- Dấy lên thông tin từ giữa năm ngoái, “canh bạc” của VNPT về việc sở hữu đồng thời cả VinaPhone và MobiFone đang trở thành đề tài nóng bỏng, trong bối cảnh áp lực cạnh tranh trên thị trường viễn thông ngày càng khốc liệt với những kịch bản khó lường.


Sáp nhập MobiFone - VinaPhone có là phương án tái cơ cấu tốt nhất cho ngành viễn thông Việt Nam?

Hậu Viettel-EVNTelecom, VNPT...cũng "máu"?


Sau cuộc sáp nhập tốn nhiều giấy mực của EVNTelecom vào Viettel, một sự thực nhãn tiền là động thái này đã đưa Viettel trở thành một nhà mạng "bá đạo" tại Việt Nam với việc nắm thị phần hơn 50% thuê bao sử dụng di động.

Kết quả, thế chân vạc giữa 3 bên MobiFone - VinaPhone - Viettel đã bị “xô lệch”. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc chiến cạnh tranh thị phần, mà nhiều khả năng còn dẫn tới những tranh đấu khác liên quan đến các vấn đề về hạ tầng viễn thông.

Tuy nhiên, khi Viettel, EVNTelecom hay Vietnamobile còn đang lớn tiếng "đấu khẩu" trên báo giới về thương vụ sáp nhập thì tuyệt nhiên các lãnh đạo VNPT hoàn toàn im lặng về sự kiện này. Tại thời điểm đó, theo một chuyên gia đầu ngành viễn thông Việt Nam đã nhận định: "Nhiều khả năng VinaPhone và MobiFone đang có một cuộc tái cơ cấu để đối phó trước việc Viettel nắm thị phần khống chế thay vì tham gia đấu khẩu hay đề xuất phương án 'xẻ thịt' EVNTelecom như các nhà mạng khác".

Đến ngày hôm nay, nhận định trên có vẻ như đã đúng khi đầu tuần qua VNPT đệ đơn xin sáp nhập 2 mạng viễn thông di động của mình vào làm một. Với việc làm này, tập đoàn VNPT sẽ trở thành công ty chủ quản mạng di động có số thuê bao đứng thứ nhì Việt Nam.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, nếu thương vụ sáp nhập nội bộ này thành công, mạng di động mới của VNPT sẽ có khoảng hơn 30 ngàn trạm BTS gồm cả 2G và 3G, đưa chất lượng phủ sóng vào diện bậc nhất. Thậm chí, nếu tính doanh thu từ viễn thông di động trong nước riêng năm 2011, VinaPhone và MobiFone cộng lại vượt hơn hẳn doanh thu mạng di động Viettel.

Đứng ở quan điểm người dùng, theo một khảo sát vừa thực hiện thì đa số người được hỏi đều cho biết tán thành phương án sáp nhập này. Mặc dù vậy, cũng vẫn có những trường hợp tỏ ra quan ngại về thương vụ này.

Trong một diễn biến đầy màu sắc như vậy, tập đoàn VNPT ngoài việc đưa ra thông cáo về việc sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng di động của 2 mạng cũng cho biết hiện đây mới chỉ là phương án trình Bộ Thông tin - Truyền thông, chưa được thông qua.

Người trong cuộc nói gì?

Việc VNPT phải sớm đưa ra câu trả lời về số phận VinaPhone và MobiFone đã được dự liệu trước khi tháng 4/2011 Chính phủ có những điều chỉnh về Luật Viễn thông, mà theo đó, một doanh nghiệp viễn thông không được đồng thời sở hữu trên 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp viễn thông khác.

Sau nhiều lần dùng dằng với nhiều phương án như cổ phần hoá MobiFone, cổ phần hoá toàn tập đoàn và sáp nhập hai nhà mạng, VNPT đã đưa ra lựa chọn phương án cuối cùng. Tuy nhiên, dường như đây vẫn không phải phương án khả thi.


MobiFone: Sáp nhập hay cổ phần hóa?

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son thì VinaPhone, MobiFone là hai thương hiệu mạnh, có giá trị lớn, nếu sáp nhập lại làm một thì sẽ xảy ra những thiệt hại về giá trị khó có thể đong đếm.

Đó cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia trong ngành, bởi lẽ, với việc là 2 nhà mạng lâu năm nhất Việt Nam, việc loại bỏ bất cứ thương hiệu nào cũng khiến tới việc quốc gia mất đi một giá trị thương hiệu có thể quy đổi thành tiền mặt với con số thiệt hại về kinh tế lên tới hàng trăm triệu USD.

Theo anh Nguyễn Đỗ Long, thạc sỹ viễn thông ĐH Hamburg, Đức cho biết: "Trên thế giới, các thương vụ sáp nhập giữa các nhà mạng lớn thường có sự tham gia đấu thầu và được kiểm soát bởi một uỷ ban của Chính phủ. Nhưng tại Việt Nam, việc 2 nhà mạng lớn cùng nằm trong quyền sở hữu của một tập đoàn là điều chưa từng có, và nếu sáp nhập 2 nhà mạng làm 1 thì đây có thể là một sự tổn thất lớn về mặt thương hiệu của Việt Nam".

Theo đó, đa phần các nhận định tới thời điểm này đều nghiêng theo phương án nên cổ phần hoá bớt một nhà mạng. Với việc làm này, ngoài việc VNPT có thể hợp thức hoá sự tồn tại của MobiFone/VinaPhone thì nó còn giúp tập đoàn này cũng như ngân sách nhà nước thu về số tiền mặt khá lớn, phục vụ cho công cuộc tái đầu tư và tái thiết hạ tầng viễn thông.

Tuy nhiên, rõ ràng là VNPT không muốn "nhả" tới 80% quyền kiểm soát của bất kỳ mạng nào và nếu chỉ với 20% vốn tối đa nắm giữ còn lại, chắc chắn tập đoàn này không thể toàn quyền với nhà mạng do mình đã sinh ra.

Một lãnh đạo nhà mạng giấu tên cũng cho biết: "Việc sáp nhập MobiFone và VinaPhone sẽ làm dấy lên quan ngại về vấn đề độc quyền cũng như cán cân thị phần khống chế bị chao đảo, khoảng cách giữa mạng lớn và mạng nhỏ càng kéo xa hơn. Các nhà mạng nhỏ sẽ không có cửa nâng thị phần và lẽ dĩ nhiên sẽ không thể cạnh tranh, chỉ còn kinh doanh viễn thông di động... cho vui, nhường lại sân chơi cho Viettel và VNPT tung hứng".

Tại thời điểm Quý I/2011, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp cũng nhấn mạnh quan điểm rằng MobiFone cần phải thực hiện cổ phần hoá để theo đúng lộ trình của Chính phủ.

Trả lời báo giới chiều 20/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết: “Việc tái cơ cấu tập đoàn VNPT cần được tiến hành hết sức thận trọng bởi hoạt động này có ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, người lao động trong ngành cũng như người sử dụng dịch vụ viễn thông.  Việc tái cơ cấu phải đảm bảo các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, sức cạnh tranh mạnh hơn, tạo điều kiện cho thị trường viễn thông Việt Nam phát triển bền vững”.

Do đó, có thể thấy việc có sáp nhập hai mạng di động của VNPT hay không vẫn còn phụ thuộc vào quá trình Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét, thẩm định kỹ lưỡng các phương án, lấy ý kiến các bên liên quan rồi có ý kiến cụ thể trình Chính phủ quyết định về việc tái cơ cấu tập đoàn VNPT.

  • Vương Long
Tin MobiFone-VinaPhone sáp nhập chưa chính xác
Trước thông tin cho rằng, hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone sáp nhập, chiều 20/3,Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng khẳng định đó là thông tin không chính xác.