Những bước tiến mới nhằm khắc phục tình trạng thiệt hại nghiêm trọng do xâm nhập mặn, sạt lở ở Châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Những con số và sự thật cay đắng

Trong lúc ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam không có một đập thủy điện nào thì trên sông Lan Thương (dòng chính tại thượng nguồn sông Mekong) thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã xây xong ít nhất 8 đập chính và đang xây tối thiểu thêm 4 đập nữa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư chủ yếu đứng sau việc xây dựng các đập thủy điện khác trên hạ lưu sông Mekong chảy qua các nước Lào và Thái Lan.

{keywords}
Đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn chiếm tới hơn một nửa lưu lượng dòng chảy sông Mekong.

Tính đến nay, tổng dung tích của các hồ chứa tại các đập thủy điện riêng ở Vân Nam đã lên tới trên 20 tỉ m3, trong lúc lưu lượng dòng chảy qua ĐBSCL hàng tháng chỉ ngót 40 tỉ m3. Từ các con số này, có thể thấy rằng các hồ chứa nước của Trung Quốc đã và đang gây tác động rất lớn đến lưu lượng trên sông Mê Kông, là tác nhân dẫn đến tình trạng thiệt hại do xâm nhập mặn, sạt lở ở Châu thổ ĐBSCL. Và với việc xả một lượng nước nhất định, ĐBSCL có thể được cứu khỏi cảnh điêu đứng do đại hạn kéo dài như hiện nay.

Cũng cần nhấn mạnh rằng: lợi ích thu được từ việc phát triển thủy điện ít hơn rất nhiều so với các tổn thất do nó gây ra, cụ thể như: biến đổi môi trường, thiệt hại nghề cá, mất mùa, sự tuyệt chủng của nhiều loại động thực vật. Ủy hội sông Mê Kông đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học và đưa ra nhiều cảnh báo để hạn chế và tạm dừng quá trình xây các đập trên sông Mê Kông nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của tất cả các nước mà con sông này chảy qua. Thế nhưng, sự cảnh báo và các kiến nghị của Ủy hội sông Mê Kông đã từng bị Trung Quốc vô hiệu hóa hoàn toàn với lập luận “Trung Quốc có toàn quyền xây dựng bất cứ thứ gì trên sông Mê Kông ở phần lãnh thổ của nước mình”.

Các yêu cầu chính đáng và sự đáp ứng

{keywords}
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng” ở ĐBSCL, một số cơ quan thông tin có trách nhiệm không thể ngồi yên. Trong ngày 10/03/2016, báo điện tử Vietnamnet đã chính thức có bài viết đầu tiên với tiêu đề Yêu cầu Trung Quốc điều tiết nước thượng nguồn Mê Kông và sau đó một ngày, tức vào ngày 11/03/2916, cơ quan thông tin Anh BBC và Dân Việt đã nhấn tiếp thêm và điều chỉnh tít cho cụ thể hơn với “Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước thượng nguồn cứu hạn ĐBSCL”…

Đặc biệt, trước đề xuất của các bộ ngành có trách nhiệm liên quan, Thủ Tướng đã chỉ thị chuyển lời khuyến cáo với nhà cầm quyền Trung Quốc qua con đường ngoại giao.

Và ngày 14/03/2016, trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Phạm Thu Hằng - Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Vừa qua, Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mê Kông để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”.

Bà nói tiếp: “Chúng tôi cho rằng việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Mê Kông là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực”.

Cuối cùng, về sự tiếp nhận của phía Trung Quốc đối với đề nghị từ Chính phủ Việt Nam, nhà phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15/3 đến 04/4/2016".

Vietnamnet sẽ tiếp tục đưa tin về những diễn biến tiếp theo.

Minh Trần