Các hãng công nghệ châu Á đang phải hứng chịu sức ép chưa từng có về việc giảm giá bán máy tính bảng, sau khi gã khổng lồ Amazon trình làng dòng tablet Kindle Fire với mức giá không thể mềm hơn.



Từ Samsung cho đến Sony, tất cả các đại gia phần cứng châu Á đều ôm tham vọng lớn về việc hạ bệ hoặc thách thức Apple iPad, thiết bị luôn được coi là "chuẩn mực vàng" của thị trường máy tính bảng. Tuy nhiên, họ chỉ có thể tung ra những sản phẩm na ná iPad về tính năng và giá bán thì ngang ngửa đối thủ (499 USD khởi điểm), thậm chí đắt hơn... Chính vì thế, chưa có một thương hiệu nào thành công và giành được thị phần đáng kể khỏi tay Apple.

Cho tới thời điểm này, Samsung được coi là hãng thành công nhất trong nhóm các đại gia châu Á, khi hai phiên bản Galaxy Tab khá ăn khách và thu hút được nhiều sự chú ý từ thị trường. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng, vị trí Á quân của Samsung có thể nhanh chóng bị mất vào tay tân binh Kindle Fire.

Chiến dịch tiếp thị của Galaxy Tab của Samsung đã bị "điên đảo" do cuộc chiến pháp lý với Apple mấy tháng gần đây. Apple thậm chí còn đòi cấm cửa Tab tại các thị trường như Úc, Mỹ và Đức do tội "Sao chép" và xâm phạm bản quyền.

Trong khi đó, dù thiếu vắng nhiều tính năng hoa lá cành phổ biến ở máy tính bảng như camera tích hợp và kết nối 3G, song Kindle Fire lại sở hữu mức giá "trong mơ". Không nói đến tương lai của binh đoàn Android bị đe dọa, mà ngay cả Apple cũng đã cảm thấy hơi nóng từ "ngọn lửa" phả vào gáy. Từ trước khi Fire phát hành, J.P.Morgan đã nhận định rằng với mức giá từ 250 USD trở xuống, dòng máy tính bảng này có thể bán chạy như tôm tươi và lấn át cả iPad. Thì nay, với mức giá 199 USD, viễn cảnh ấy càng có cơ trở thành sự thật.

Bình luận về nguyên nhân thất bại của các đối thủ châu Á, chuyên gia Adam Leach của hãng nghiên cứu Ovum cho rằng, họ chỉ bắt kịp iPad về giá mà không thể so bì được về nội dung cũng như tính năng bên trong. Ngược lại, mô hình kinh doanh dựa trên bán lẻ của Amazon lại cho phép hãng này trợ giá Kindle Fire một cách thoải mái. Fire giống như một chiếc cầu nối giúp Amazon bán được nhiều sản phẩm khác nữa, từ hàng hóa vật lý cho tới nội dung số.

Nếu như Galaxy Tab, bộ đôi máy tính bảng S và P của Sony, Transformer của Asus và Iconia Tab của Acer đều sử dụng hệ điều hành Android thì Amazon cũng vậy. Nhưng không một đối thủ nào liên thông được với kho nội dung khổng lồ, phong phú và đa dạng được như của Amazon.

Samsung lâm nguy


Dòng tablet mới Galaxy 10.1 có giá bán gần xấp xỉ iPad. Theo tính toán của các chuyên gia, Samsung chỉ được lãi tầm 5% từ mỗi chiếc máy bán được, vì thế sẽ cực khó để Samsung có thể giảm giá mạnh sản phẩm trong thời gian tới.

Nhưng một thực tế không thể phủ nhận, là Kindle Fire đang thiết lập một mặt bằng giá hoàn toàn mới trên thị trường máy tính bảng. Người dùng sẽ tự động thắc mắc rằng, vì sao họ chỉ cần bỏ 199 USD đã nhận được vi chip lõi kép, màn hình cảm ứng đa điểm 7-inch, hệ điều hành Android và khả năng kết nối vô tận tới kho ứng dụng/nội dung trực tuyến, trong khi trước đây, các hãng luôn "móc túi" người dùng tối thiểu là 500 USD?

Cũng lâm nguy chẳng kém Samsung là đại gia Nhật Bản Sony. Hồi tháng 1 năm nay, hãng này từng thề sẽ trở thành hãng tablet số 2 thế giới, chỉ sau Apple vào năm 2012. Tuy nhiên, khi chính thức trình làng hồi tháng trước, cả hai mẫu tablet S và P của Sony đều bị chê là đắt và "thiếu muối".

"Sức ép mà Amazon quẳng cho các đối thủ Android là quá khủng khiếp, bởi họ không tài nào cạnh tranh được về giá và giá trị với Kindle Fire cả", hãng nghiên cứu UBS bình luận. Thậm chí, ỤBS còn cho rằng với mức giá 199 USD, Kindle Fire có thể tiêu diệt toàn bộ thị trường nói chung và binh đoàn máy tính bảng phi-iPad nói riêng.

Tháng trước, từ chỗ ế ẩm chất đống trong khi, HP TouchPad đã quay ngược 180 độ, trở thành sản phẩm bán chạy nhất trên Amazon và Bestbuy khi HP quyết định đại hạ giá xuống còn 99 USD. Đây chính là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy giá cả quan trọng đến mức nào đối với thành bại của một chiếc máy tính bảng.

Theo dự đoán của IHS iSuppli, doanh số tablet xuất xưởng toàn cầu trong năm nay sẽ tăng hơn 3 lần, đạt mức 60 triệu máy và tăng vọt lên mức 275,3 triệu máy vào năm 2015. Apple sẽ vẫn là hãng thống trị thị trường Bắc Mỹ với 80% thị phần trong năm 2011.

Trọng Cầm (Theo Reuters)