Trong năm 2015, chỉ riêng 5 doanh nghiệp lớn của ngành TT&TT là VNPT, Viettel, MobiFone, VNPost và VTC đã ước đạt tổng doanh thu hơn 379.000 tỷ, lợi nhuận dự kiến 56.828 tỷ và nộp NSNN 48.268 tỷ, tương đương hơn 2 tỷ USD.

Những con số ấn tượng này được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chia sẻ sáng nay, 31/12, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Lộc

Trong đó, Viettel có doanh thu 240.000 tỷ đồng; lợi nhuận 45.800 tỷ đồng; nộp NSNN: 37.000 tỷ đồng; VNPT đạt doanh thu: 89.122 tỷ đồng; lợi nhuận: 3.280 tỷ; nộp NSNN: 3.555 tỷ; MobiFone có doanh thu  38.400 tỷ, lợi nhuận 7.395 tỷ; nộp NSNN: 6.922 tỷ; VTC có doanh thu 3.500 tỷ; lợi nhuận 123 tỷ, Nộp NSNN 416 tỷ và VNPost có doanh thu 8.811 tỷ; lợi nhuận 230 tỷ; nộp NSNN 375 tỷ.

"Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ đã chỉ đạo tốt hoạt động và kiện toàn mô hình tổ chức của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Viễn thông, CNTT đã vươn lên trở thành lĩnh vực có sự phát triển ấn tượng và doanh nghiệp trong Ngành đứng trong tốp đầu đóng thuế nhiều nhất Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh bức tranh tài chính sáng sủa của các doanh nghiệp, các lĩnh vực quản lý nhà nước khác của Bộ như bưu chính, viễn thông, CNTT... cũng có nhiều điểm nhấn rõ nét trong năm 2015 với sự tăng trưởng mạnh mẽ, tổng doanh thu toàn ngành cao, thu hút FDI "khủng".

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nêu trên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế chưa khắc phục được của ngành, với quan điểm "có nhìn thẳng vào sự thật thì mới rút được kinh nghiệm, phát triển bền vững".

Cụ thể, đó là lĩnh vực bưu chính tuy đã được đổi mới, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn lạc hậu về công nghệ, năng suất lao động chưa cao.

Với lĩnh vực viễn thông, việc quản lý thuê bao di động trả trước còn nhiều khó khăn, tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn nhiều, gây bức xúc cho nhân dân. Các nhà mạng chưa thực hiện nghiêm các Thông tư 14, Thông tư 04, Chỉ thị 82 về quản lý danh tính thuê bao trả trước, khiến cho thuê bao ảo vẫn tồn tại với số lượng lớn. Tình trạng các công ty cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động có thu cước nhưng không thông báo đầy đủ cho người tiêu dùng vẫn còn tiếp diễn.

Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đội ngũ nhân lực còn thiếu, nhất là đội ngũ nhân lực về CNTT và an toàn thông tin. Đầu tư cho ATTT chưa tương xứng...

3 đột phá Thể chế - Hạ tầng - Nhân lực

Bộ trưởng lưu ý, năm 2016 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm mở đầu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 và diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng thời là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội; là năm tổ chức bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Trong bối cảnh đó, Bộ TT&TT cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTTT đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng. Đây chính là một trong 3 đột phá chiến lược (Thể chế - Hạ tầng - Nhân lực) cho ngành.

Bộ sẽ tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng; Đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin, an toàn mạng internet; bảo đảm chủ quyền quốc gia về không gian mạng; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ của thành viên Thường trực Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT; Tăng cường thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT , Nghị quyết 36a về Xây dựng Chính phủ Điện tử và thúc đẩy cơ chế thuê dịch vụ CNTT; Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho các địa phương...

Đặc biệt, đối với thị trường viễn thông, việc đảm bảo phát triển thị trường bền vững vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất của Sở TT&TT TP.HCM về việc quản lý thuê bao di động trả trước như trả sau, cũng như thực hiện tốt công tác quản lý và cấp phát các đầu số nhắn tin dịch vụ để hạn chế tin nhắn rác. Một đề án lớn nữa của năm 2016 là Cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao và kế hoạch chuyển đổi mã vùng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng hoàn thành việc triển khai Giai đoạn 1 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 tại 5 thành phố lớn trong cả nước, đồng thời triển khai song song Giai đoạn 2 của Đề án tại các địa phương;  Tăng cường công tác thực thi pháp luật, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên tất cả các lĩnh vực TTTT, nhất là môi trường báo chí, xuất bản, thông tin điện tư, viễn thông, internet

Tiếp tục triển khai có hiệu quả phần còn lại đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TTTT; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TTTT phát triển mạnh mẽ và bền vững. Thực hiện thành công CPH MobiFone, chuẩn bị các yếu tố để CPH TCty VTC cuối năm 2016.

Mong được "chính danh"

Đề xuất với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết hiện nay mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư TƯ đã xây dựng, đã vận hành thí điểm thành công. "Mong Chính phủ chỉ đạo các Ban, Bộ, Ngành và các địa phương phối hợp với Cục Bưu điện TƯ để quản lý và cùng khai thác mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt hiệu qua cao nhất. Vừa tiện ích, vừa bảo mật an toàn và tiết kiệm".

Đồng thời, với vai trò vị trí, vị thế của Ngành TT&TT hiện nay, Bộ kiến nghị cần được đối xử "bình đẳng" với các ngành khác trong phân bổ ngân sách hàng năm và được đứng một mục riêng trong cơ cấu phân bổ ngân sách hàng năm của Quốc hội, của Chính phủ là "Ngành Thông tin - Truyền thông"  thay vì "sự nghiệp Văn hoá Thông tin" như hiện nay. “Bộ TT&TT hàng năm được trên cấp xuống khoảng 800 tỷ đồng nhưng nộp ngân sách 2.000 tỷ đồng, chưa kể các doanh nghiệp nộp khoảng 2 tỷ USD. Đóng góp lớn, chi nhỏ, nhưng lại vẫn không được chính danh”, Bộ trưởng phân tích. 

Đồng thời, do tính chất đặc biệt của Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Bộ trưởng cũng mong muốn Chính phủ đặt tiêu chí về hiệu quả cổ phần hóa lên hàng đầu, không quá thúc ép về mặt tiến độ.

Trọng Cầm