không học hỏi. Nên nhớ rằng những người xung quanh luôn giỏi hơn ta ít nhất ở một mặt nào đó".

Đánh giá về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp với những công ty lớn như Google, ông Pichai nói rằng doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ thì đều có thế mạnh riêng. Doanh nghiệp lớn có nguồn lực dồi dào, tầm ảnh hưởng rộng, nhưng các công ty khởi nghiệp có thể làm được những việc chưa ai làm, đi vào những thị trường ngách...

Trước đó, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Sundar Pichai. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đã đề nghị Google phối hợp với các cơ quan của Việt Nam trong việc tuân thủ các pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới; bảo vệ an ninh quốc gia cũng như các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Việt Nam trên Internet.

Đánh giá cao sự phát triển cũng như tiềm năng to lớn của Việt Nam, ông Pichai kỳ vọng Google sẽ có cơ hội lớn để hợp tác và mở rộng hơn nữa hoạt động tại Việt Nam.

Sắp tới, Google sẽ có một số dự án hỗ trợ cho Việt Nam như đào tạo khoảng 1.400 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin của Việt Nam; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua thương mại điện tử và các dự án liên quan đến giáo dục-đào tạo. Theo khảo sát thì lượng sử dụng công cụ tìm kiếm Google phục vụ cho mục đích lấy thông tin và giáo dục của người dân Việt Nam cao gấp 3 lần mức trung bình của toàn thế giới.

“Google tin tưởng Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của mình và chúng tôi cam kết làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới cũng như mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội và ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam”, Tổng giám đốc điều hành Google nói, đồng thời cũng khẳng định Google luôn tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật về thuế của bất cứ quốc gia nào mà Google hoạt động.

  • Trọng Cầm