Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, sau khi thực hiện tái cơ cấu thành công, VNPT đã chuyển sang một trang mới trong sự phát triển, thay đổi "cả về lượng và chất".

{keywords}

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị Triển khai Công tác năm 2016 của Tập đoàn VNPT. Ảnh: T.C.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Công tác năm 2016 của Tập đoàn sáng nay, 24/12, Bộ trưởng đánh giá cao tình hình tài chính của VNPT trong năm qua, với những chỉ số ấn tượng như lợi nhuận tăng trưởng 20%, doanh thu tăng trưởng 7.5% so với năm 2014.

"Vài năm trước, Tập đoàn còn phải vay vốn ngân hàng, nhưng hiện tại tài chính rất lành mạnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mở rộng SXKD lẫn đầu tư phát triển. Có thể nói, 2015 là năm ghi dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển của VNPT".

Ghi nhận hoạt động tái cơ cấu của Tập đoàn là "đổi mới toàn diện, quyết liệt, khẩn trương và nghiêm túc", Bộ trưởng khẳng định sự đóng góp của Tập đoàn cho Chính phủ, cho Quản lý Nhà nước là rất lớn. "Sau tái cơ cấu, Tập đoàn vẫn mạnh với 3 Tổng công ty, lại đóng góp thêm một Học viện Công nghệ BC-VT trực thuộc Bộ TT&TT tầm cỡ quốc gia, 1 Cục Bưu điện Trung ương với vai trò đã được trở về xứng tầm với ý nghĩa trọng yếu của mình. Thị trường lại có thêm một Tổng công ty viễn thông MobiFone và Tổng công ty VNPost - đều vừa được Chính phủ công nhận là 2 Tổng công ty đặc biệt trong năm 2015".

"Cán đích" tái cơ cấu

Trước đó, ông Phạm Đức Long, TGĐ Tập đoàn cho biết ngay từ đầu năm 2015, VNPT đã chuẩn bị mọi điều kiện hoàn thiện bộ máy nhân sự cấp cao, thành lập 3 Tổng công ty.

Tháng 5, VNPT đã công bố quyết định thành lập 3 Tổng Công ty gồm Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT - VinaPhone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net). Đến cuối tháng 6/2015, VNPT đã công bố Quyết định thành lập các đơn vị kinh tế trực thuộc 3 Tổng Công ty.

Từ ngày 1/7, 3 Tổng Công ty đã đi vào hoạt động theo mô hình mới. VNPT cũng đã triển khai bàn giao thử nghiệm 6 Trung tâm Kinh doanh của 6 VNPT tỉnh/thành về VNPT-VinaPhone. Đây cũng là điểm khởi đầu cho giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tái cơ cấu VNPT. Cũng trong tháng 7, sau khi 63 VNPT tỉnh/thành cơ bản hoạt động ổn định và bộ khung của 3 Tổng Công ty được hoàn thiện, VNPT đã bắt tay vào tổ chức sắp xếp lại các Ban/đơn vị chức năng tham mưu thuộc Cơ quan Tập đoàn theo hướng tinh giản bộ máy.

Ngay sau khi mô hình được hoàn thiện và bộ máy nhân sự từ Tập đoàn đến các đơn vị được kiện toàn, VNPT đã tiến hành bàn giao nguồn lực theo mô hình 3 Tổng Công ty, đặc biệt là bàn giao 57 Trung tâm Kinh doanh – VNPT tỉnh/thành còn lại về VNPT-VinaPhone được thực hiện vào đầu tháng 10/2015.

Tính đến thời điểm này, 3 Tổng công ty của VNPT đã ổn định bộ máy, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, xây dựng các cơ chế quản lý nội bộ theo mô hình mới. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển – đơn vị kinh tế trực thuộc Tập đoàn cũng đã được thành lập.

Song song với hoàn thiện mô hình tổ chức các cấp, trong năm 2015, VNPT cũng đã hoàn thành các nội dung khác của Đề án tái cơ cấu như: Thực hiện bàn giao các đơn vị của Tập đoàn về Bộ TT&TT, UBND tỉnh, thành phố quản lý theo quy định: Bàn giao Bưu điện Trung ương về Bộ TTTT; Bàn giao các trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I, III, Miền núi về UBND tỉnh Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên....

Tuy vậy, ông Long nhấn mạnh, năm 2015, VNPT mới hoàn thành tái cơ cấu khối dịch vụ viễn thông. Sang năm 2016, Tập đoàn sẽ tập trung tái cơ cấu khối CNTT; bám sát các định hướng, giải pháp về triển khai chính phủ điện tử, đẩy mạnh thuê ngoài ứng dụng CNTT với các dịch vụ công, lĩnh lực thuế, hải quan, y tế... của Chính phủ, các Bộ/Ngành để triển khai cung cấp các dịch vụ CNTT của VNPT; Phát triển hệ sinh thái các bộ giải pháp CNTT phục vụ chính quyền điện tử và các chuyên ngành giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế. Hiện tại, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với 42 UBND tỉnh/thành, Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, VNPT sẽ thúc đẩy hoạt động của khối công nghiệp, xây dựng các đơn vị trụ cột sản xuất thiết bị ngoại vi phụ trợ, thiết bị điện tử, viễn thông và CNTT với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tặng bức ảnh lưu niệm cho đại diện lãnh đạo tập đoàn VNPT. 

Chuyển hướng mạnh mẽ

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, dù điều kiện 2015 rất khó khăn, song Tập đoàn đã khẳng định được vị thế đơn vị chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành, vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách quốc gia, bất chấp tái cơ cấu toàn diện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Mạng lưới của Tập đoàn tiếp tục khẳng định là mạng đi đầu về chất lượng. Năm 2015, quy mô mạng lưới của Tập đoàn VNPT đã có những phát triển đột phá như: là mạng di động có vùng phủ sóng 3G rộng nhất Việt Nam với số trạm 3G  tăng 2,5 lần so với cuối năm 2014, tổng dung lượng Internet quốc tế tăng 2,3 lần.

Bộ trưởng ghi nhận hướng đi mới của VNPT là phù hợp, nhất là trong bối cảnh thế giới có thể miễn cước thoại hoàn toàn vào năm 2020. Đó là sự chuyển hướng đẩy mạnh phát triển dịch vụ CNTT và dịch vụ GTGT để tìm kiếm nguồn thu mới bù đắp sự suy giảm của các dịch vụ viễn thông truyền thống. Tập đoàn VNPT đã tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác, phát triển khách hàng là các Bộ, Ngành, các địa phương, các doanh nghiệp lớn thông qua các thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT. Bước đi này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Ông cũng biểu dương sự cầu thị của lãnh đạo Tập đoàn trong việc tập trung khắc phục các tồn tại đã nêu ra của năm 2014, khi mà hầu hết tồn tại đã được khắc phục trong năm 2015. Trong bài phát biểu của mình, TGĐ Phạm Đức Long cũng đã thẳng thắn chỉ ra 7 vấn đề còn tồn tại của năm 2015 để có định hướng giải quyết trong thời gian tới. "Tôi tin tưởng rằng đây chính là một trong những yếu tố góp phần cho VNPT sẽ vượt qua chính mình để luôn không ngừng phát triển".

Cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của Tập đoàn, Bộ trưởng đánh giá cao việc VNPT đã "mạnh dạn đặt ra những mục tiêu phấn đấu như trở thành mạng di động có chất lượng tốt nhất và chất lượng chăm sóc khách hàng tốt nhất trong năm 2016".

Đặc biệt nhấn mạnh việc năm 2016 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XII, Bộ trưởng đề nghị VNPT quán triệt, bám sát Nghị quyết của Đại hội Đảng, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 của đất nước, Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ TT&TT để cụ thể hóa thành các chương trình hành động của Tập đoàn, đồng thời tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch SXKD và Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm 2016-2020 của Tập đoàn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Vị Tổng tư lệnh ngành cũng đưa ra nhiều chỉ đạo sâu sát, cụ thể cho Tập đoàn để thực hiện thành công kế hoạch 2016, như Tích cực chủ động chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai thực hiện Điều lệ mới ngay sau khi được Chính phủ ban hành. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Điều lệ này trong tháng tới.

Bên cạnh đó, Tập đoàn VNPT cần xác định việc đổi mới là rất cần thiết và là quá trình thường xuyên, liên tục; Tiếp tục thực công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp; thoái vốn ra khỏi các doanh nghiệp mà Tập đoàn không cần nắm giữ vốn để tập trung nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính; Rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, hiện đại, sắp xếp bố trị lại nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động...

Đặc biệt, VNPT cần phát triển đồng bộ 4 trụ cột của Tập đoàn đó là Hạ tầng, Kinh doanh, Dịch vụ và Công nghiệp theo đúng định hướng phát triển của Tập đoàn là chuyên biệt, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong đó, chú ý phát triển công nghiệp công nghệ TT - đây là một thế mạnh vốn có của Tập đoàn từ những ngày đầu ra đời đã hợp tác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này. Công nghiệp công nghệ TT được phát triển sẽ là cơ sở cho sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của Tập đoàn. Vì vậy Tập đoàn cần đặt ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2016, khi hội đủ yếu tố sẽ có thể thành lập Tổng công ty Công nghiệp CNTT.

Về phía mình, Bộ trưởng cam kết Lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ nghiên cứu, xem xét các giải pháp, chính sách đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với các doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cụ thể đối với các vấn đề VNPT đang đề xuất, Bộ sẽ xem xét, giải quyết như: Xem xét ban hành chế tài đủ mạnh để điều chỉnh hành vi bán phá giá dịch vụ băng rộng trên thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp;  Cung cấp đầu số mới cho mạng Vinaphone để VNPT có đủ dải số đáp ứng nhu cầu của thị trường và Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án để triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ƯDCNTT.

Trọng Cầm