Sau khi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), MV Corp và các website âm nhạc lớn của Việt Nam tuyên bố đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến kể từ ngày 1/11, đã có nhiều ý kiến và thắc mắc của người dùng xung quanh vấn đề này.
Các website âm nhạc lớn tại Việt Nam từng triển khai thu phí theo mức chất lượng âm thanh. |
Thu phí bằng hình thức nào?
Ông Nguyễn Minh Kha, phó Tổng giám đốc trang Nhạc Của Tui, cho rằng việc thu phí trong thời điểm hiện tại “không đặt nặng vấn đề doanh thu mà chú trọng việc thay đổi thói quen” của thính giả Việt. |
Trước khi đặt bút ký kết vào biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và MC Corp, các website âm nhạc lớn đã có sự chuẩn bị. Theo ông Nguyễn Minh Kha - phó Giám đốc Công ty cổ phần Nhạc Của Tui, trang nhạc nhaccuatui.com đã được tích hợp hệ thống thanh toán NTC XU. Người dùng có thể nạp tiền vào tài khoản mua nhạc của mình thông qua thẻ cào điện thoại, thẻ game, thẻ ATM của các ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng Visa Master và qua tin nhắn SMS.
Tương tự, những trang nhạc khác như Zing Mp3 cũng đã có sẵn hệ thống giao dịch từ trước thông qua “Zing XU”. Nhìn chung, người dùng có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán nhưng tất cả đều được quy đổi thành một loại đơn vị tiền ảo được quy ước bởi các website âm nhạc.
1.000 đồng: người bán nói rẻ, người mua chê đắt
Việc trả phí tác quyền âm nhạc vốn đã được triển khai rộng rãi trên thế giới với những kho nhạc trực tuyến khổng lồ như Amazon, iTune… Mức giá cho một bài hát trên Amazon từ 1-2 USD (tương đương 21.000 - 42.000 đồng) và từ 9 - 20 USD cho cả album ở mức chất lượng âm thanh cao nhất.
Giá mua nhạc trực tuyến trên thế giới cao gấp hàng chục lần giá mua nhạc ở Việt Nam. Ảnh chụp từ website Amazon |
Có thể thấy mức giá này cao gấp hàng chục lần so với giá mua nhạc dự kiến ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược. Người dùng không đồng tình, chê đắt, thậm chí tuyên bố quay lưng với những website thu phí. Trong khi đó, người bán (nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc) cho rằng 1.000 đồng là hợp lý vì còn phải “chia năm xẻ bảy” cho nhiều bên.
“Việc nghe và tải nhạc với tôi giống như một thứ phúc lợi xã hội. Nếu phải mất phí khi tải nhạc, tôi sẽ chuyển qua nghe trực tuyến và tải nhạc ở những website không thu phí” - Trần Thị Thủy, sinh viên ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, chia sẻ.
Trái lại cũng có những bạn trẻ ủng hộ việc trả phí tác quyền khi tải nhạc. “Một sản phẩm âm nhạc dù hay hay dở cũng chứa đựng tâm huyết của người nghệ sĩ. Trả tiền tải nhạc là chuyện cần làm để bù đắp công sức lao động nghệ thuật của họ. Mức giá 1.000 đồng là hợp lý, nhưng nhạc tải về phải đảm bảo chất lượng âm thanh tốt hơn trước” - Lê Hải, nhân viên văn phòng, bày tỏ quan điểm.
Theo ông Nguyễn Minh Kha, chất lượng âm thanh của một bài hát sẽ do phía trung gian (Công ty MV Corp) quyết định. Trang NhạcCủaTui cam kết cung cấp cho người mua những bản nhạc đạt mức chất lượng 320Kbps. Tuy không bằng chất lượng âm thanh của một bài hát trên đĩa CD gốc, nhưng 320Kbps đã là một mức cao với mặt bằng 128Kbps hiện nay.
“Sau khoảng 1-2 năm nữa sẽ có mức phí riêng cho audio, video hoặc nguyên album nhạc. Mức giá 1.000 đồng hiện tại chỉ là mức giá chung cho giai đoạn thử nghiệm. Trong giai đoạn này chúng tôi không đặt nặng vấn đề doanh thu mà chú trọng vào việc làm sao để thay đổi được thói quen của người dùng” - đại diện NhạcCủaTui cho biết thêm.
Chúng tôi đã liên lạc với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) để hỏi thêm thông tin nhưng đại diện của đơn vị này từ chối trả lời.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Ăn quả hãy nhớ kẻ trồng cây"
Từ bé chúng ta đã được dạy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thưởng thức âm nhạc cũng như ăn cơm, tại sao chúng ta sẵn sàng bỏ 1.000 đồng để mua thêm gia vị ăn kèm mà lại e ngại mức giá 1.000 đồng cho một bài hát? Tôi nghĩ đây là một mức giá hợp lý. Đã đến lúc người dùng thay đổi thói quen của mình. Việc trả phí tải nhạc thể hiện sự văn minh và cũng thể hiện sự tôn trọng của khán giả đối với công sức lao động của những nhà sản xuất âm nhạc. |
Theo Duy Kỳ Anh - TTO