Cổ phiếu của Facebook đang bị tuột giá mạnh ngay sau ngày IPO. Nhiều người cho rằng đây chính là dấu hiệu của “bong bóng dotcom 2.0” sắp nổ và nạn nhân đầu tiên chính là Facebook. Phải chăng điều này là có thể?

Hỗn loạn về IPO

Cách đây hơn một tuần, các phương tiện truyền thông từ khắp nơi trên thế giới luôn xoay quanh câu chuyện về “đợt IPO được mong đợi nhất trong lịch sử”, thời điểm mà thế giới có cơ hội sở hữu được một phần tài sản xuất phát từ sáng kiến nảy sinh trong phòng ký túc xá của CEO Mark Zuckerberg.

Một tuần sau đó, hệ thống giao dịch sàn chứng khoán Nasdaq đã bị gặp một số trục trặc kỹ thuật đúng vào phiên IPO của Facebook và gây thiệt hại cho không ít nhà đầu tư và giá cổ phiếu của Facebook bị tuột giá mạnh. Các cổ đông của Facebook mới đây đã đệ đơn kiện Mark Zuckerberg và một số ngân hàng bảo lãnh, với cáo buộc đã che giấu thông tin quan trọng trước thềm IPO khi không công khai thông tin về “một sự sụt giảm nghiêm trọng và rõ rệt” trong dự báo doanh thu của Facebook trước ngày cổ phiếu Facebook chào sàn. Mary Schapiro, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán (SEC) của Mỹ đã thông báo sẽ xem xét lại các vấn đề đã dẫn đến việc hỗn loạn trong buổi chào bán cổ phiếu công khai lần đầu này của Facebook.

Không đáng gì so với lợi thế hiện có

Tuy nhiên, những khó khăn này không thể “đánh gục” được Facebook, một mạng xã hội đã vừa vượt qua mốc 900 triệu người dùng. Đây là một con số vô cùng ấn tượng. Theo hãng tin của Ấn Độ (Times of India), chỉ trong 6 tháng gần đây, số người dùng Facebook mới đã tăng lên 20% ở Ấn Độ, 65% ở Nhật Bản và 56% ở Hàn Quốc. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên và không còn nghi ngờ gì nữa về việc Facebook sẽ tăng gấp đôi kích cỡ trong một vài năm tới.

Hơn nữa, nếu Facebook bị sụp đổ vào ngày mai thì công ty này vẫn sở hữu một kho lưu trữ dữ liệu về con người lớn nhất trên toàn cầu. Tuổi tác, chủng tộc, giới tính, tình trạng hôn nhân, người sử dụng lao động, và quá trình học tập là một tài sản rất được thèm muốn của Facebook. Thậm chí trang mạng xã hội này còn biết chúng ta thích cái gì, thích ai, không thích gì, những gì chúng ta thường đọc, thường nghe và xem. Tất cả được sắp xếp lại và dán nhãn. Phần tuyệt nhất là Facebook không phải sử dụng công nghệ ăn cắp dữ liệu để thu thập những thông tin này. Hơn 900 triệu người dùng đã tình nguyện cung cấp và cập nhật thông tin cá nhân mỗi ngày. Nếu dữ liệu là một loại tiền mới, Facebook sẽ có thể tự in được thật nhiều tiền trong tương lai.

Hơn nửa tỷ người sử dụng đăng nhập vào Facebook mỗi ngày để chia sẻ 3 tỷ lượt “like” và đăng tải 300 triệu hình ảnh. Trong số hơn 900 triệu người dùng hiện tại, có 398 triệu người truy cập vào trang mạng này 6 lần trong một tuần. Điều đó chứng tỏ rằng họ không chỉ tham gia đăng kí vào Facebook mà còn thực hiện các hoạt động tương tác xã hội ở một mức độ rất sâu sắc.

Hãy nghĩ lại xem lần cuối cùng bạn in một bức ảnh ra để chia sẻ với bạn bè và gia đình là khi nào? Bạn sẽ chẳng cần làm như vậy nữa vì họ có thể xem những bức ảnh của bạn trên Facebook. Bạn cũng có thể dùng Facebook để tổ chức một buổi gặp mặt hay buổi họp lớp vì hầu hết bạn bè của bạn đều ở trên Facebook.

Thách thức đối với Facebook bây giờ là vượt qua được sự miễn cưỡng để tham gia mạnh mẽ vào thị trường truyền thông và nhắc nhở các nhà đầu tư, người dùng, các nhà quảng cáo và phát triển về những gì mà Facebook đang thực hiện. Hãng sản xuất xe hơi General Motors vừa cắt giảm 10 triệu USD chi phí quảng cáo trên Facebook, nhưng còn hàng ngàn doanh nghiệp lớn và nhỏ đang nhìn thấy khả năng thành công lớn từ việc đưa mục tiêu xã hội vào trong quảng cáo. Hơn nữa, với kế hoạch lấn sâu hơn vào thị trường di động, Facebook sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa khi thị trường di động sẽ bùng nổ tại thị trường mới nổi và đang phát triển trong hai năm tới.

(Theo Yume)