Vào thời điểm này, chắc chắn không mấy ai tiếp tục đưa ra so sánh giữa báo điện tử với các loại hình báo chí truyền thống, bởi câu trả lời đã quá rõ ràng: Báo điện tử đang chiếm ưu thế áp đảo và nó phát triển quá linh hoạt, lại liên tục được hỗ trợ bởi những bước tiến vô cùng nhanh chóng về công nghệ và sự ra đời của ngày càng nhiều thiết bị hiện đại với giả cả dễ chấp nhận với đa số người dùng.


>> Báo chí trực tuyến VN 2011: Thau lộn sang vàng
 
Tại các hội nghị, hội thảo của giới báo chí toàn cầu, máy tính bảng và điện thoại di động đang được chỉ ra như là con đường phát triển chủ đạo của truyền thông trong tương lai. Doanh thu quảng cáo từ báo điện tử ở Mỹ đã vượt cả doanh thu quảng cáo trên báo in, ở châu Âu cũng gần tương đương, và người ta dự đoán rằng nó sẽ bắt kịp với truyền hình trong vòng một thập niên tới.
 
Tuy nhiên ở Việt Nam, sự phát triển mang tính vĩ mô của báo điện tử dường như sẽ bị cản trở bởi kiểu phát triển manh mún, sai lệch, thậm chí nguy hại của nhiều website tin tức. Những trang báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam ra đời không hề chậm so với thế giới, sự phát triển của báo điện tử ở Việt Nam cũng khá hơn rất nhiều quốc gia khác nhưng nhìn vào thực trạng báo điện tử ở nước ta hiện nay thì có quá nhiều điều đáng lo ngại, nhiều vấn đề dường như đi ngược lại với các tiêu chuẩn bất di bất dịch của báo chí và tình trạng “trăm hoa đua nở” chẳng những không giúp đưa báo chí kỹ thuật số của Việt Nam sang một giai đoạn mới mà còn làm tầm thường hóa trình độ dân trí của độc giả. Tôi chỉ xin nêu bốn vấn đề nổi bật nhất như sau:
 
1/ Sử dụng ngôn ngữ báo chí bừa bãi
 
Báo chí vốn được coi là chuẩn mực về ngôn ngữ ở sự trong sáng và dễ hiểu, ngôn ngữ báo chí lẽ ra luôn được coi là tiêu chuẩn cho người dùng thuộc mọi tầng lớp, nhưng ngôn ngữ trên báo chí điện tử đang thực sự là một “thảm họa.” Ai đó có thể viện dẫn lý do rằng báo điện tử đòi hỏi tốc độ nhanh nên sai sót ngôn từ là điều khó tránh khỏi, song lập luận này hoàn toàn không hợp lý bởi những lỗi ngôn từ không chỉ xuất hiện trong các tin thời sự nóng theo kiểu “breaking news” mà kín đặc trong các bài viết không cần phải đua về tốc độ.
 
Những báo điện tử phát triển từ báo in thường có sự “chỉn chu” nhất định về ngôn từ do phải trải qua một quá trình biên tập gắt gao. Song các báo điện tử thuần túy thì dường như đang đi theo xu hướng tự nhiên chủ nghĩa về ngôn từ. Cách đây vài năm, chuyện lỗi chính tả quá nhiều trên báo điện tử những tưởng đã là bức xúc nghiêm trọng, nhưng so với tình trạng hiện nay thì vẫn còn là những lỗi đơn giản. Nhiều bài dịch trên báo điện tử không rõ nghĩa hoặc thậm chí sai nghĩa không phải là chuyện hiếm, còn việc các bài viết dùng các cụm từ sai, câu không đầy đủ là chuyện quá… thường tình. Chưa kể có tình trạng cắt dán bài của các website khác dẫn đến “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hoặc để sót các câu cụt mà vẫn vượt qua mọi khâu biên tập để lên mặt báo. Đáng sợ hơn là việc sử dụng ngày càng tràn lan các từ lóng mà vốn những người có học vấn gặp phải trong câu chuyện thường ngày cũng phải thấy ngượng. Điều này đặt ra câu hỏi hoài nghi về quy trình xử lý tin của các báo điện tử, phải chăng các báo này giao trách nhiệm xuất bản tin vào tay các biên tập viên quá ít kinh nghiệm hoặc thiếu trách nhiệm?
 
Xin trích dẫn một số tiêu đề để chứng minh về sự khủng hoảng về ngôn ngữ trên báo điện tử: Lương Mạnh Hải hứa hẹn bùng nổ của một thằng "điếm," Mỹ nhân lộ ngực Trang Nhung tạo dáng với chú chó trắng, Nghệ sĩ “cởi quần đọc sách” lại “vật lộn với máy móc,” Bồ Công Vinh mang ngực khủng đánh chiếm sàn diễn, Chân dài cởi áo trước đám đông được tặng laptop, Vụ thầy giáo Đại Quốc gia Hà Nội bị tố ăn tiền sinh viên có kết luận mới hơn... một tí, Cô dâu Việt bị chồng đâm 53 nhát nói tiếng Hàn kém, Ngô Thanh Vân lấy khăn lông che ngực thả rông…
 
2/ Xu hướng kéo độc giả bằng mọi giá
 
Khoảng 3 năm trước, khi ở Việt Nam chỉ có khoảng 5-6 báo điện tử và các trang điện tử của báo in, vấn đề bị phê phán nhiều nhất khi đó là tình trạng chạy theo những vấn đề giật gân, câu khách của một số ít website. Sau một thời gian với đủ mọi biện pháp kiểm soát và xử phạt của cơ quan quản lý, tình trạng này không những không giảm đi mà còn bùng phát với tốc độ chóng mặt. Nếu trước đây có thể điểm mặt chỉ tên một nhóm thiểu số trong các trang điện tử về lối đưa tin bài câu khách quá mức thì nay số lượng các trang áp dụng cách thức làm báo thiếu đạo đức này dường như ngày càng tăng lên.
 
Liên tiếp các website tin tức ra đời trong vòng 1 năm trở lại đây đều áp dụng một công thức duy nhất để lôi kéo người đọc là những tin bài về các vụ lộ băng sex, người mẫu này hở ngực, ca sĩ kia “lộ hàng”… Những cái tít giật gân luôn được gắn với một số động từ, tính từ nhất định như “choáng váng, sốc, kinh hoàng, hoảng hồn” … Có những trang web được gắn với tên gọi “giáo dục” nhưng nội dung đầy những thông tin vô cùng phản giáo dục, có trang tưởng như để tôn vinh phụ nữ thì lại đầy những hình ảnh hở da hở thịt cùng những câu chuyện xâm phạm đời tư cá nhân, dùng những ngôn từ thiếu tôn trọng phái yếu. Có trang web vốn được coi là một trang nghiêm túc với những bài viết mang tính xã hội cao thì nay cũng đầy những chuyện cướp, giết ngay trên trang chủ. Oái oăm nhất là những bài với nội dung quá tầm thường, rẻ tiền và thậm chí nhiều khi bị độc giả gọi là rác rến ấy nhiều khi lại được đặt ngay cạnh những bài viết về những vấn đề về chủ quyền, dân tộc.
 
Gần đây còn nổi lên một xu hướng câu khách là báo nọ “đánh vỗ mặt” báo kia, tố nhau đưa tin sai hoặc phơi bày lỗi nghiệp vụ. Đành rằng chuyện báo chí mắc lỗi cũng là điều đáng phê phán, nhưng góp ý, đưa tin mang tính xây dựng thì khác với việc tranh thủ sai sót của người khác để hút khách cho mình, lại dùng những ngôn từ không được đẹp đẽ ở trong bài và “đập” ngay đồng nghiệp trên tiêu đề. Đó là chưa kể việc tranh thủ đưa sâu thêm nội dung về vấn đề gây tranh cãi mà thực chất chẳng có thông tin nào có ích cho xã hội.
 
Xin trích dẫn một tiêu đề bài viết để dẫn chứng cho tình trạng câu khách đã đi quá xa và phi giáo dục tới mức nào: “Video: Bản full 4 phút 21giây cởi đồ của Nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh.” Thành viên trên một diễn đàn nhận xét rằng cái tít này không khác gì lời mời gọi câu khách trên những trang web khiêu dâm rẻ tiền. Xin thưa đây là tiêu đề của một bài vào ngày 18/5/2011 trên một trang báo điện tử được cấp phép của Việt Nam, và nó là ví dụ tiêu biểu nhất về sự lố lăng và chộp giật hòng câu kéo người đọc tới mức vượt qua cả ranh giới của báo chí. Còn đây là nội dung của tin kể trên: “Những khán giả không có mặt tại sân khấu Đêm hội chân dài tối 15/5 có cơ hội được thưởng thức trọn vẹn màn cởi đồ của Nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh.” Có lẽ không thể có bình luận nào thêm!
 
3/ Thiếu tính tính định hướng, thông tin không thẩm định
 
Mỗi báo điện tử khi lập hồ sơ xin giấy phép đều có đề án cụ thể, nêu rõ mục đích rất chính đáng của mình, và cơ quan quản lý cũng dựa trên mục đích thông tin phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí đó để cấp phép. Tuy nhiên, nhiều website ra đời rốt cục lại theo một con đường duy nhất là câu khách bằng những biện pháp phi giáo dục và phi đạo đức nghề nghiệp như đã kể trên.
 
Dường như các báo điện tử thuộc nhóm này chạy theo mong muốn tăng số lượng người đọc thật nhanh chóng nên đã nhắm mắt đăng tải tất cả những thông tin nào mà họ cho là gây tò mò, gây sốc cho độc giả. Ngay cả những vấn đề kinh tế-xã hội, quốc tế quan trọng cũng được đưa tin một cách bát nháo đến kỳ lạ, người đọc nhiều khi không thể hiểu nổi quan điểm của tòa soạn đó là gì. Có những tờ báo đăng tải những bài viết hoàn toàn khác quan điểm, nhưng không phải vì lý do muốn có cái nhìn đa chiều mà đơn giản vì chúng… gây sốc. Cũng có tình trạng báo mẹ bênh vực một vấn đề, một nhân vật, thì báo con lại chỉ trích kịch liệt. Làm báo đòi hỏi phải có định hướng, một bài báo phải phản ánh chính kiến của người viết và của tòa soạn, xa hơn là của đất nước. Nếu thiếu đi tính định hướng, tính công bằng và cân bằng của một tác phẩm báo chí thì nó chỉ còn là những bài viết tản mạn phục vụ mục đích cá nhân mà thôi.
 
Trong báo chí, yêu cầu đầu tiên đối với mỗi nhà báo luôn là “Thẩm định, thẩm định và thẩm định,” nhưng hiện nay có tình trạng như thể “quăng thông tin” bất kỳ lên mặt báo. Một thông tin có thật nhưng không có lợi cho xã hội nhiều khi tòa soạn còn cân nhắc để tránh đăng tải, vậy mà giờ đây trên báo chí điện tử lại xuất hiện nhan nhản những thông tin không thể nào xác thực được, không trích dẫn nguồn tin, không có phỏng vấn đối tượng. Nguy hại hơn là có tình trạng phóng viên lướt web, sục sạo các diễn đàn rồi cắt dán ý kiến của người nọ người kia để tạo thành thứ mà họ gọi là báo chí. Họ ngang nhiên “cướp” một bài viết trên Facebook của người này, trích dẫn phát biểu của các thành viên diễn đàn ảo với những cái biệt danh vô nghĩa vào bài viết của mình và đàng hoàng ký tên bên dưới.
 
Đã có nhiều đơn kiện báo chí đưa tin sái, đưa tin một chiều, đã có nhiều vụ cơ quan quản lý xử phạt, kể cả bằng tiền hoặc những hình thức cao hơn. Nhưng có lẽ đây không phải là biện pháp mà các tờ báo chộp giật sợ, bởi chỉ vài hôm sau, những nội dung như vậy lại xuất hiện đầy trên các website.
 
4/ Phát triển thiếu chuyên nghiệp, vi phạm bản quyền nghiêm trọng
 
Xã hội ngày càng tiên tiến, văn minh, nhưng tính chuyên nghiệp của báo chí Việt Nam thì không được nâng lên kịp với tốc độ phát triển của cuộc sống và dân trí. Thế kỷ 21 đã qua được mười năm, nhưng báo chí Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng xâm phạm bản quyền nghiêm trọng. Quy định của cơ quan quản lý rất rõ ràng và đã được phổ biến rộng khắp, nhưng số lượng các cơ quan báo chí thực sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chắc đếm trên đầu ngón tay.
 
Vi phạm nhẹ nhàng nhất là kiểu báo này lấy bài của báo khác mà không xin phép, tuy có trích dẫn nguồn tin. Nhưng có những website mà mỗi tuần phát khoảng 1.200 tin bài thì đến hơn 1000 tin bài là “mượn” của báo khác. Trầm trọng hơn là kiểu lấy bài của báo khác rồi biên tập lại, hoặc thậm chí để nguyên xi và… điền tên của mình. Cũng không kém phần phổ biến là sao chép bài của báo khác nhưng đổi giờ phát lên sớm hơn, và kết quả là bài “đạo báo” lên mạng Internet trước cả bài báo gốc – điều nực cười nhưng vẫn thường xuyên xảy ra. Thật may là giờ đây công nghệ quá phát triển, nên những mánh lới này rất dễ bị phát hiện. Nhưng những khiếu nại liên quan vấn đề bản quyền giữa các cơ quan báo chí, kể cả khi viện đến sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý, vẫn như viên đá cuội ném xuống mặt hồ và không hề có dấu hiệu cải thiện. Thiết nghĩ có lẽ trong tương lai nên học theo các quốc gia phát triển để đưa vấn đề này ra giải quyết tại tòa án với những yêu cầu đền bù thiệt hại lớn bằng vật chất, có như vậy mới hy vọng có lời giải cho vấn đề xâm phạm bản quyền nhức nhối lâu nay.
 
Một chân lý quá rõ ràng và dễ hiểu, nhưng xem ra khó hiểu hoặc không cần hiểu đối với nhiều báo điện tử ở Việt Nam: đó là một cơ quan báo chí, dù là báo in, báo hình hay báo điện tử thì cũng phải xây dựng uy tín bằng những bài viết của chính mình chứ không thể chỉ bằng những tác phẩm đi mượn.
 
Vậy giải pháp cho những bất cập trên đây là gì? Chấp nhận một cơ chế tự phát triển và tự đào thải khi chất lượng một báo điện tử không đáp ứng nhu cầu của độc giả cũng là một cách. Nhưng chúng ta đang áp dụng một cách chặt chẽ và đúng đắn hơn, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hơn là quản lý và cấp phép từng tờ báo. Nếu đã cấp phép được, sao không thể rút giấy phép với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng? Hay những vi phạm kể trên chưa đủ báo động cho hoạt động báo chí điện tử ở Việt Nam?
 
Báo chí thế giới đang ở vào giai đoạn bước ngoặt, báo hiệu những thay đổi vô cùng lớn trong tương lai, thậm chí tạo ra những nền tảng xuất bản mới. Báo điện tử không chỉ ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội mà còn tự thay đổi và biến đổi để phù hợp với cách tiêu thụ thông tin của thời đại mới, đồng thời nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới. Nhưng báo điện tử Việt Nam sẽ đi về đâu nếu rất nhiều trang web tin tức vẫn quẩn quanh với vài mánh lới câu khách rẻ tiền và lối làm báo chộp giật, xâm phạm bản quyền? Rốt cục người phán xét vẫn là các độc giả và những báo điện tử kiểu này sẽ không thể đi xa hơn. Chỉ tiếc rằng hoạt động báo chí điện tử nói chung của nước nhà có thể bị chậm chân hoặc bỏ lỡ cơ hội khi mắc kẹt trong mớ bùng nhùng không đáng có này./.
 
(Tham luận tại Hội thảo “Lãnh đạo, quản lý báo chí điện tử trước yêu cầu mới”)

Vinh Khang
(Theo Vietnamjounalism)