- Không chỉ cộng đồng mạng, hàng loạt các website lớn tẩy chay dự luật SOPA và PIPA được cho là sẽ "giết chết Internet" mà tại Mỹ làn sóng biểu tình của người dân cũng lan rộng trên các đường phố.


Hàng nghìn người đã xuống đường phản đối SOPA và PIPA.

SOPA và PIPA là gì?


SOPA (Stop Online Piracy Act), dự luật đang được bàn thảo tại Hạ viện Mỹ và PIPA (Protect IP Act) dự luật đang bàn thảo tại Thượng viện Mỹ, được ra đời để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền một cách triệt để.

Nếu những dự luật này được thông qua, Bộ tư pháp Mỹ có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet ngăn chặn không cho phép người dùng truy cập vào các website có chứa nội dung vi phạm bản quyền. Đồng thời các trang web vi phạm bản quyền cũng sẽ bị ngắt kết nối hoặc bị xóa nếu các trang web đó chứa trên máy chủ tại Mỹ.

Ngay cả với những website có những đường link của website vi phạm cũng sẽ bị coi là đồng phạm và chịu những hình phạt tương ứng theo luật. Các dịch vụ tìm kiếm trực tuyến lớn như Google, Yahoo hay Bing cũng đều phải loại bỏ hoàn toàn các website vi phạm ra khỏi công cụ tìm kiếm của mình.

Làn sóng phản đối lan rộng

Đương nhiên, dự luật này được sự đồng tình ủng hộ của các công ty truyền thông, các hãng thu âm, mạng lưới truyền hình, các hãng phim và nhà xuất bản sách. Một số thương hiệu nổi tiếng cũng lên tiếng ủng hộ với lí do để ngăn chặn hàng giả.

Tuy nhiên, số đông những người quan tâm đến dự luật này đều cho rằng, nếu được thông qua, SOPA và PIPA sẽ khiến Internet bị bóp nghẹt.


Wikipedia phản đối bằng màu nền đen.

SOPA và PIPA nếu được thông qua thực sự sẽ ảnh hưởng đến người dùng Internet toàn thế giới khi mà Mỹ đang là nơi đặt máy chủ của hầu hết các website lớn nhất thế giới. Có thể hàng loạt dịch vụ sẽ bị đóng cửa hoặc ngừng hoạt động vì các nội dung vi phạm bản quyền được kiểm duyệt triệt để.

Tất nhiên, các ông lớn công nghệ cũng sẽ đứng ngồi không yên vì vấn đề loại bỏ toàn bộ những nội dung vi phạm khỏi trang web của mình gần như là điều không tưởng nhất là đối với các môi trường "thoải mái" như mạng xã hội hay từ điển Wikipedia.

Làn sóng phản đối không chỉ tập trung trên các diễn đàn, cộng đồng mạng mà ngay cả các đại gia Internet như Google, Mozilla, Twitter, Wikipedia, eBay, Craglist… đều lên tiếng phản đối quyết liệt dự luật này.

Khi truy cập để tra cứu trên Wikipedia, người dùng sẽ bị chuyển sang trang mới với màu đen u ám và thông điệp về một thế giới không có sự chia sẻ tri thức miễn phí. Google thì treo dải băng đen và gửi thông điệp, "Hãy nói với Quốc hội: Xin đừng kiểm duyệt web". Ông chủ mạng xã hội lớn nhất toàn cầu Facebook, Mark Zuckerberg cũng gửi đi một thông điệp phản đối và ngay lập tức nhận được sự chia sẻ của hàng chục triệu người.

Một bức thư ngỏ với chữ kí của đại diện nhiều hãng điện tử và truyền thông hàng đầu như Google, Mozilla, Twitter, Wikipedia, eBay,... phản đối dự luật này cũng đã được gửi tới Nhà Trắng. Hai "ông lớn" Apple và Microsoft ban đầu "bỏ phiếu trắng" về dự luật này giờ cũng đã lên tiếng phản đối SOPA và PIPA vì những bất hợp lí và nguy cơ đưa Internet đến bờ vực.

Tại Mỹ, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình để phản đối SOPA và PIPA.

Trong khi phe ủng hộ vẫn đang cố gắng để dự luật được thông qua thì chắc chắn cuộc chiến phản đối vẫn sẽ còn rất nóng và dự luật nhiều khả năng sẽ khó thông qua vào ngày 19/1 như dự định của Thượng viện Mỹ.

Những hình ảnh phản đối SOPA và PIPA:

 


Hãy nói với Quốc hội: Đừng kiểm duyệt web.







Và hàng nghìn người đã xuống đường:







Thanh Phong (tổng hợp)