- Nguồn phóng xạ bị mất vào thời điểm chủ sở hữu là Công ty Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn đã bị phát mãi tài sản, toàn bộ tài sản của công ty do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh Bắc Kạn (Ngân hàng BIDV) quản lý nên chưa thể xác định trách nhiệm thuộc về ai. Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ (ATBX), Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) thông tin.
Theo ông Tấn, nguồn phóng xạ Cs-137 bị thất lạc của Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn được cấp phép hoạt động từ tháng 8/2010, hết hạn từ 13/8/2013. Sau khi hết hạn, đơn vị này đã không làm giấy phép gia hạn sử dụng hay giấy phép lưu giữ nguồn phóng xạ.
Do làm ăn thua lỗ, công ty không còn sản xuất, nguồn phóng xạ được đưa vào kho của công ty lưu giữ. Toàn bộ tài sản của công ty do Ngân hàng BIDV Bắc Kạn tiếp quản từ 31/3/2015.
Nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Công ty Xi măng Bắc Kạn. Ảnh: Sở KHCN Bắc Kạn. |
Ngày 15/5/2015, sau khi kiểm tra an toàn, Sở KHCN Bắc Kạn đã kiến nghị Ngân hàng BIDV quản lý, bảo vệ nguồn phóng xạ được lưu giữ trong kho cho đến khi cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
Tuy nhiên, ngày 18/5, Chi Cục thi hành án dân sự thành phố Bắc Kạn gửi công văn cho Sở KHCN thông báo rằng, trong quá trình thi hành án, Công ty Xi măng Bắc Kạ không cung cấp và thoogn báo về nơi bảo quản nguồn phóng xạ.
Sau nhiều công văn qua lại giữa các đơn vị liên quan, tới ngày 15/12, ông Đinh Văn Bằng, đại diện pháp lý của Công ty Xi măng Bắc Kạn mới thông báo bằng điện thoại cho Sở KHCN Bắc Kạn về việc nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất cắp.
Khi Công an tỉnh Bắc Kạn xuống hiện trường làm việc thì bảo vệ của Ngân hàng BIDV khai báo rằng, cách đó 2 tháng phát hiện cửa kho bị cưa nên đã vận chuyển đồ đạc, thiết bị ở kho lưu giữ nguồn phóng xạ sang phòng bên cạnh nhưng không thấy nguồn phóng xạ.
Các nội dung này đã được Công an tỉnh Bắc Kạn điều tra, xác minh song cho đến nay không rõ được thời điểm mất nguồn phóng xạ là khi nào và vẫn đang chờ xác minh của cơ quan công an, ông Tấn thông tin.
Cũng vì thế, hiện tại vẫn chưa xác định được bên nào phải chịu trách nhiệm chính trong việc để thất lạc nguồn phóng xạ tại Công ty Xi măng Bắc Kạn.
Theo ông Vương Hữu Tấn, sau khi làm rõ vụ việc, xác định thời gian thất lạc mới tiến hành truy cứu trách nhiệm với các đơn vị liên quan.
“Nếu thất lạc trước thời gian phát mãi tài sản 31/3/2015 thì trách nhiệm thuộc về Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn. Sau thời điểm này trách nhiệm thuộc về BIDV Bắc Kạn”, ông Tấn nói.
Khó có khả năng thu hồi
Ông Tấn cũng cho rằng, sự cố nguồn phóng xạ xảy ra là do nguyên nhân không hiểu biết về trách nhiệm của cá bên có liên quan đối với việc quản lý nguồn phóng xạ này khi Công ty Xi măng Bắc Kạn bị phát mãi tài sản.
Cũng theo ông Tấn thì khả năng thu hồi nguồn phóng xạ Cs-137 là khó vì nguồn phóng xạ thất lạc có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng hạt đậu. Tuy nhiên, Cục ATBX và các đơn vị liên quan sẽ cố gắng để tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ.
Sắp tới, Bộ KHCN sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho thu hồi toàn bộ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng của các cơ sở bức xạ trong cả nước trong năm 2016, đặc biệt là các cơ sở không đủ điều kiện lưu giữ, bảo đảm an toàn, an ninh với các nguồn phóng xạ này.
Trước đó, trao đổi riêng với VietNamNet, ông Vương Hữu Tấn khẳng định nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Công ty Xi măng Bắc Kạn không nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng con người khi tiếp xúc gần, cũng không gây ra ảnh hưởng về môi trường.
Nguồn phóng xạ bị thất lạc là nguồn Cs-137, là loại nguồn kín, do Trung Quốc sản xuất. Nguồn phóng xạ được sử dụng để do mức nhằm điều khiển tự động xả clinker trong nhà máy xi măng.
Lê Văn
TIN LIÊN QUAN