- Sau vụ việc ca sỹ Ngọc Anh bị loại khỏi cuộc chơi Bài hát yêu thích vì tin nhắn bình chọn ảo, vấn nạn spam bình chọn lại được nhắc đến, và một lần nữa tính minh bạch của từng cuộc chơi bình chọn lại được đặt ra.


Ngọc Anh có phải nạn nhân của nghi án bình chọn ảo?

"Nạn nhân" bất đắc dĩ?


Trước khi có một cơ quan pháp lý đánh giá và thẩm tra một cách đầy đủ về các phương thức bình chọn ảo ở các cuộc thi truyền hình, những thí sinh nhận được bình chọn được coi là những "nạn nhân" bất đắc dĩ.

Sự quản lý lỏng lẻo của nhà mạng khiến ai cũng có thể mua được SIM rác và tham gia bình chọn trong các cuộc thi truyền hình một cách tuỳ hứng. Tuy nhiên, để có thể tạo thành một thế lực làm khuynh đảo kết quả bình chọn của bất cứ chương trình nào thì lại có rất nhiều yếu tố bất thường sau cánh gà.

Câu chuyện ca sỹ Ngọc Anh gần đây là một ví dụ điển hình. Bài hát cô tham gia bị BTC loại khỏi cuộc chơi Bài hát yêu thích vì nghi vấn "tự hát - tự bầu" qua tin nhắn bằng SIM rác. Nhưng trong cách trả lời báo chí ngay sau đó, ca sỹ này khẳng định mình vô can và yêu cầu thẩm tra toàn bộ các tin nhắn khác dành cho thí sinh tham gia chương trình.

Có hay không việc Ngọc Anh dùng tiền "mua tin nhắn" có thể rất khó xác định bởi việc bình chọn này ngoài chủ ý của những thí sinh trong cuộc chơi thì không loại trừ khả năng của những "fan cuồng" hay thậm chí là chuyện "đấu đá" hậu trường showbiz Việt.

Trương Minh, một người Trung Quốc buôn bán thiết bị công nghệ viễn thông sống tại Việt Nam lâu năm cho biết: "Tôi thường nhận được đơn đặt hàng các thiết bị spam SMS Mobilink với số lượng từ bán lẻ cho tới các vài chục máy/ lần. Mỗi thiết bị này có khả năng phát tán từ 200 đến 1.000 tin nhắn mỗi giờ".

Theo ghi nhận của VietNamNet, ngoài việc các chủ hàng SIM thẻ, công ty cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng di động spam SMS bằng thiết bị này thì cũng có nhiều khả năng các đối tượng áp dụng Mobilink vào mục đích "bình chọn ảo".

Việc làm này rất đơn giản, chỉ cần bỏ ra 50 ngàn đồng/SIM rác - có thể gửi được khoảng 6 đến 8 SMS bình chọn, tương ứng với số lượng khoảng 200 SIM là đã có thể "bắn" vào hệ thống bình chọn đầu số ngắn khoảng 1400 tin nhắn "bình chọn ảo hợp lệ". Và chỉ cần bộ phận kiểm duyệt bình chọn lơi là thì con số này sẽ đủ làm thay đổi bất cứ cuộc chơi nào, cho dù đó có thể là một cuộc thi mang tính quốc gia với những giải thưởng cao quý trong sự nghiệp nghệ sỹ, diễn viên.

Theo tiết lộ của một hacker "mũ trắng", trong một cuộc thi người đẹp năm 2006, anh chàng cũng đã từng "tấn công" hệ thống bình chọn trực tuyến trên website của đơn vị tổ chức cuộc thi, từ đó đưa thí sinh "thần tượng" của mình lọt top được độc giả yêu thích nhất với số lượng phiếu bầu áp đảo các thí sinh khác.

Một điều dễ thấy là, những trường hợp như ca sỹ Ngọc Anh hay một nghệ sỹ nào đó rất khó để xác định đâu là nạn nhân, đâu là "chủ mưu" bởi lẽ sự lỏng lẻo trong công tác quản lý bầu chọn cũng như sự "tiếp tay" của hàng tá hệ thống công nghệ tinh vi đã khiến nhiều trường hợp trở thành "nạn nhân bất đắc dĩ".

Cái giá của sự quản lý yếu kém

Đó là nhận định của anh Nguyễn Khắc Toàn, luật sư một văn phòng Luật tại Hà Nội. Theo anh thì: "Với sự tinh vi và công nghệ cao phổ biến như hiện nay cũng như việc nhà mạng quản lý chưa chặt SIM rác, các sự việc như ca sỹ Ngọc Anh với Bài hát yêu thích sẽ không còn là hiếm, nhưng không dễ để cơ quan quản lý có thể xử lý hay ra quyết định một cách chính xác".

Rõ ràng cách làm loại Ngọc Anh ra khỏi cuộc chơi là một cách làm đơn giản và an toàn nhất tới thời điểm này, sau khi ban tổ chức xác minh được rằng mọi bình chọn đều xuất phát từ SIM rác. Tuy nhiên, nói đi thì cũng nên nói lại, rằng có hay không khả năng cô ca sỹ này bị chơi xấu hoặc chỉ đơn giản là tác dụng ngược từ một số "fan cuồng" rành công nghệ?


Sự lỏng lẻo của nhà mạng, đơn vị tổ chức khiến các hệ thống spam SMS để bình chọn vẫn có kẽ hở hoạt động hiệu quả.

Trước khi xảy ra sự việc Ngọc Anh, ngay chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2011  - vốn là một gameshow mua kịch bản của nước ngoài với tính chuyên nghiệp cao cũng dính nghi án hệ thống bình chọn có-vấn-đề. Hàng loạt tin nhắn của khán giả bị từ chối bởi hệ thống ghi nhận tin nhắn bình chọn quá sớm và sau đó thí sinh được yêu thích vẫn bị loại vì... tỷ lệ bình chọn thấp là vấn nạn mà chương trình hấp dẫn này từng gặp phải.

Còn anh Trung Thành, một độc giả lâu năm của báo mạng cho biết: "Tôi hay tham gia các chương trình bình chọn của báo mạng để phản ánh ý kiến riêng của mình. Nhưng gần đây tôi cảm giác các chương trình bình chọn này đều có vấn đề từ quản lý tới sai sót hệ thống. Ví dụ như ở một báo điện tử lâu năm, nếu dùng iPad bình chọn, tôi sẽ có thể vote thoải mái nhiều phiếu mà không cần gõ CAPTCHA (một dạng mã xác thực chống spam), và chắc chắn nếu nhiều người làm như vậy thì kết quả bình chọn sẽ mất đi tính công bằng, khách quan".

Anh Thanh Long, trưởng bộ phận IT một công ty công nghệ viễn thông thì cho biết: "Chẳng qua Ngọc Anh 'số đen' thôi, biết đâu sau cô ấy là đến Văn Mai Hương, Tuấn Hưng… cũng sẽ 'dính' phải nghi án tương tự khi lượng bình chọn tăng đột biến bởi 'fan cuồng' hay một kẻ giấu mặt nhằm phá hoại cuộc chơi? Chẳng có ai có thể đảm bảo khi quản lý từ các đơn vị còn quá lỏng lẻo".

Vậy là sau Bài hát yêu thích, liệu rằng sẽ còn có bao nhiêu thí sinh dính nghi án "tự hát - tự khen" và rằng kênh bình chọn qua tin nhắn - vốn là nơi thể hiện độ quan tâm của khán giả với thần tượng mình yêu thích có còn được áp dụng nữa hay không, quả là một câu hỏi không quá khó để tìm câu trả lời.

Vương Long