Các nút “Like” của Facebook và “Tweet” của Twitter xuất hiện trên rất nhiều website. Nhiệm vụ của chúng không đơn giản là giúp bạn chia sẻ thông tin với bạn bè, mà còn giúp các mạng xã hội thu thập dữ liệu về các website mà người dùng truy cập vào.
“Like” để làm gì?
Thực tế, các widget này được tạo ra để giúp người dùng dễ dàng chia sẻ nội dung với bạn bè, và giúp chính các website thu hút khách truy cập. Chúng là một công cụ mạnh mẽ, tiềm năng để thu hút người dùng Internet. Những widget nổi tiếng này thường xuất hiện phía trên cùng hoặc dưới cùng các câu chuyện, bài báo trên các website, hoặc bên cạnh các sản phẩm trong các trang mua sắm.
Các widget mạng xã hội này xuất hiện lần đầu tiên cách đây 5 năm, khi các dịch vụ trực tuyến như Digg Inc cho phép người dùng chia sẻ các bài báo. Vào lúc đó, widget không thu thập dữ liệu lướt web như bây giờ. Widget được các website cài đặt vào nhằm tăng thêm lượng truy cập.
Nhưng năm ngoái, Facebook giới thiệu nút “Like” và các widget “thông minh” khác. Những widget này hoạt động cùng với các cookies mà Facebook đặt trên một trình duyệt web, khi người dùng tạo ra tài khoản hoặc đăng nhập vào trang của họ. Cùng với nhau, chúng cho phép Facebook nhận ra người dùng của họ vào bất kỳ website nào.
Bị theo dõi ngay cả khi không bấm “Like”
Các widget này thông báo cho Facebook và Twitter rằng người dùng đó đã vào những website này, ngay cả khi người dùng không click vào các nút, theo nghiên cứu của The Wall Street Journal. Chẳng hạn, Facebook hoặc Twitter biết khi nào thì một thành viên của họ đọc một bài báo về đệ đơn phá sản trên trang MSNBC, ngay cả khi người dùng không click vào “Like” hay “Tweet” trên trang này. Chỉ cần, người đó đã từng đăng nhập vào Facebook hay Twitter một lần trong tháng qua. Các trang này sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu truy cập web của người dùng, ngay cả khi người này đã đóng trình duyệt hay tắt máy tính.
Các nút Facebook “Like” và Twitter “Tweet” có ở trên hàng triệu website. Chi tiết hơn, widget của Facebook xuất hiện 1/3 trong số 1.000 website được truy cập nhiều nhất trên thế giới, còn các nút của Google và Twitter lần lượt có ở trên ¼ và 1/5 các website này.
Các công ty có dùng dữ liệu này không?
Facebook, Twitter, Google và các hãng lập widget khác nói họ không dùng dữ liệu truy cập web do các widget mang lại. Facebook nói họ chỉ dùng dữ liệu cho mục đích quảng cáo khi người dùng click vào một widget để chia sẻ nội dung với bạn bè.
Facebook nói dữ liệu này bị xoá trong vòng 90 ngày, còn Google nói dữ liệu bị xoá trong vòng 2 tuần, cả Facebook và Google đều nói họ dùng thông tin để kiểm tra hiệu quả của các widget và giúp các website thu hút khách truy cập. Twitter nói họ không dùng dữ liệu này, và xoá nó “nhanh chóng”. Một đại diện của Twitter nói rằng về lý thuyết công ty có thể sử dụng dữ liệu đó để “mang lại các thông tin hấp dẫn hơn cho người dùng”.
Tuy nhiên, sự thật trên khiến mọi người dấy lên mối lo ngại về sự riêng tư của người dùng Internet và smartphone. Các mạng xã hội nói việc thu thập hoạt động lướt web của người dùng là một “tác dụng phụ” của các widget. Vì để một người dùng thể hiện cho các bạn bè của họ biết họ “thích” một thông tin, bài báo cụ thể nào đó, widget phải biết người dùng đó là ai.
Làm gì để hạn chế bị theo dõi?
Nếu lo lắng về điều này, người dùng nên “thoát ra khỏi những trang mạng xã hội này sau khi đã kiểm tra email, tweet, hay mọi thứ họ muốn. Bởi mọi hoạt động “điệp viên” này chỉ chấm dứt khi họ thoát hẳn khỏi tài khoản Facebook hoặc Twitter. Tất nhiên, với cách này, người dùng sẽ phải nhập lại mật khẩu thường xuyên, nhưng đó dường như là cách bạn có thể làm để có hoặc là sự tiện nghi hoặc là sự riêng tư trong những ngày này – chứ không thể có cả hai cùng lúc.
(Theo ICTnews/WSJ)