- Tạm lắng được 2 năm, tệ nạn rửa tiền qua mã thẻ tín dụng “chùa” (bị lấy trộm) lại bùng phát tại Việt Nam với mức độ tinh vi hơn, giá trị trộm cắp lên tới cả trăm triệu đồng.
Mua hàng - bán rẻ - thu trăm triệu
Nếu như cách đây chừng 6 năm, những đám dân trộm thẻ tín dụng chùa chỉ mang tính tự phát với từng cá nhân hoặc nhóm nhỏ, trị giá trộm được thường không cao cũng như nhiều trường hợp ngờ nghệch còn “tự khai” bằng cách mua hàng chuyển về địa chỉ cá nhân của chính mình thì hiện nay tệ nạn này đã tinh vi hơn rất nhiều.
Không còn thô sơ theo kiểu trộm vặt, các đối tượng rút lõi tiền thẻ hiện nay hoạt động chuyên nghiệp hơn với những đường dây lớn, quy mô lan ra cả nước ngoài, thậm chí là các thành viên ngoại quốc.
Rành về kỹ thuật và kỹ năng Internet, các đối tượng này không ngại bất cứ thủ đoạn, thao tác nào để qua mặt các quản trị website thương mại điện tử, từ đó mua hàng, vận chuyển và tẩu tán thu lợi bất chính.
Nhiều mặt hàng mua bằng thẻ tín dụng "chùa" được chuyển về Việt Nam bán với giá rẻ nhằm rửa tiền (Ảnh minh hoạ). |
Theo các thông tin chia sẻ trên các diễn đàn của hacker, công đoạn thường bắt đầu từ một nhân sự ở nước ngoài, sử dụng các địa chỉ IP giả nhưng được chứng thực bảo mật cao, để tuy thực hiện việc mua bán bằng thông tin thẻ giả nhưng địa chỉ nhận hàng là thật. Hàng hoá sẽ được chuyển về một quốc gia ngoài Việt Nam nhưng dễ dãi trong khâu kiểm nhận để từ đó tìm đường về các đầu mối rửa tiền.
Thời gian trước những năm 2007, tội phạm mạng thường chỉ sử dụng thẻ tín dụng chùa để mua các tài khoản trực tuyến thu phí như Megaupload, Rapidshare hay các tài nguyên download/upload như Photobucket, Imageshack...
Tuy nhiên, cùng thời gian, công nghệ trộm cắp thẻ tín dụng nâng lên một tầm cao mới khi các dòng máy làm giả thẻ tín dụng với thông tin thật được phổ biến, có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc đã khiến tội phạm mạng nâng lên một tầm mới.
Ngoài việc sử dụng thẻ để rút tại các POS của ngân hàng chấp nhận thẻ tín dụng quốc tế (VISA; AMEX...), giới tội phạm còn sử dụng để mua hàng tại các shop mất cảnh giác, không yêu cầu chữ ký chủ thẻ.
Theo khảo sát thị trường thì chỉ trong khoảng thời gian từ đầu năm 2011 tới nay, lượng mặt hàng điện tử trên các thị trường chợ đen tăng đột biến, chủ yếu là các mặt hàng công nghệ cao.
Dạo qua các website như Handheld, Muare, VoZ..., không khó để tìm thấy các đường dẫn rao bán hàng công nghệ Mỹ như máy chơi game Sony PSVita, ổ cứng thể rắn SSD cho tới các linh, phụ kiện và thậm chí là cả điện thoại iPhone.
Anh Tuấn Anh, một dân buôn đồ số phải thốt lên rằng: "Giá bán mặt hàng công nghệ cao rẻ hơn tới gần 20% so với giá bán ở các website của Mỹ quả thực là khó tin nhưng đúng là có tình trạng này. Hầu hết hàng được rao bán như SSD, PSVita đều thuộc hàng mua bằng thẻ tín dụng chùa và đem về Việt Nam bán phá giá để rửa tiền nên mới có mức giá như vậy".
Nhiều chủ hàng buôn bán đồ "chôm" kiểu này còn chụp ảnh lại những lô hàng xếp cao như núi mà ngay cả đối với những dân buôn chuyên nghiệp cũng không dám nhập hàng với số lượng lớn như vậy.
Cũng theo một chuyên gia về bảo mật và an ninh mạng xuất thân từ hacker mũ trắng thì hầu hết các nhân vật buôn bán kiểu này đều thuộc một mạng lưới từ nước ngoài và có thể đó chỉ là công đoạn cuối để rửa tiền và sau đó chia chác bằng cách chuyển ngược tiền ra nước ngoài thông qua các công cụ chuyển tiền không cần chứng thực như Liberty Reserve.
Việt Nam một lần nữa vào danh sách đen TMĐT?
Thời điểm cách đây 4 năm, Việt Nam đã từng có thời gian bị các website thương mại điện tử nước ngoài, đặc biệt là Mỹ xếp vào danh sách những quốc gia từ chối giao dịch điện tử. Chỉ cần mua hàng từ IP của Việt Nam, bất kể bằng thông tin thẻ tín dụng thật cũng bị từ chối đơn hàng.
Khoảng thời gian năm 2010 cũng là điểm đen khi Apple phanh phui hàng loạt phi vụ rửa tiền trên kho ứng dụng AppStore mà hầu hết đều từ các địa chỉ IP Việt Nam. Bằng cách tạo ra các ứng dụng ma, phí cao rồi phân phối trên kho nội dung này, giới tội phạm mạng đã ăn trộm hàng chục nghìn USD bằng cách dùng thông tin thẻ tín dụng giả để mua chính ứng dụng của mình.
Các đối tượng trong một vụ làm giả thẻ tín dụng tại cơ quan điều tra - Ảnh Hà An (Thanh niên) |
Chưa hết, hàng loạt dịch vụ cung ứng tài khoản download nội dung như iTunes Account, PlayStation account được rao bán với giá rẻ mạt, chỉ bằng 1/3 giá trị thật mà cơ quan chủ quản đưa ra và dĩ nhiên các account tải nội dung ảo này đều được mua bằng thẻ tín dụng "chùa" rồi sau đó được phân phối nhằm mục đích rửa tiền.
Thời gian gần đây, người dùng Việt Nam bỗng gặp phải những khó khăn khi đăng ký tài khoản PayPal nhằm thực hiện các giao dịch quốc tế. Là một trong những đơn vị chứng thực giao dịch điện tử uy tín, phải chăng PayPal bắt đầu có những chính sách mới nhằm đối phó với nạn ăn cắp thông tin thẻ tín dụng xuất phát từ Việt Nam?
Theo ông Nguyễn Hoàng Thắng, P.Giám đốc TT DV TMĐT Cục xúc tiến thương mại VCCI thì: "Câu chuyện về tội phạm thẻ tín dụng giống như những bức xúc của dư luận về thói vô tâm của bộ phận người Việt như hôi của, tham vặt...Biết là sai trái nhưng vẫn cứ sử dụng thẻ tín dụng chùa vì ý thức quá kém, mà chính vì vậy sẽ trở thành rào cản rất lớn đối với nền TMĐT nước nhà".
Trong một viễn cảnh gần, rõ ràng sự suy đồi về nhận thức, ý thức của một bộ phận nhỏ người Việt đang làm ảnh hưởng nhiều tới nguồn lợi chung của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là lĩnh vực TMĐT. Tuy nhiên, việc giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như cần sớm đưa ra các đạo luật mạnh tay để trấn áp tình trạng này lại đang là một bài toán khó giải.
- Võ Trung