Kỷ nguyên của "Người đàn bà thép" Carol Bartz tại Yahoo đã chấm dứt sau 2 năm trị vì ngắn ngủi.



Bà Bartz nhận chức Tổng Giám đốc điều hành Yahoo vào tháng 1/2009, đúng thời điểm mà Yahoo đang trải qua vô vàn sóng gió. Dưới triều đại của bà, Yahoo đã có những quyết định trọng đại như sa thải hàng loạt nhân viên trên khắp toàn cầu, đại cải tổ và nhất là thương vụ bán lại toàn bộ quảng cáo cho Microsoft gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu vẫn tiếp tục trượt dốc, thị phần không có dấu hiệu cải thiện trước các đối thủ như Facebook và Twitter đã khiến Hội đồng quản trị và các cổ đông Yahoo phật ý. Hệ quả là họ đã quyết định sa thải bà Bartz vào hôm qua.

Trong lá thư gửi cho toàn thể nhân viên chiều qua, bà Bartz cho biết mình đã bị "sa thải qua điện thoại" và gửi lời chúc may mắn đến mọi người. Giám đốc Tài chính Tim Morse sẽ là người tạm thay thế bà Bartz để trở thành Tổng Giám đốc mới của Yahoo.

Một quyết định không bất ngờ

Trên thực tế, tin đồn về việc Hội đồng quản trị Yahoo lặng lẽ tìm người thay thế Bartz đã rò rỉ trên mạng Internet từ nhiều tháng nay. Vấn đề này thậm chí đã được đem ra chất vấn tại đại hội cổ đông thường niên của hãng hồi tháng 6, nhưng Chủ tịch Roy Bostock từ chối bình luận, ngoài việc khẳng định Hội đồng vẫn "hết lòng ủng hộ Carol và êkip điều hành".

Còn trong thông cáo báo chí chính thức gửi đi chiều qua, ông Bostock không tiết lộ nguyên nhân sa thải bà Bartz mà chỉ nhấn mạnh vào "môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức" mà Yahoo đang phải đối mặt. Và chẳng có gì bất ngờ khi ông này vẫn tỏ ra lạc quan (ít nhất là bề ngoài) về triển vọng của hãng.

"Chúng tôi vẫn nhìn thấy những cơ hội tăng trưởng to lớn dành cho Yahoo và mục tiêu chính của chúng tôi là tận dụng vị thế dẫn đầu của hãng, cũng như các nền tảng và tài nguyên kinh doanh hiện có để đón bắt những cơ hội ấy. Chúng tôi sở hữu những con người tài năng và nguồn lực dồi dào hậu thuẫn họ, cùng với cam kết đưa Yahooo trở lại với lộ trình tăng trưởng vững chắc và sáng tạo mạnh mẽ".

Bà Bartz từng làm Giám đốc điều hành tại Autodesk 14 năm trước khi trở thành Chủ tịch điều hành của hãng này vào tháng 4/2006. TRước Autodesk, bà từng làm việc tại Sun Microsystems, 3M và Digital Equipment.

Khi bà Bartz ngồi vào ghế nóng CEO thay cho đồng sáng lập Jerry Yang, Yahoo đang vật lộn với bài toán lợi nhuận và cạnh tranh. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của bà là phải cải tổ và đại phẫu Yahoo, giúp cho bộ máy của gã khổng lồ Internet trở nên đơn giản hơn, nhanh hơn, tương tác hơn với người dùng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của bà, Yahoo vẫn tiếp tục loay hoay và rối bời như gà mắc tóc, chưa bao giờ có thể giành lại vị thế đã mất từ tay đối thủ Google.

Tân Tổng Giám đốc điều hành của Yahoo, Tim Morse gia nhập hãng muộn hơn bà Bartz (tháng 6/2009). Trước Yahoo, ông này từng có 15 năm làm việc ở General Electrics, trải qua nhiều chức vụ khác nhau trong ban điều hành, bao gồm cả Giám đốc Tài chính của GE Plastics. Morse có bằng cử nhân về tài chính và quản trị chiến lược tại Đại học Quản lý Carroll Boston.

Cũng trong dịp này, Yahoo đã thành lập một Hội đồng Lãnh đạo Điều hành để hỗ trợ Morse điều phối các hoạt động thường nhật cho tới khi hãng bổ nhiệm được một CEO chính thức. Hội đồng này cũng sẽ giám sát các chiến lược tổng hợp để cải thiện khả năng tăng trưởng cho hãng. Tham gia Hội đồng là những gương mặt kỳ cựu như Michael Callahan, Phó Chủ tịch điều hành - Tổng chưởng lý, Blake Irving, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc Sản phẩm, Ross Levinsohn, Phó chủ tịch điều hành phụ trách Bắc Mỹ, Rich Liley, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Âu/Trung Đông/Châu Phi và Rose Tsou, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những thăng trầm của Yahoo dưới thời Carol Bartz

Bà Bartz cập bến Yahoo sau một năm cực kỳ "chông gai" của hãng này. Năm 2008, Microsoft đã ngỏ ý mua lại Yahoo nhưng cuối cùng vẫn phải quay lưng bỏ đi vì mức giá 33 USD/cổ phiếu vẫn bị Yahoo khăng khăng từ chối. Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu Yahoo đã mất hơn một nửa giá trị và chưa bao giờ tăng lại được mức giá mà Microsoft đã đưa ra.

Chính vì thế, khá nhiều cổ đông đã bất bình với quyết định cố chấp của Ban giám đốc mà điển hình là vụ kiện của cổ đông lớn Carl Icahn. Để dàn xếp ổn thỏa với Carl, Yahoo đã phải mời ông này tham gia Ban Giám đốc nhưng đến tháng 10/2009, Carl cũng từ chức và bán tống tháo hết cổ phần của mình vào tháng 2/2010.

Yahoo cũng cố gắng tăng doanh thu bằng một thỏa thuận hợp tác tìm kiếm quảng cáo với Google. Tuy nhiên gã khổng lồ tìm kiếm đã rút lui khỏi thương vụ sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ tuýt còi về vấn đề chống độc quyền. Không lâu sau khi thương vụ Google đổ bể, Jerry Yang thông báo sẽ từ chức CEO ngay khi tìm được người thay thế.

Dưới kỷ nguyên của bà Bartz, một người phụ nữ được miêu tả là lạnh lùng, quyết đoán, có thể "tàn nhẫn khi cần thiết", Yahoo đã đóng cửa hoặc sáp nhập hàng loạt bộ phận. Tháng 12 năm ngoái, Yahoo tuyên bố sẽ khai tử Yahoo Buzz, MyBlogLog, Delicious, AllTheWeb.com, Yahoo Pick và AltaVista.

Chính sách sa thải - vốn đã rất khắc nghiệt trước thời bà Bartz, tiếp tục được áp dụng triệt để. Hãng này đã chấm dứt hợp đồng với hơn 2500 nhân viên trong năm 2008 và thêm 1000 người nữa dưới thời của bà.

Ít nhất có một người thể hiện sự hồ hởi ra mặt trước việc bà Bartz bị sai thải. Đó chính là một cựu quan chức của Yahoo - Brad Garlinghouse, người đang giữ chức Chủ tịch Ứng dụng và thương mại của AOL. Năm 2006, ông này từng viết một tài liệu phàn nàn rằng Yahoo đang bành trướng quá rộng mà thiếu đi chiều sâu, không tập trung vào các chiến lược quan trọng. Giờ đây, với thông tin về Carol Bartz, Garlinghouse đã không ngần ngại viết trên Twitter: "Phù thủy đã chết".

Trọng Cầm (Tổng hợp)