Hàng triệu người trên khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương hôm nay (9/3) đang có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực - một hiện tượng thiên văn kỳ thú của năm 2016.
Nhật thực được đánh giá là một trong số những màn trình diễn đẹp nhất của tự nhiên. Nó diễn ra khi Trái Đất, Mặt trăng và Mặt trời thẳng hàng trên một mặt phẳng và Mặt trăng đi vào giữa Trái đất và Mặt trời, che phủ một phần hay toàn bộ ngôi sao gần nhất của chúng ta.
Năm nay, người dân ở Indonesia và khu vực miền trung Thái Bình Dương sẽ trải qua nhật thực toàn phần (Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời, hình thành vùng bóng tối và nửa tối trên Trái Đất), trong khi một số vùng của Australia và Đông Nam Á chỉ được chứng kiến nhật thực một phần (Mặt Trăng che khuất một phần Mặt Trời).
Dưới đây là mô phỏng của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về đường đi của nhật thực năm nay, trong đó, nhật thực một phần diễn ra ở Mỹ vào chiều ngày 8/3 (theo giờ địa phương):
Hiện tượng nhật thực toàn phần đã xảy ra đầu tiên, lúc 6h19 giờ địa phương sáng 9/3 ở đảo Palembang của Indonesia. Các vùng khác của Indonesia cùng các đảo Borneo và Sulawesi cũng trải qua hiện tượng này trong khoảng thời gian ngắn ngủi 4 phút, 9 giây.
Tại Việt Nam, lúc 6h34 hiện tượng nhật thực bắt đầu xuất hiện, tuy nhiên chỉ là nhật thực một phần. Theo các chuyên gia, TP.HCM là một trong những nơi quan sát được nhật thực một phần tốt nhất cả nước với độ che phủ là 56%. Nơi quan sát được tốt nhất là Cà Mau với độ che phủ trên 60%.
Tuấn Anh (Theo BBC, CNN, AOL)