Trong khi Phó thủ tướng Israel, quốc gia được cho là đứng đằng sau Flame - sâu máy tính tinh vi và nguy hiểm nhất trong lịch sử, úp mở về sự liên quan của Israel thì phát ngôn viên của chính phủ Israel lại bác bỏ hoàn toàn thông tin này.
Ai thực sự đứng đằng sau Flame vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Mặc dù, trong một bài phỏng vấn với đài phát thanh của Israel, Phó thủ tướng của nước này, ông Moshe Yaalon, dường như đã úp mở việc Israel có liên quan đến việc tạo ra sâu máy tính Flame.
“Tôi tin rằng bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy mối đe dọa từ hoạt động hạt nhân của Iran là đáng kể. Và không chỉ có minhf Israel, mà toàn thể thế giới phương Tây, đứng đầu là Mỹ, có thể sẽ làm mọi biện pháp có thể, bao gồm cả vũ khí mạng máy tính, để gây tổn hại cho các dự án hạt nhân của Iran”, ông Yaalon đã đề cập đến Flame trong câu trả lời phỏng vấn của mình.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, phát ngôn viên của chính phủ Israel đã lên tiếng bác bỏ sự liên quan của chính phủ Israel với Flame, và cho rằng lời bình luận của Phó thủ tướng Yaalon không phải là một câu nói có giá trị chính thức.
“Không có phần nào trong bài phỏng vấn cho thấy Phó thủ tướng cho thấy rằng Israel phải chịu trách nhiệm cho sự xuất hiện của loại mã độc này”, phát ngôn viên của Israel cho hay.
Flame là sâu máy tính được hãng bảo mật danh tiếng của Nga Kaspersky Lab và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên Hợp Quốc phát hiện ra vào tuần trước và mô tả đây là “vũ khí công nghệ tinh vi và nguy hiểm nhất trong lịch sử”.
Ngay sau khi phát hiện ra loại sâu máy tính này, Flame đã nhanh chóng gây ra một sự khuấy động lớn trong cộng đồng an ninh mạng. Kaspersky xem đây là một sự khởi đầu của giai đoạn mới trong chiến tranh mạng, trong khi đó đại diện của ITU cảnh báo rằng Flame “là mối nguy nghiêm trọng nhất mà tổ chức này từng phát hiện”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bảo mật độc lập đã cáo buộc rằng Kaspersky và ITU đã quá cường điệu hóa mức độ nghiêm trọng của Flame.
Trên thực tế, Flame được xem là một công cụ gián điệp Internet, hơn là một vũ khí trên thế giới mạng. Flame hoạt động không nhằm mục đích đánh sập mạng mà thay vào đó sẽ thu thập thông tin tình báo phức tạp trên các máy tính nạn nhân, đồng thời truyền tải thông tin nhạy cảm này về một nguồn chưa xác định rõ.
Flame sử dụng camera, microphone và các khả năng thu sóng không dây trên thiết bị của nạn nhân để thu thập mọi thông tin và hình ảnh xung quanh người sử dụng.
Nhiều chuyên gia bảo mật tin rằng Flame quá phức tạp để có thể là sản phẩm của một cá nhân, mà chỉ có thể là sản phẩm của một tổ chức chính phủ đứng đằng sau. Một số nhà bình luận đã chỉ đích danh Mỹ và Israel, là những “tác giả” của Stuxnet trước đây, một loại sâu máy tính được thiết kế để xâm nhập vào các cơ sở hạt nhân của Iran, là người đứng đằng sau Flame.
Tuy nhiên, Mỹ đã lên tiếng phủ nhận sự liên quan của mình với Flame.
Một quan chức quân sự của Iran đã lên tiếng xác nhận tuần trước rằng Flame đã gây ra tác động trong một thời gian ngắn đến ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này, cho đến khi bị phát hiện ra và đã được khắc phục. Tuy nhiên với nhiều biến thể và mức độ phức tạp của Flame, chưa hẳn đã có biện pháp triệt để giúp ngăn chặn sâu máy tính này.
(Theo Dantri/Mashable)