- Phân tích thực trạng triển khai các dịch vụ công hiện nay tại Việt Nam, mổ xẻ các kinh nghiệm triển khai Chính phủ Điện tử của các quốc gia khác trong khu vực sẽ là chủ đề nóng tại Hội thảo Quốc gia lần thứ 10 về Chính phủ Điện tử, dự kiến tổ chức vào tháng 7/2012 tại Hà Nội.

 

Theo Báo cáo của IDG về Chính phủ Điện tử tại Việt Nam, trong năm 2011, đã có tới 94.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ cơ bản (1-2), 775 dịch vụ được cung cấp ở mức độ 3 và một vài dịch vụ được cung cấp ở mức độ 4 – mức cao nhất của Hệ thống Chính phủ Điện tử. Còn theo Sách trắng Việt Nam năm 2011, quy trình thủ tục một cửa đã đạt tỷ lệ 87%. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho việc tiến đến xây dựng CPĐT tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020, trong bối cảnh nhiều chương trình và dự án đang bị chậm tiến độ hoặc trì hoãn vì Nghị quyết 11.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, vấn đề an ninh mạng và nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao để vận hành CPĐT vẫn là những vấn đề hóc búa. Trên thực tế, nhận thức của các cán bộ, công chức về an ninh mạng còn khá kém, không ít lãnh đạo, cán bộ còn xem nhẹ những lỗ hổng bảo mật trong hệ thống mạng ở cơ quan. Nhiều người do điều kiện kỹ thuật chưa cho phép, hoặc do thói quen, vẫn sử dụng các dịch vụ mail miễn phí như Yahoo Mail, Gmail để tiến hành trao đổi, giao dịch công vụ.

Phát biểu tại Lễ họp báo công bố Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử lần thứ 10, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết đây sẽ là dịp để đánh giá toàn diện việc thực hiện các dự án CPĐT tại Việt Nam cũng như kế hoạch triển khai trong giai đoạn sắp tới. “Muốn Việt Nam thực sự là một nước mạnh về CNTT thì hoạt động ứng dụng CNTT trong khối Cơ quan Nhà nước phải đạt trình độ cao, độ phổ cập rộng, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh về CNTT Quốc gia cũng như khả năng tương tác giữa người dân, xã hội với chính quyền”, Thứ trưởng Hồng chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực CNTT, vốn được coi là một giải pháp sáng giá trong bối cảnh ngân sách siết chặt hiện nay, Thứ trưởng Hồng cho biết cách tiếp cận của Bộ TT&TT là “giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp và Tập đoàn” nhiều hơn là xây dựng hẳn thành các dự án riêng. Đơn cử như gần đây, Bộ có giao cho Viettel thiết lập hệ thống trao đổi văn thư giữa các Bộ, ngành, Cơ quan ngang Bộ. “Tiến tới sẽ là cơ chế: Nhà nước trả tiền để sử dụng dịch vụ của Doanh nghiệp”.

Y Lam