Bất chấp những lời than thở tràn lan trên khắp các trang mạng Internet, Apple vẫn “bình tĩnh ghi điểm” bằng những con số không thể ấn tượng hơn. Bằng chứng mới nhất là việc họ đã bán được tới hơn 3 triệu chiếc The New iPad (tạm gọi là iPad 3) chỉ trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, cao gấp 3 lần doanh số của iPad 2 và tới gần 20 lần so với iPad đời đầu tiên (nhưng thấp hơn 4 triệu chiếc của iPhone 4S).
Chưa hết, ngược thời gian khoảng vài tháng trước đây, hẳn nhiều người còn nhớ iPhone 4S cũng đã từng trải qua thời gian tương tự khi mới được giới thiệu và ngay sau đó mẫu smartphone này lại trở thành sản phẩm bán chạy nhất lịch sử của Apple, phá mọi kỷ lục về bán hàng với doanh số tăng 128% trong quý IV/2011, giúp Apple vượt qua LG và ZTE trở thành hãng sản xuất di động lớn thứ 3 thế giới.
Phải chăng đây là một nghịch lý? Vì sao Apple cương quyết không thay đổi thiết kế cho sản phẩm mới của mình mà họ vẫn thành công?
Có lẽ những người hay than phiền đã quên mất (hoặc chưa biết) một triết lý rất quan trọng trong việc định hình thiết kế sản phẩm của Apple: Nếu cái gì chưa hỏng thì đừng có sửa! (If it ain't broke, don't fix it).
Rõ ràng, thiết kế của cả iPhone 4 và iPad 2 đều “chưa hỏng” bởi bằng chứng là ngay cả khi iPhone 4S và iPad 3 đã ra đời thì những sản phẩm đời trước đó vẫn đang được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường khắp thế giới. Những kết quả kinh doanh này đã mang về cho Apple một nguồn thu khổng lồ đến nỗi họ “không biết làm gì cho hết tiền” và phải bỏ ra tới 45 tỷ USD để chia cổ tức và mua lại cổ phiếu của chính mình.
Nhưng hành động “giữ nguyên thiết kế cũ” của Apple đối với các sản phẩm mới không còn ẩn chứa một số sự “tinh quái” của hãng công nghệ nhà giàu này: Họ sẽ có một số sự điều chỉnh dù rất nhỏ để buộc người dùng phải mua những phụ kiện mới phù hợp với sản phẩm đó.
Ví dụ, ở mẫu iPod đời trước, jack cắm tai nghe được bố trí ở chính giữa trên đỉnh, đến đời sau, cái lỗ nhỏ bé này được Apple âm thầm chuyển sang cạnh bên và hậu quả là những chiếc vỏ bọc (case) hay phụ kiện đi kèm với nó không thể sử dụng lại được. Tình hình tương tự vẫn xảy ra nhưng không đến nỗi quá nghiêm trọng đối với iPhone 4 và iPhone 4S, iPhone 2 và iPhone 3 bởi nhiều người vẫn có thể tận dụng lại phụ kiện cũ dù chúng tỏ ra không ăn khớp lắm.
Trong lịch sử của mình, Apple không phải là một hãng công nghệ nổi tiếng nhờ hay thay đổi thiết kế. Hãy nhìn vào thiết kế của các dòng máy tính iMac hay laptop MacBook (ngoại trừ phiên bản đặc biệt MacBook Air) của họ bạn sẽ thấy rõ điều này.
Trở lại với mẫu iPad thế hệ thứ 3, bất chấp thiết kế bên ngoài vẫn tương tự như iPad 2 nhưng những thay đổi bên trong của nó vẫn đủ khiến người dùng phát sốt. Đó là màn hình siêu phân giải, là kết nối mạng 4G LTE có tốc độ vượt trội hơn hẳn so với 3G, là camera có chất lượng cao hơn hẳn so với iPad 2…
Tất cả sẽ tạo ra một sự khác biệt tuy tưởng như vô hình nhưng lại rất hữu hình với người dùng và điều này khiến cho việc phải mua mới những phụ kiện trở nên không còn mấy ý nghĩa. Đó là lý do vì sao hầu như không có ai kêu ca, phàn nàn với tuyệt chiêu móc túi người dùng bằng việc bán phụ kiện của Apple.
(Theo Infonet)