- Được hiểu là những SIM di động được khai báo sai thông tin nhằm mục đích kích hoạt trước, bán kiếm lời của đại lý, các thuê bao trả trước "ma" ngày càng bị siết chặt và loại bỏ bởi những quy định nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý.


Siết trả trước - thuê bao giảm nhưng lợi nhuận vẫn... tăng

Theo con số từ Tổng cục thống kê đưa ra thì khoảng Quý I/2011, toàn quốc có xấp xỉ 150 triệu thuê bao di động bao gồm cả trả trước lẫn trả sau. Tuy nhiên, ngay sau đợt tăng trưởng nóng này, Bộ Thông Tin - Truyền Thông và nhà mạng đã sớm có những phối hợp nhằm siết chặt việc quản lý thuê bao.

Tối hậu thư mà Bộ đưa ra cho nhà mạng chính là việc sẽ chỉ cho thời hạn từ 7 đến 10 ngày để các thuê bao trước đây đăng ký sai có thời gian cập nhật lại thông tin chuẩn xác. Động thái này được đánh giá là bước làm tiếp theo sau khi Bộ đã ban hành các thông tư, chế tài về xử lý khuyến mại vượt trần, khai man thông tin trả trước và cả việc nhà mạng dung túng cho đại lý khai khống thông tin khách hàng.

Kết quả là con số thuê bao Quý II/2011, toàn quốc chỉ còn hơn 112 triệu thuê bao, với việc mất tới gần 30 triệu thuê bao di động, tương ứng với khoảng 15%.

Tại thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ TT^TT Trần Đức Lai cũng tỏ ra bất ngờ về việc hàng chục triệu thuê bao di động "bốc hơi" sau chiến dịch của Bộ. Nhưng ông Lai cũng lạc quan cho rằng việc thống kê thuê bao/mật độ dân sẽ phản ánh chính xác nhất thị trường viễn thông di động Việt Nam, cũng như đánh giá cao việc các nhà mạng đang dần thực hiện tốt việc quản lý thuê bao trả trước.

Song song với việc ban hành các quy chế, chế tài quản lý mới, trong năm này Bộ TT&TTcũng tiến hành phối hợp với Bộ Công an để tiến hành rà soát hơn 4 triệu thuê bao của 3 nhà mạng lớn gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone tại khu vực Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh nhằm đối chiếu thông tin khách hàng đã khai báo. Đã có tới 130.000 thuê bao trả trước vi phạm về kích hoạt dịch vụ bị "trảm" trong đợt rà soát.

Bằng việc làm mạnh tay này, số lượng thuê bao di động Việt Nam giữ ở mức ổn định liên tiếp 2 Quý cuối năm và dừng ở ngưỡng 116 triệu thuê bao trong bảng tổng kết của Tổng cục Thống kê năm 2011.

Điều đáng nói là, việc mất một lượng lớn thuê bao di động lên tới hàng chục triệu dường như không làm ảnh hưởng bất cứ quyền lợi nào của người tiêu dùng cũng như các nhà mạng, bởi theo các thông cáo báo chí về doanh thu năm 2011 của VNPT, Viettel đều đạt những mức tăng trưởng cả trăm ngàn tỷ mà trong đó lợi nhuận chủ yếu từ viễn thông di động.

Siết chặt vòng kim cô với thuê bao trả trước

Một sự thực nhãn tiền là việc siết chặt quản lý thông tin thuê bao trả trước không phải là một chế tài mới mẻ, bởi nó đã được ban hành từ cách đây 4 năm và Bộ TT&TT liên tục tạo điều kiện cho người dùng, đại lý, nhà mạng thực thi triệt để quy định mới này.

Không khó để thấy, việc tăng trưởng nóng viễn thông di động trong các năm qua là một thực trạng đáng báo động, bởi nó dẫn tới hàng chục vấn đề phát sinh trong đó cả việc cháy kho số, lãng phí tài nguyên và cả các vấn nạn lừa đảo, spam qua tin nhắn từ các thuê bao rác.


Tới đây, theo thông tư số 04/2012/TT-BTTTT, các thuê bao trả trước đã đăng ký sẵn thông tin "ma" sẽ bị nghiêm cấm lưu hành và mua bán. Sau hàng loạt hành động nhằm thắt chặt quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng động thái tiếp theo của Bộ TT&TTsẽ là "quả đấm thép" đối với những đại lý, nhà mạng vẫn còn đang làm ăn sai luật như hiện nay.

Trong thông tư mới ban hành này cũng nhấn mạnh việc cấm sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác. Theo đó, khi tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, nhân viên giao dịch phải yêu cầu chủ thuê bao cung cấp bản sao CMND, hộ chiếu để lưu giữ, kèm theo bản gốc để đối chiếu.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành viễn thông cho biết: "Sau khi thông tư này được triển khai triệt để, chắc chắn con số thuê bao di động sẽ có sự sụt giảm thêm, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng bởi cơ chế quản lý chặt chẽ sẽ đưa thị trường về một mức tăng trưởng ổn định".

Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý thông tin thuê bao trả trước còn góp phần giúp nhà mạng thu hồi lại các SIM ảo đang bị chiếm dụng bởi đại lý, tái đầu tư khai thác hiệu quả và tối ưu hơn cũng như hạn chế một cách tối đa các hình thức lừa đảo qua SIM "rác".

Có thể thấy, qua các đợt khép chặt dần quy chế như thế này, ý thức sử dụng của người dùng cũng như cung cách quản lý của nhà mạng cũng được cải thiện rõ rệt. Điều này không những góp phần tạo nên sự tăng trưởng ổn định như kỳ vọng mà đây còn tạo một diện mạo mới cho nền viễn thông di động Việt Nam, vốn trước nay vẫn bị gán cái mác "tăng trưởng nóng nhưng thiếu tính ổn định".

Vương Long