Hãng nghiên cứu IDC dự đoán, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức lớn sẽ coi dữ liệu lớn là một công nghệ không thể không có trong năm nay.
Dữ liệu lớn được cho là công nghệ sẽ phải có trong năm nay.
 
Số liệu của hãng này cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2020, quy mô của “vũ trụ số” sẽ tăng tới 44 lần. Thế nhưng chỉ có 5% lượng dữ liệu trong đó là dữ liệu truyền thống với đặc trưng có cấu trúc, 95% dữ liệu còn lại có bản chất phi cấu trúc. Theo thuật ngữ chuyên ngành, đấy chính là dữ liệu lớn.

Theo ông Kaleem Chaudhry, Giám đốc Khu vực Khối Công nghệ Doanh nghiệp châu Á –Thái Bình Dương, Tập đoàn Oracle thì khác với dữ liệu truyền thống chỉ phân tích được các hiện tượng quá khứ và những gì đã xảy ra, dữ liệu lớn sẽ cho phép doanh nghiệp trả lời câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai và chúng ta có thể xử lý chuyện đó theo hướng nào cho hiệu quả nhất.

Nhờ việc phân tích dữ liệu lớn, rất nhiều ngành, lĩnh vực đã tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận cũng như hiệu quả hoạt động. Theo số liệu từ Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, ngành y tế Mỹ đã nâng cao giá trị của ngành thêm 300 tỷ USD mỗi năm nhờ ứng dụng dữ liệu lớn. Tương tự, lĩnh vực sản xuất cắt giảm được 50% chi phí sản xuất, phát triển mỗi năm; lĩnh vực quản trị công châu Âu tăng giá trị ngành thêm 250 tỷ Euro trong khi ngành bán lẻ Mỹ nâng cao lãi ròng thêm 60%.

“Có thể nói dữ liệu lớn đang được ứng dụng rộng khắp trong tất cả các ngành công nghiệp lớn trên thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng không phải là ngoại lệ”, ông Chaudhry cho biết.
Ông Kaleem Chaudhry, Giám đốc Khu vực Khối Công nghệ Doanh nghiệp châu Á –Thái Bình Dương, Tập đoàn Oracle
 
Hiện tại ở Việt Nam, việc sử dụng các hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu lớn vẫn chỉ mới ở giai đoạn trứng nước. Tuy nhiên, nhu cầu là hiện hữu và dữ liệu lớn được dự báo sẽ là công nghệ “nóng” trong thời gian tới, vị đại diện từ Oracle dự đoán. Trong đó, Y tế và Viễn thông sẽ là 2 lĩnh vực sớm ứng dụng những giải pháp quản lý dữ liệu lớn. Một số lĩnh vực cũng sẽ thu được lợi ích tức thì từ việc ứng dụng dữ liệu lớn, bao gồm các lĩnh vực sản xuất máy tính và điện tử tiêu dùng, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng…. bởi họ đang phải đối mặt với luồng dữ liệu khổng lồ, không ngừng phình to.

“Thực tế đã cho thấy, những doanh nghiệp đang ứng dụng dữ liệu lớn sẽ vượt trội về kết quả tài chính hơn 20% so với đối thủ”, ông Chaudhry chia sẻ. Những hệ thống dữ liệu lớn cao cấp sẽ có thể phân tích, xử lý và đưa ra báo cáo về dữ liệu ngay trong ngày, thay vì phải mất hàng tuần như trước đây. Nhờ đó, quy trình ra quyết định của các cấp lãnh đạo sẽ được rút ngắn đáng kể và tăng cường lợi thế cạnh tranh cho tổ chức.

Thậm chí trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, áp dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, Nhà chức trách sẽ có thể truy soát các dữ liệu nhạy cảm của những đối tượng khả nghi như giao dịch tài chính, các cuộc gọi, vị trí di chuyển….Các dữ liệu này đều được tổng hợp và phân tích theo thời gian thực.

Dữ liệu lớn có ba đặc trưng là: Dung lượng lớn, phát sinh thời gian thực; tốc độ cao; phi cấu trúc, rất đa dạng và đủ mọi hình thái (bao gồm cả dữ liệu từ các mạng xã hội như Twitter, Facebook, audio, video và các thiết bị cảm biến). Do đó, dữ liệu lớn đòi hỏi phải có công nghệ đặc thù để xử lý. Công nghệ này sẽ tải, xử lý, phân tích dữ liệu từ các nguồn cùng lúc.  



  • Trọng Cầm