Tẻ nhạt, nhàm chán, thiếu bản sắc, nhạt nhòa… hiếm có một sản phẩm nào của Apple lại phải nhận những lời bình luận như vậy từ giới truyền thông ngay trong ngày đầu tiên ra mắt.
1. Thiếu Steve Jobs, mất phép màu
Chuyên gia Larry Dignan của CNET đã thốt lên như vậy sau khi lễ công bố iPhone 5 kết thúc.
“Phong cách của họ ngày càng giống các hãng công nghệ khác”, Dignan bình luận.
Việc iPod mới và quầy nhạc số iTunes cải tổ được giới thiệu cùng đợt càng phản ánh một kỷ nguyên mà Táo khuyết quan tâm đến các nâng cấp, update, phần mềm hơn là những lột xác về thiết kế và phần cứng.
Và việc có quá nhiều quan chức cấp cao của Apple bước lên sân khấu thuyết trình về quá nhiều sản phẩm mới khiến cho sự kiện bị dàn trải, thiếu điểm nhấn. Tất nhiên, Steve Jobs, với tư cách người trình diễn, nhà hùng biện, là một nhân vật phi thường “hiếm có khó tìm”. Ông có thể biến một sự nâng cấp đơn thuần, hoặc một tính năng bạn đã từng gặp ở chỗ khác – thành thứ gì đó tuyệt vời, xuất sắc, đẹp mắt, đáng ngưỡng mộ. Mọi người đều hiểu điều đó, nhưng kỹ năng của thầy phù thủy luôn khiến họ sẵn sàng tham dự cuộc chơi và lắng nghe từng lời ông nói ra.
Nhưng giờ đây, câu chuyện đã diễn tiến theo hướng khác. Một số chuyên gia công nghệ thậm chí còn tự hỏi, liệu Amazon giới thiệu sản phẩm mới có hay hơn Apple hay chưa. Đầu tiên là vấn đề về kỷ luật lỏng lẻo: Hầu hết tính năng chủ chốt của iPhone 5 đều đã bị lộ từ trước. Thứ hai, công tác biên tập có vấn đề. Liệu Jobs có nhồi nhét tất cả iPhone 5, iPod, iTunes mới vào trong cùng một sự kiện hay không?
2. Apple đã bỏ lỡ dịp bứt phá
Nhiều chuyên gia khác đồng tình rằng, dù chu kỳ phát triển sản phẩm khẳng định iPhone 5 là một sản phẩm “thiết kế hoàn toàn mới” nhưng trên thực tế, nó nghiêng về sự nâng cấp nhiều hơn. Màn hình 4-inch không có gì để chê, nhưng Android đã có tính năng này từ cả năm trước. LTE cũng thú vị đấy, nhưng có gì mới so với thị trường không?
“Lẽ ra chiếc điện thoại này phải được giới thiệu từ năm ngoái rồi”, một blogger bình phẩm.
Một điểm tạo ra sự khác biệt lớn cho Apple so với đối thủ chính là họ tạo ra những phần cứng, phần mềm và dịch vụ phối hợp với nhau một cách tuyệt hảo. Tất cả làm nên một hệ sinh thái khép kín cho trải nghiệm người dùng.
Thế nhưng trong bài diễn văn hôm qua, Tim Cook đã nhắc đến một từ khiến cử tọa có phần bối rối: Giải pháp. Thuật ngữ này vốn được các hãng công nghệ doanh nghiệp nhắc đến suốt ngày và nó nhằm chỉ một nhóm các sản phẩm hơn là một bom tấn đơn lẻ kiểu như Apple vẫn thường tung ra. Jobs sẽ không bao giờ sử dụng một từ như giải pháp. Đó là một từ không thể bán hàng và cũng chẳng có phép màu để thôi miên người nghe.
3. Thiếu những thay đổi quyết liệt
Còn theo chuyên gia công nghệ Roger Cheng, việc thiếu những thay đổi mạnh mẽ trong một số sản phẩm được công bố gần đây của Apple là một dấu hiệu đáng báo động và có thể đẩy Apple tới hàng loạt vấn đề đau đầu.
“iPhone 5 chỉ nhận được những tràng pháo tay lịch sự hơn là sự phấn khích và nhiệt tình tột độ từng thấy trước đây”, Cheng nhận xét. Chẳng có gì đột phá để cử tọa ngỡ ngàng cả.
“Ngoại hình” mới của iPhone 5 chỉ là iPhone 4s kéo dài và mỏng hơn một chút. Và việc đặt nó lên bàn cân với các đối thủ càng cho thấy một điểm: phải chăng Apple đã đuối sức trong việc tìm ra sự khác biệt. Rất nhiều tính năng mới quan trọng ở iPhone 5 đã góp mặt ở Android từ lâu, từ màn hình lớn hơn cho đến 4G LTE (ngay cả windows Phone cũng kịp có).
Khi một công ty ngừng sáng tạo, nó sẽ trở nên yếu ớt và sơ hở. Có thể chuyện đó không xảy ra ngay hôm nay hoặc ngày mai, nhưng việc thiếu vắng những sản phẩm đột phá sẽ đẩy bạn đến lối mòn tuột dốc.
Chuyên gia công nghệ Stephen Shankland thốt lên rằng, phải chăng ngành công nghiệp smartphone đã bước vào kỷ nguyên “à ừm”, tức là những sản phẩm mới ra mắt chỉ có vài cải tiến nho nhỏ mà các đối thủ có thể dễ dàng bám đuổi. Công chúng đón nhận theo kiểu “à, ừ, cũng được” chứ không “ố, á” đầy sửng sốt và ngưỡng mộ. Éo le thay, Apple cũng rơi vào tình cảnh đó.
4.Không có động lực để nâng cấp
iPhone 4S chỉ có một số nâng cấp về cấu hình bên trong và giới thiệu tính năng ra lệnh bằng giọng nói Siri. iPad thì ra mắt màn hình Retina mới. Nhưng chừng đó chưa đủ để thuyết phục người dùng nâng cấp.
Cả Tim Cook, Phil Schiller và Jonathan Ive đều nhấn mạnh vào màn hình 4inch mới của iPhone 5. Nhưng liệu sự phấn khích đó có quá đà cho một tính năng mà lẽ ra cần phải xuất hiện ở iPhone ngay từ năm ngoái?
Ngay cả bom tấn “tin đồn” kế tiếp là iPad Mini cũng đi theo quỹ đạo đó. Nó là câu đáp trả cho những đối thủ như Amazon và Google, cũng như là cơ hội bán được nhiều hàng hơn cho Apple thay vì là một sản phẩm sáng tạo đích thực.
5. Thiếu bản sắc riêng
Trang Gadget Lab bình luận rằng mẫu điện thoại duy nhất thú vị hiện nay là Nokia Lumia 920, bởi hai điểm: Thứ nhất, nó khác biệt so với iPhone, và vì đây là canh bạc lớn cuối cùng của Nokia trước khi phải quay về với nghiệp xưa là sản xuất lốp.
“Ít nhất Nokia Windows Phone cũng có bản sắc riêng. iPhone mới thì không còn điều đó, ngoài việc vẫn bán chạy nhất thị trường”.
Không thể phủ nhận, iPhone đang ngày một nhàm. Và có lẽ nó sẽ vẫn còn tẻ nhạt như vậy trong một tương lai gần. Âu cũng là chuyện thường trong giới công nghệ, khi cách mạng dần thoái trào thành tiến hóa.
Vẫn thành công
Mặc dù vậy, đa số các ý kiến đều cho rằng, iPhone 5 sẽ vẫn thành công về mặt thương mại, trong một bối cảnh mà các đối thủ của họ đều giậm chân tại chỗ hoặc khủng hoảng.
Sức cầu khủng vẫn đảm bảo cho iPhone mới bán chạy như tôm tươi, bởi iPhone 4S – dù bị ném đá tơi bời sau lễ ra mắt – vẫn được người dùng xếp hàng rồng rắn đợi mua bên trước các cửa hàng của Apple. Và nhiều khả năng, dòng người xếp hàng đợi iPhone 5 sẽ còn dài hơn thế.
Chỉ có điều, người hâm mộ có quyền tự hỏi, phải chăng sự tự tin đến mức tự mãn đã khiến Apple nghĩ rằng, họ chẳng cần phải tung ra một sản phẩm bom tấn cũng vẫn chinh phục được thị trường như thế?
Hoặc giả là Apple đã đặt ra chuẩn mực quá cao cho các sản phẩm đời đầu nên việc nâng nó lên tầm cao mới càng ngày càng khó. Không có những tính năng và sản phẩm để thiết lập chuẩn mực mới cho ngành, điều mà iPhone đời đầu, iPhone 3GS và iPad đã làm được.
Phải chăng “phép màu” của Táo khuyết đã mai một sau sự ra đi của phù thủy Steve Jobs?
Trọng Cầm