- Sau cơn lao dốc của năm 2010, thị trường máy tính 2011 bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi những yếu tố ngoại lai và không thể chống đỡ.
Thị trường máy tính chứng kiến khủng hoảng nặng nề do nhiều tác nhân.

Hàng lên giá, khách thưa thớt

Nếu như năm 2010 được coi là điểm đen của thị trường máy tính Việt thì tới năm 2011 này, dường như "cơn bĩ cực" của các cửa hàng máy tính vẫn chưa qua, nếu không muốn nói là nặng nề hơn.

Ngay từ đầu năm, với việc Intel đưa ra lộ trình nâng cấp vi xử lý mới, đồng loạt các dòng máy tính từ máy bộ, máy lắp ráp cho đến cả máy tính xách tay đều lục tục tăng giá.

Các dòng máy tính để bàn tầm trung ngày càng khan hiếm do các dòng chipset Intel Core i hoặc ngưng sản xuất hoặc nâng cấp lên phiên bản mới với giá chênh lệch hơn đã khiến các bộ máy này tăng ít nhất 20%.

Anh Khánh Toàn, chủ cửa hàng bán linh kiện máy tính tại Lê Thanh Nghị cho biết: "Trước đây các dòng chipset Core 2 Duo hay Core i3 đời cũ rất dễ tiêu thụ do giá thành hợp lý, chỉ trên dưới 5 triệu là đã có thể ráp được một bộ máy hoàn chỉnh dùng vào nhiều mục đích. Tuy nhiên bây giờ thì rất khó để lắp bởi chipset mới đòi hỏi phần cứng mới với giá thành tăng hơn, cộng dồn tất cả thì  cũng phải gần 7 triệu mới có case, chưa gồm màn hình".

Trên thực tế thì Intel đã tiến hành nâng cấp dòng chipset Core của mình nhưng khoảng cách giữa giá thành của bộ máy chipset Core i và Dual Core ở mức khá cao, thay vì có khoảng đệm, khiến người dùng tầm trung loay hoay mất phương hướng.

Lê Thạch, sinh viên năm thứ 3 ĐH Bách Khoa tếu táo: "Định luật Moore là cứ mỗi năm tốc độ chipset tăng gấp 2 - tức là giá giảm một nửa nhưng 2 năm nay thì định luật này hình như đã sai. Chipset Core i3 của Intel so với các dòng Core Quad, Core 2 Duo chưa thấy tăng gấp 2 ở hiệu năng nhưng giá thì ngang bằng, thậm chí đắt hơn, 'ăn' điện hơn".

Chưa kịp định thần với chipset, thảm hoạ kép động đất - sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3 lại một lần nữa gây những xáo trộn tới thị trường máy tính. Mặc dù không phải là quốc gia OEM các thiết bị đầu cuối nhưng Nhật Bản lại là nơi  cung cấp chất bán dẫn cho các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử trên toàn thế giới. Ngay lập tức, thị trường bo mạch, RAM và các linh kiện máy tính cũng có sự điều chỉnh về giá với mức tăng dao động từ 10 đến 12%.

Khó khăn chồng chất 

Hết tháng 3 cũng là lúc thị trường máy tính bước vào mùa hè u ám của đồ thị hình sin. Những tưởng sau 6 tháng tiêu thụ chậm, tháng 9 sẽ là lúc thị trường máy tính khởi sắc thì một lần nữa trận đại hồng thuỷ tại Thái Lan lại vùi dập cả người tiêu dùng lẫn giới dân buôn.

Với việc các nhà máy sản xuất ổ cứng, chip nhớ flash NAND bị ngập và thiệt hại nặng, đình trệ sản xuất, ngay lập tức các thiết bị lưu trữ tăng phi mã khiến người tiêu dùng không kịp trở tay.

Một dân buôn cho biết:"Mức tăng chóng mặt của các ổ cứng từ 80% đến 100% khiến người nào ôm được hàng từ trước thì cười sướng chứ những dân buôn kiểu cuốn chiếu và người tiêu dùng thì tái mặt".

Tính tới thời điểm này, mức tăng cao nhất trên ổ cứng đã lên tới hơn 2 triệu cho các dòng ổ cứng máy tính bàn. Ổ cứng máy tính xách tay cũng có mức điều chỉnh từ 400 ngàn tới 900 ngàn ở các phân khúc ổ cứng 500GB và 750GB.

Với các mức tăng liên tục ở linh kiện như thế này, điều dễ thấy là giá máy tính đã và đang bị đẩy lên mức cao, tạo một vết hằn sâu trong cảm nhận về giá của người tiêu dùng.

Trong khi đó, dự án Ultrabook với việc đầu tư mạnh bạo vào các dòng máy tính xách tay mỏng-gọn-nhẹ-rẻ đang có nguy cơ đổ bể bởi các tác nhân khách quan vừa nêu. Nếu như Macbook Air của Apple đã có thương hiệu từ lâu thì việc Intel và các nhà sản xuất chậm chân trong phân khúc này lại đúng vào thời điểm khủng hoảng, suy thoái sẽ khiến dòng sản phẩm này khó thành công trong tương lai gần.

Đang loay hoay chọn một chiếc máy tính xách tay mới, chị Bảo Trân lắc đầu khi chạm vào mẫu Ultrabook của một hãng máy tính Đài Loan: "Thương hiệu cũng chỉ của Đài Loan, cấu hình cũng bình thường mà mức giá đã trên 25 triệu cho phiên bản 11 inch. Với giá này thì có lẽ tôi sẽ mua Macbook Air hoặc máy tính bảng, vừa sành vừa rẻ hơn".
Chưa thấy dấu hiệu hồi phục

Cơn suy thoái chưa qua, khủng hoảng sản xuất chưa dứt, công nghệ chưa có sự đột phá... là những dấu hiệu nhãn tiền cho một năm 2012 thiếu sức sống của thị trường máy tính.

Mới đây, theo một nhà quản lý công ty sản xuất thiết bị lưu trữ thì việc khan hiếm ổ cứng có lẽ sẽ kéo dài hết năm sau và người dùng sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng giá ngoài ý muốn.

Anh Thanh Hải, khách hàng muốn mua máy tính xách tay than thở: "Đầu năm nay có đợt khuyến mại máy tính Core i3, ổ cứng 250GB giá chỉ hơn 7 triệu thì bây giờ khó mà tìm được máy nào dưới 10 triệu với cấu hình tương đương".

Cũng theo nhiều dự đoán, thị trường PC năm 2012 sẽ còn bị tác động bởi nhiều yếu tố ngoại lai mà một trong số đó chính là sự lên ngôi của máy tính bảng và smartphone.
Với việc đáp ứng tốt các tác vụ văn phòng như hiện nay, các máy tính bảng ngày một đa dạng về mẫu mã và vượt trội về cấu hình cùng tính di động cao. Sự phát triển của mobile Internet thông qua kết nối 3G cũng là một bước ngoặt lớn khi người dùng có thể kết nối trên điện thoại để check mail, thay vì phải xách theo một máy tính xách tay cồng kềnh như trước kia.

Dự đoán trong năm tới, các thương hiệu máy tính lớn như Dell, HP, Sony sẽ cắt giảm sản lượng, tăng giá thành cũng như có những chiến lược về sản phẩm theo chiều hướng mới thay vì chạy theo xu hướng bình dân hoá máy tính/laptop như trào lưu diễn ra 3 năm qua.

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh thiết bị IT đình đám một thời, giờ chuyển sang ngạch điện máy - gia dụng cho biết: "Làm máy tính bây giờ khó sống lắm, khách mua thì ít, khách bảo hành thì nhiều mà giá cả không giảm chỉ có tăng nên suốt ngày nghe khách than phiền. Xu hướng của các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, linh kiện IT hiện nay là chuyển hướng đầu tư và chắc chắn trong năm sau rất nhiều đơn vị sẽ phải kinh doanh thêm các mặt hàng ngoài lĩnh vực máy tính".

Cũng theo chủ doanh nghiệp này thì nếu có nhu cầu mua sắm máy tính thì người tiêu dùng nên mua từ bây giờ hoặc sắm trước Tết Nguyên Đán, bởi sau đó nhiều khả năng giá sẽ còn tăng và công nghệ cũng chưa chắc đã có nhiều đột phá trên thị trường máy tính.

  • Vương Long