- Các sàn giao dịch ảnh số trực tuyến đang dần trở thành kênh bán hàng hấp dẫn cho các tay nhiếp ảnh không chuyên thời công nghệ số.

Sân chơi cho nhiếp ảnh nghiệp dư

Với giá thành ngày một rẻ, các dòng máy ảnh dSLR của Nikon, Canon hay Sony đang ngày càng được giới trẻ ưa chuộng, nhất là đối với những dân chơi ảnh không chuyên. Cùng sự đi lên của cuộc cách mạng số hoá, việc kinh doanh các bức ảnh số trên mạng đang trở thành một xu thế mới của giới nhiếp ảnh.


Ngày càng nhiều tay máy không chuyên chọn môi trường Internet làm kênh bán hàng. (Nguồn: Autopro)

Kiên, thành viên của mạng Photovn cho biết: "Khoảng vài năm trở lại đây nhu cầu sử dụng ảnh số của các doanh nghiệp truyền thông tăng chóng mặt, nhất là thể loại ảnh lifestyle. Em nhận được khá nhiều đơn đặt hàng các bộ ảnh kiểu này và thậm chí rao bán trên mạng cũng rất đắt khách".

Điểm đến của Kiên là mạng lưới bán ảnh trực tuyến microstock gồm các site như Dreamstime, Shutterstock vốn là những kho ảnh số đa dạng và là thương hiệu được các tổ chức truyền thông, marketing đánh giá cao, là khách hàng thường xuyên.

Theo anh Quang Mạnh, một dân chơi ảnh máy số có kinh nghiệm thì: "Hiện nay việc làm truyền thông thường đánh vào nhãn quan, mà cụ thể là những bức ảnh đẹp và sáng tạo. Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng có thể dựng được studio và tự thực hiện hay đặt mua từ đối tác cũng rất mất thời gian. Trong khi đó các kho ảnh trực tuyến với cơ sở dữ liệu hàng triệu tấm trở thành đích đến của các doanh nghiệp khi có nhu cầu cần vật liệu quảng cáo số (marketing material)".

Cũng theo anh Mạnh, những bức ảnh khi được đưa lên mạng rao bán sẽ có 2 kiểu, một là tự dàn xếp và chụp theo chủ ý, theo một chủ đề hoặc ngẫu hứng. Hai là lựa chọn những tấm ảnh xuất sắc mình đang có để gửi lên bán mà không theo bất kỳ chủ đề nào.

Những bức ảnh sau khi được chụp sẽ được tuỳ biến đôi chút qua các công cụ chỉnh sửa ảnh để tăng tính thẩm mỹ, tiếp đó sẽ được upload lên thẳng tài khoản rao bán trực tuyến của các tay máy nghiệp dư dưới định dạng file nguyên mẫu, không nén như RAW hoặc JPEG chất lượng cao.

Hồng Phương, một dân chơi ảnh tham gia bán ảnh kiểu này cho biết: "Một bộ ảnh muốn bán được tại các trang Shutterstock, iStockphoto đều được nhà quản lý kiểm duyệt rất kỹ về tính thẩm mỹ, nội dung có bị trùng hợp/sao chép ý tưởng hay không rồi cuối cùng mới được lên kệ".

Thường thì các website bán ảnh kiểu này đều dưới hình thức ăn chia với các tác giả. Có nơi tính tiền theo lượt tải về mỗi bức nhưng cũng có nơi mua đứt bán đoạn trên từng bức ảnh/bộ ảnh.

Mua ảnh trực tuyến: vừa nhanh vừa rẻ

Đang loay hoay chưa biết tìm đâu một bức ảnh dành cho thiết kế tờ rơi quảng cáo, anh Minh Hoàng, phụ trách thiết kế của một công ty tổ chức sự kiện như bắt được vàng khi được chỉ cho trang web Shutterstock.


Các website bán ảnh trực tuyến tiện dụng là nơi kích cầu cả người bán và người mua.

Anh cho biết: "Nghề của mình đòi hỏi những bức ảnh độ phân giải cao cùng các góc cắt độc, sáng tạo để sử dụng vào các bộ kit quảng cáo, nhận diện thương hiệu cho đối tác. Ảnh Google ra thì nhiều nhưng nhỡ chẳng may phải ảnh có bản quyền hay đơn vị khác dùng rồi là rất rắc rối".

Theo tìm hiểu hiện nay các site bán ảnh số khá đa dạng như ShutterStock, Dreamtimes hay Photos.com. Điểm chung của các site mua bán ảnh này chính là lượng ảnh dồi dào với các thể loại ảnh từ lifestyle cho đến chân dung hay các bộ ảnh dàn xếp chủ ý, có thể sử dụng được vào nhiều việc, nhất là môi trường quảng cáo, marketing trực tuyến.

Theo chị Tâm, nhân viên thiết kế của một tập đoàn viễn thông cho biết: "Ảnh trên các site bán ảnh trực tuyến thường là có chất lượng tốt, sử dụng làm các ấn phẩm marketing rất hiệu quả mà giá cũng hợp lý với nhiều mức tính theo từng lượt tải hoặc trả hàng tháng, hàng năm. Tuy nhiên đôi khi vướng ở chỗ là tính nội địa hoá của anh chưa cao, nhiều khi cần ảnh người Việt thì lại tìm thấy toàn ảnh 'Tây'".

Vốn có thâm niên trong việc thực hiện các bộ ảnh lifestyle chủ đề công nghệ - viễn thông, anh Hùng, chủ một studio cho biết: "Ở Việt Nam có kho ảnh rất lớn của Thông tấn xã Việt Nam nhưng để tiếp cận và mua hình ảnh từ kho này không mấy thuận tiện nên hầu như chỉ các công ty lớn mới sử dụng và thường thì mua theo gói. Trong khi đó, chỉ việc lên Internet đăng nhập vào các tài khoản trả phí là đã có thể mua ảnh cũng như tìm kiếm dễ dàng bằng các công cụ lọc hữu dụng đã tạo tâm lý thoải mái hơn đối với các đối tượng dùng ảnh số".

Việc ăn chia doanh thu từ kinh doanh ảnh số giữa các site bán ảnh với các tay nhiếp ảnh nghiệp dư có quy định rất rõ ràng về việc thanh toán và tỷ lệ. Thường thì các bức ảnh sau khi upload lên hệ thống và qua được bước kiểm duyệt sẽ ngay lập tức được đưa vào kho dữ liệu để khách hàng tìm kiếm.

Kiên, "tay mơ" bán ảnh số vừa nhắc đến ở trên chia sẻ: "Khi đã được quản trị site bán ảnh chấp nhận đồng nghĩa với bộ ảnh của mình sẽ được đưa vào kinh doanh. Thường thì mức ăn chia từ 0,2 USD tới 2USD/lần tải tuỳ kênh bán. Khi đạt đủ doanh thu ở một ngưỡng nhất định, quản trị site sẽ gửi thẳng tiền vào tài khoản tín dụng của tác giả đã đăng ký trước khi khởi tạo account bán ảnh".

Một tay nhiếp ảnh nghiệp dư tiết lộ: "Mình có nhiều bức ảnh theo chủ đề phong cảnh được tạp chí nước ngoài sử dụng lại nên thu nhập từ việc bán ảnh số trực tuyến cũng tương đối. Thay vì việc phải tổ chức triển lãm, tốn nhiều chi phí mà hiệu quả truyền thông không cao thì việc bán ảnh số qua mạng cũng rất đơn giản mà vẫn có khách".

Ngoài ra, các tạp chí hay các trang thông tin điện tử hiện nay cũng là nguồn tiêu thụ ảnh số rất lớn. Một thực tế là, văn hoá xem đang ngày càng lấn át và trang báo càng nhiều ảnh đẹp, chất lượng, độc đáo thì số lượng tira, view càng tăng.

Có thể nói, mạng Internet đang mở ra những cơ hội mới mẻ trong lĩnh vực nội dung số, đặc biệt là ảnh số. Trong một tương lai gần, thiết nghĩ Việt Nam cần xây dựng một kho ảnh số chuyên nghiệp vừa để phục vụ nhu cầu ngày một tăng cao từ thị trường trong nước, vừa để phát triển thị trường mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

  • Vương Long