- Lợi ích và tầm quan trọng của chữ ký số trong việc phát triển Thương mại điện tử, Dịch vụ công điện tử và giao thương là rất rõ, tuy nhiên trong quá trình triển khai tại Việt Nam đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho biết đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số là nội dung cấp thiết được Chính phủ chỉ đạo. Ảnh: M.Chung.
Phát biểu tại Hội thảo " Tương tác CA và chấp nhận chứng thư số nước ngoài" do Bộ TT-TT tổ chức sáng nay tại Hà Nội, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước đều khẳng định, rất cần phải thiết lập cơ chế tương tác giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc xây dựng phương án chấp nhận chứng thư số của các nhà cung cấp CA nước ngoài, nếu như muốn thu hút các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đàm phán, giao thương với quốc tế.

Là cơ quan quản lý nhà nước về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA), thời gian qua, Bộ TT-TT đã xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn và triển khai chữ ký số vào thực tế. Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI) cũng đã được khẩn trương tiến hành. Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã có 8 nhà cung cấp CA được cấp phép và 5 trong số đó đang hoạt động, bao gồm: VNPT-CA, Viettel-CA, BKAV-CA, FPT-CA và Nacencom.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số vào các hoạt động thương mại, đầu tư... là những nội dung cấp thiết được Chính phủ chỉ đạo. Chính vì thế, Hội nghị sẽ tập hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của Tổng cục Thuế, Hải quan, từ Bộ Công thương.... để gỡ bỏ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước hiện nay.

"Ba, bốn năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã làm việc nhiều với các đối tác nước ngoài. Họ đều rất quan tâm và thận trọng với hạ tầng PKI cũng như về dịch vụ CA trong khi đàm phán. Tuy nhiên, các CA công cộng trong nước lại không được đánh giá cao khi làm ăn với nước ngoài. Một thực tế nữa là doanh nghiệp và người tiêu dùng (có vẻ như) biết đến các CA quốc tế như VeriSign và GlobalSign nhiều hơn. Vậy làm thế nào để CA trong nước phát triển được nhưng vẫn dung hòa với CA quốc tế", ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương nêu vấn đề.

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính sau khi phân tích các khó khăn và vấn đề nảy sinh trong quá trình ứng dụng chữ ký số để Doanh nghiệp khai thuế qua mạng, đã kiến nghị Bộ TT-TT sớm có kế hoạch triển khai Nghị định 26 của Thủ tướng về chấp nhận CA số nước ngoài. "Đó là một nhu cầu có thật, đảm bảo môi trường thông thoáng cho thương mại Việt Nam, nhất là khi Việt Nam sẽ sớm phải triển khai cơ chế 1 cửa ASEAN (ASEAN single-window) vào năm 2014", vị này khẳng định.

Trọng Cầm