Điện thoại của chúng ta không chỉ được làm từ kính, aluminum và nhựa plastic mà còn khá nhiều vật liệu độc hại được huy động để chế tạo linh kiện bên trong.

Những hóa chất này trải đều từ nhựa PVC, thủy ngân, thiếc, chất chịu lửa cho đến chì. Và tuy chúng không đe dọa nhiều đến sức khỏe của bạn khi được “khóa chặt” bên trong ruột thiết bị nhưng nếu bị vứt vào sọt rác, chúng hoàn toàn có thể làm ô nhiễm không khí cũng như nguồn nước.

Đúng vậy, hầu hết người dùng đều không tái chế smartphone đúng cách. Việc vứt bỏ chiếc điện thoại cũ có thể gây ra những vấn đề lớn về môi trường. Rất may là theo phát hiện của iFixit và HealthyStuff.org, những mẫu smartphone đời mới có chứa ít hóa chất độc hại hơn so với smartphone trong quá khứ.

Để đi đến kết luận này, iFixit đã tiến hành dỡ tung 36 mẫu điện thoại cả cũ lẫn mới, bao gồm cả iPhone 5. Sau khi xác định được số lượng hóa chất độc hại hiện diện trong điện thoại, mỗi thiết bị sẽ được chấm điểm từ 0 đến 5, với 0 là điểm cao nhất và 5 là điểm thấp nhất.

Trong số các dòng máy được kiểm tra, có 6 sản phẩm được xếp vào hàng “an toàn”, bao gồm iPhone 5, Motorola Citrus và Samsung Evergreen. 24 thiết bị được dán nhãn “độc hại trung bình”, chẳng hạn như Samsung Galaxy S3, Motorola Droid X và BlackBerry Bold 9000. 6 smartphone còn lại bị xếp vào nhóm “nguy cơ cao” bao gồm Nokia N95, iPhone 2G và BlackBerry Storem 9530.

“Các hãng sản xuất đã có ý thức hơn trong việc tạo ra những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường”, iFixit nhận xét. Cụ thể là Apple đã có tiến bộ rất lớn trong cuộc sát hạch, khi iPhone thế hệ thứ hai nhận điểm số tệ nhất còn cả iPhone 4S lẫn iPhone 5 đều nằm trong nhóm 6 smartphone an toàn nhất.

Trọng Cầm