- Những máy tính xách tay siêu mỏng, nhẹ cùng cấu hình hợp lý đang có bước khởi đầu khá tốt trong năm 2011, tuy nhiên tương lai của chúng thật khó đoán trước.

Netbook đi, Ultrabook lại

Nói về sự tiên phong, một lần nữa Apple lại vinh danh là công ty khuấy động thị trường Ultrabook với sản phẩm Macbook Air. Ra mắt từ năm 2008, Macbook Air nhanh chóng tạo cho mình một chỗ đứng riêng không đụng hàng trên phân khúc sản phẩm máy tính xách tay trung cấp dành cho doanh nhân.

Lúc bấy giờ, hầu như các thương hiệu lớn như HP, Acer, Asus đều chẳng mấy mặn mà với thị phần này cũng như còn đang mải mê chạy theo cuộc đua cấu hình khởi xướng bởi Intel - lúc bấy giờ đang đẩy mạnh truyền thông cho dòng chipset Core 2 Duo và Atom trên Netbook.

Apple đang giữ vị thế tiên phong và độc tôn trên thị phần Ultrabook.


Vậy là Apple một mình một sân với sản phẩm Macbook Air 13 inch cho mãi tới năm 2010, khi những chiếc Macbook Air 11" xuất xưởng thì cả làng công nghệ mới choáng váng với mức giá khởi điểm 999USD, đây sẽ là một sự cạnh tranh gắt gao, giành miếng bánh thị phần.

Theo định nghĩa của các hãng công nghệ, laptop là dành cho những ai thật sự cần một chiếc máy tính xách tay mạnh mẽ, đáp ứng được nhiều công việc và netbook là cho những người muốn gọn nhẹ, cơ động trong các tác vụ lướt web, check mail, đồng thời chỉ là chiếc máy mang tính "sơ cua".

Mỏng, gọn, cấu hình vừa phải, pin lâu là tiêu chí để được gọi là một Ultrabook.


Tư duy hạn hẹp là thế nên khi trào lưu netbook thoái vị với sự rũ bỏ thị trường ồ ạt của các hãng lớn mà điển hình là Acer, các đại gia lúc này mới té ngửa. Trong suốt 5 năm "tung hoành" của mình, dấu ấn mà netbook để lại trong lòng người dùng là con số 0, nếu như không muốn nói là sự thất bại trong lịch sử máy tính.

Asus cắt giảm sản xuất netbook, Sony thì chưa bao giờ coi mình đã gia nhập liên minh máy tính giá rẻ bởi Vaio P dù sử dụng vi xử lý Atom thì giá nó vẫn chót vót gần 900USD, HP sau những liên kết với các nhà mạng để chuyển hướng dòng sản phẩm mini-Note sang tích hợp 3G cuối cùng cũng buông tay vào giữa năm 2010. Vậy là thị trường chỉ còn lại Samsung và một vài tên tuổi nhỏ khác như Viewsonic hay Gateway lóp ngóp trong canh bạc netbook và cũng sắp rời cuộc chơi.

Tính tới thời điểm hiện tại, doanh số Netbook toàn cầu ước đạt 25 triệu chiếc, và đây quả thực là một con số quá nhỏ bởi chỉ tính riêng iPad cũng có thể vượt qua doanh số này. Trong các năm tới, theo dự báo của Display Research, thị phần Netbook sẽ co gọn lại, đi vào thị trường ngách và sớm biến mất trong tương lai gần trước sự lên ngôi của Ultrabook và tablet.

Quay trở lại với Ultrabook, sau thoái trào Netbook cùng sự trỗi dậy của dòng sản phẩm Apple Macbook Air, một định nghĩa mới đã được lập nên về những chiếc máy tính xách tay tính cơ động cao. Tuy nhiên, phải hơn 1 năm kể từ khi Macbook Air 11" làm mưa làm gió trên thị trường thì các thương hiệu như Acer, Asus, Samsung mới bắt kịp cuộc đua này.

Ultrabook - bom tấn hay bom xịt?

Dễ thấy một điều, Ultrabook là những máy tính xách tay  thời trang và và có tính cơ động cao cùng giá thành hợp lý (dưới 1000USD). Xét về hiệu năng, rõ ràng nếu chỉ trong phạm vi các tác vụ văn phòng và giải trí đơn giản, các dòng máy tính này đáp ứng tốt nhu cầu người dùng.

Bằng việc áp dụng vi xử lý mới Core i của Intel trên các thế hệ Ultrabook ra mắt trong thời gian gần đây, Apple, Asus, Acer đã nâng tầm các dòng máy này lên một tầm mới. Mạnh mẽ hơn, thời lượng dùng lâu hơn và nhẹ nhàng, ít tỏa nhiệt hơn.
Theo ước tính, ngay trong năm 2012, các dòng Ultrabook sẽ chiếm tới 40% thị phần máy tính xách tay và đây có lẽ là một con số có tính xác thực cao.

Cuộc đua Ultrabook sẽ bước vào cao trào trong năm 2012.


Hiện nay, chi phí trung bình cho một Ultrabook xấp xỉ 1000USD, trên dưới 20 triệu đồng và nếu so với hiệu năng nó đem lại thì mức giá này không phải là cao. Một chiếc tablet như iPad hay Galaxy Tab với bộ nhớ 64GB cũng có giá tương đương trong khi không đáp ứng được một cách toàn diện như Ultrabook. Vậy là không riêng gì netbook, các tablet cũng phải dè chừng đối thủ mới này.

Qua các ghi nhận từ người sử dụng, hầu hết nhận xét về các Ultrabook đến nay đều rất tích cực. Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay mới có sản phẩm Apple Macbook Air là hiện diện trên thị trường, còn các dòng máy sử dụng Windows 7 vẫn còn rập rình ra mắt cuối năm.

Người dùng Mac OS có thể khen máy Mac nhưng với người dùng Windows nó lại là một khía cạnh hoàn toàn khác. Sự cồng kềnh của HĐH Windows nhiều khả năng sẽ là rào cản, gây sự bực mình cho người dùng khi vận hành trên các dòng Ultrabook. Tính bảo mật thấp của Windows cũng như những phàn nàn muôn thưở như "càng dùng càng chậm" sẽ khiến một lúc nào đó Ultrabook mất đi lợi thế về hiệu năng, dù rằng cấu hình của chúng cũng được các hãng sản xuất nâng cấp liên tục.

Ngoài ra, nếu như trên các laptop, việc nâng cấp, thay thế phần cứng là điều dễ dàng thì với Ultrabook, đó lại là một sự thách đố. Việc tạo dáng công nghiệp siêu mỏng khiến Ultrabook trở thành một khối đóng, khó có thể nâng cấp phần cứng như RAM, ổ cứng hay thay thế các linh kiện khi hỏng hóc.

Ultrabook có thành công hay không hay lại đi theo vết xe đổ của Netbook?


Sự thành công của Ultrabook vẫn còn là một ẩn số bởi rõ ràng nó phụ thuộc phần nhiều vào chất lượng sản phẩm mà các hãng lớn tung ra thị trường. Nếu chiếu theo các laptop thì rõ ràng người tiêu dùng không thể chấp nhận một máy tính xách tay dùng nhanh hao pin, khởi động chậm và nhất là nhanh hỏng như những gì các hãng gây thất vọng trong thời gian qua.

Đó là còn chưa tính đến việc các hãng sản xuất Ultrabook có thể bị Apple "ngáng chân" bởi chúng rất dễ phạm phải bản quyền kiểu dáng công nghiệp của hãng này, khi mà cuộc chiến pháp lý trên các smartphone đang lên tới hồi cao trào.

Tính đến thời điểm này, 90% thị phần Ultrabook vẫn thuộc về Apple với dòng sản phẩm Macbook Air. Phải tới cuối năm nay, Acer và Asus mới bắt kịp bằng các series máy mới. Trong khi đó, các sản phẩm của HP, Sony hay Dell vẫn chưa lộ diện. Vậy là nhanh nhất cũng phải đến giữa năm 2012, Ultrabook mới thực sự bước vào giai đoạn cao trào và cũng phải đến cuối năm mới có thể đạt doanh số như kỳ vọng.

Vương Long