- Những đề thi của ngành Giáo dục có trích dẫn một phần tác phẩm sách đã in nên chăng cũng nên trả phí tác quyền cho tác giả.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Kiểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) đưa ra trong Hội thảo “Quyền sử dụng số và vai trò quản lý tập thể” do VIETRRO tổ chức sáng nay (27/12) tại Hà Nội.

Theo ông Kiểm thì hiện nay, có hai hình thức “sao chép” tác phẩm đang phổ biến trong xã hội là sao chép toàn văn (chẳng hạn như in lậu) hay sao chép một phần (thường gặp khi làm luận văn, công trình, đề tài nghiên cứu khoa học...). Trong cả hai trường hợp, tác giả và nhà xuất bản đều là đối tượng chịu thiệt nếu không được trả phí tác quyền, dù tác phẩm của họ đã bị sử dụng ngoài mục đích ban đầu.

Cũng tại Hội thảo này, ông Nguyễn Đức Hoàng – đại diện Hội Trí thức Khoa học & Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) lại cho rằng, không nên kết tội riêng sinh viên trong vấn nạn sao chép luận văn, bởi luận văn hay đề tài nghiên cứu không phải là tài liệu mật mà có “rất sẵn trên mạng”.


Thị trường mua bán luận văn?

Chính vì thế, muốn hạn chế, ngăn chặn tình trạng “đạo luận văn” (sao chép toàn bộ hay sao chép một phần luận văn) đang phổ biến trong một bộ phận sinh viên, nghiên cứu sinh hiện nay thì ông Hoàng cho rằng, “thay vì cấm đoán, nên có cách thức cho phép tồn tại thị trường mua bán, sao chép luận văn”.

Cụ thể, các Đại học, Viện nghiên cứu nên có công khai trên thư viện điện tử của mình những công trình nghiên cứu và luận văn, đề tài của sinh viên qua các năm. Các luận văn năm sau phải có thêm những nội dung cập nhật qua thực tế.

Nếu như sinh viên muốn sử dụng những tài liệu này trong luận văn hay đề tài nghiên cứu của mình, họ sẽ phải đóng phí cho nhà trường và cho tác giả công trình. “Việc tồn tại thị trường mua bán, sao chép luận văn sẽ giúp những người có nhu cầu tham khảo thực sự không bị mang tiếng vi phạm sở hữu trí tuệ, còn chủ sở hữu tác quyền cũng nhận được thù lao chính đáng”, ông Hoàng chia sẻ.


Y Lam