Đã bước sang tháng 7 song kết quả đối soát thông tin hơn 4,1 triệu thuê bao trả trước của 3 mạng Mobifone, Viettel, Vinaphone vẫn chưa được công bố, dù trước đó, Vụ Viễn Thông - Bộ Thông tin & Truyền Thông từng cho biết công tác đối soát sẽ được hoàn tất ngay trong tháng 6.


Cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Bộ TT-TT diễn ra sáng 04/7 tại Hà Nội

Phát biểu tại cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Bộ TT-TT diễn ra sáng 04/7 tại Hà Nội, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho biết hiện Vụ vẫn đang làm việc với công an Hà Nội để đi tới kết quả đối soát cuối cùng, trước khi tiến hành thí điểm tiếp tục tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Lý giải cho sự chậm trễ trong khâu kiểm tra, xác thực thông tin thuê bao, ông Hải cho biết tính đến thời điểm này, phía Bộ Công An vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về chứng minh thư nhân dân , và cơ sở dữ liệu này cũng "khó lòng hoàn tất kể cả trong một vài năm nữa". Hiện Bộ Công an vẫn phải kiểm tra thủ công để xác định xem thông tin do các thuê bao trả trước cung cấp có chính xác hay không.

Việc cơ quan quản lý và nhà mạng vẫn "loay hoay" xử lý, tìm cách siết thuê bao trả trước vào khuôn khổ là một trong những "tồn tại lớn" của Bộ TT-TT, như lời thừa nhận của chính Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: "Xử lý quá chậm, tháo gỡ quá chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế". Cùng với các lĩnh vực báo mạng, truyền hình trả tiền và truyền hình liên doanh - liên kết, game online, quản lý thuê bao trả trước tiếp tục là điểm nóng, gây nhiều bức xúc cho dư luận nhưng phía cơ quan quản lý vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, đại diện Sở TT-TT Nghệ An đã phản ánh hiện tượng việc nhà mạng vẫn cố tình chỉ đạo các đại lý trên địa bàn kích hoạt nhanh các thuê bao mới, đồng thời vẫn mở nhiều chương trình khuyến mại để hút khách hàng trả trước mới. "Đây là hành vi chưa đúng của doanh nghiệp và không chỉ diễn ra trên địa bàn Nghệ An mà còn ở quy mô cả nước. Nhưng Sở lại không thể xử phạt".

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, bản thân thanh tra Bộ cũng rất bức xúc. "Bàn đi bàn lại mãi mà vẫn chưa xong. Câu hỏi cần đặt ra là vì sau thuê bao trả sau quản lý được mà trả trước lại không thể đi vào khuôn khổ?" Việc đối soát thông tin với Bộ Công an, theo ông Hùng chỉ là giải pháp tình thế, còn mấu chốt cơ bản của vấn đề vẫn nằm ở chính sách quản lý. Thời gian trước, để lôi kéo người dùng hòa mạng nên chính sách "quá thoáng, quá lỏng", nhưng với sự phát triển quá nhanh và gây ra nhiều hệ lụy, bất cập của thị trường trả trước thì siết lại không kịp, dẫn tới việc 4,1 triệu thuê bao lơ lửng chờ ngày phán quyết như hiện nay.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hợp thừa nhận, "Bộ tháo gỡ nhanh thì doanh nghiệp mới có thể làm nhanh, Bộ chậm tháo gỡ thì doanh nghiệp loay hoay". Không chỉ ở vấn đề thời sự là quản lý thuê bao trả trước, mà việc triển khai nhiều đề án quan trọng khác của Bộ cũng đang bị chậm trễ. Khâu giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, của địa phương cũng "rất chậm và chưa mang tính chuyên nghiệp cao". "Việc này (quản lý thuê bao trả trước) nếu không triệt để, rốt ráo giải quyết, thì sẽ không thể chấm dứt được tình trạng kho số bị lãng phí, thương hiệu doanh nghiệp bị loãng, tỷ lệ doanh thu/người dùng thấp và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia", Bộ trưởng kết luận.

Trọng Cầm

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ NÓNG TẠI ĐÂY