Với việc hệ điều hành mới nhất của Microsoft đã chính thức ra mắt, sẽ có những người được lợi bên cạnh những hãng phải chịu không ít thua thiệt sau sự kiện này.

Người thắng:

Microsoft:

Windows 8 đã hỗ trợ nhiều ứng dụng Việt. Ảnh: Trọng Cầm
Theo CNET, gã khổng lồ phần mềm là một kẻ chiến thắng rõ ràng sau sự kiện 26/10. Windows 8 là hệ điều hành duy nhất mà các hãng PC có thể trông cậy vào lúc này để vực dậy một thị trường đang tụt dốc, trong khi Surface đã nhận được khá đủ sự ủng hộ từ phía các chuyên gia review. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Surface có thể ăn lẹm vào doanh số tiêu thụ của các hãng phần cứng đối tác trong địa hạt máy tính bảng.

Xu hướng “Bring-your-own-device” (Tự mang thiết bị của mình): Lợi ích rõ nhất của tablet Surface chính là chúng cho phép người dùng làm việc bằng chính thiết bị mà mình đang sử dụng tại gia. Dù cho họ giải trí hay làm việc thì những thiết bị này cũng có thể thỏa mãn được nhu cầu của họ. Hơn nữa, do Windows 8 không đòi hỏi nâng cấp về cấu hình phần cứng và tương thích với các hạ tầng sẵn có nên admin của các doanh nghiệp cũng dễ dàng quản lý thiết bị do nhân viên mang từ nhà đến công sở hơn.

Dell, Lenovo:

Dell tự tin với cơ hội từ Windows 8. Ảnh: Trọng Cầm
Cả Lenovo lẫn Dell, hai hãng hiện đang nắm giữ ngôi vị số 1 và số 3 trên danh sách các hãng PC lớn nhất thế giới (theo Gartner) đều cảm thấy rất vui vẻ với tablet Surface của Microsoft.

Mặc dù Dell thất bại trong cuộc thử sức mang tên Streak với địa hạt tablet nhưng hãng này tự tin cho rằng mình đã rút ra đủ kinh nghiệm để có thể cạnh tranh tiếp bằng một loạt sản phẩm mới.

Ngược lại, Giám đốc điều hành Yang Yuanqing của Lenovo thì khẳng định tự tin rằng hãng của ông tạo ra những “phần cứng ưu việt hơn”, và vì thế, tablet Windows 8 của Lenovo không e ngại việc bị Microsoft cạnh tranh mất thị phần.

ARM:

Hãng thiết kế chip ARM hiển nhiên được hưởng lợi rất lớn từ việc Microsoft công bố mẫu tablet Surface RT dựa trên cấu trúc chip ARM. Qualcomm – hãng sản xuất con chip ARM mà Windows RT sử dụng cũng có thể được tính là một kẻ chiến thắng khác trong danh sách. Hiện đã có sự xác nhận từ Asus, Dell, Lenovo, Samsung và Microsoft về việc sẽ sản xuất các tablet dùng thiết kế chip của ARM.

Kẻ bại

HP, Acer:

Acer lại kêu gọi Microsoft "nghĩ lại" về việc tung ra tablet riêng. Ảnh: Trọng Cầm
Dù IDC khẳng định HP vẫn là hãng PC số một thế giới nhưng số liệu của Gartner lại cho rằng HP hiện chỉ còn là Á quân trên thị trường. Acer đứng ở vị trí thứ tư nhưng điểm chung giữa hai hãng là thị phần đều đang tiếp tục giảm.

Nhà phân tích Shaw Wu tin rằng đà tuột dốc của HP sẽ không thể được cứu bởi Windows 8, trong khi Giám đốc điều hành JT Wang của Acer thì đi xa hơn một bước khi kêu gọi Microsoft "nghĩ lại" về việc phát hành tablet riêng. Giới truyền thông nhìn chung cảm thấy khá nực cười với lời kêu gọi của Acer, song hãng máy tính Đài Loan vẫn tỏ ra kiên quyết khi đe dọa sẽ “tìm kiếm một nền tảng khác”.

Apple:

Hiện hãng sản xuất iPad đang bị kẹp chặt giữa một bên là tablet Android và một bên là các đối thủ Windows. Và từ những gì mà iPad Mini chứng tỏ thì dường như Apple không còn nhiều “võ bí mật” để ém hàng nữa.

Trong phân khúc tablet 9,7 inch trở lên, Apple sẽ phải đối đầu với Surface và binh đoàn convertible/hybrid Windows 8 mới ra, trong khi ở phân khúc 7-inch nhỏ hơn, iPad Mini sẽ có những đối thủ Android giá rẻ như Amazon Kindle HD hay Google Nexus 7. Đối với người dùng doanh nghiệp, một đối tượng rất quan trọng, nhiều khả năng Apple sẽ khó đấu lại với Microsoft và Windows 8. Sự phản ứng của thị trường chứng khoán những ngày qua là một dấu hiệu: Giá cổ phiếu Apple giảm 1% trong khi Microsoft tăng gần 1%. Rõ ràng các nhà đầu tư không cảm thấy an tâm lắm khi iPad có thêm một đối thủ mạnh.

Xét về lâu dài, có lẽ Apple sẽ là hãng bị thua thiệt nhiều nhất bất chấp vị thế dẫn đầu thị trường hiện tại.

Điều thú vị nữa là số lượng các nhà phát triển Windows nhiều hơn nhiều so với các nhà phát triển iOS, nhất là trong hạng mục doanh nghiệp. Giới phát triển Windows sẽ dễ dàng nâng cấp các ứng dụng sẵn có lên những ứng dụng dành cho Windows RT và Windows 8, thay vì phải xây dựng các ứng dụng doanh nghiệp từ đầu dành cho iPad.

Android dành cho doanh nghiệp:

Google vẫn chưa tung ra bất cứ sản phẩm nào dành riêng hay tập trung riêng cho mảng doanh nghiệp. Cứ như thể gã khổng lồ tìm kiếm không hề nhận ra bất cứ chân trời nào khác ngoài “người dùng cá nhân” vậy. Hiện tại, theo các nhà phân tích, Google vẫn chỉ kiếm được lợi nhuận khá khiêm tốn từ Nexus 7.

“Surface là một tablet trung bình cộng giữa giải trí và công việc. Google thì chỉ đơn thuần là giải trí. Chắc cũng vì thế mà Google mới đặt tên cho quầy ứng dụng của họ là Google Play?”, CNET bình luận.

Ẩn số Intel

Gã khổng lồ chip vừa là người thắng lại vừa là kẻ bại trong sự kiện Windows 8 và tablet Surface. Ở phương diện thắng cuộc, Intel đã có thể đưa cấu trúc chip x86 của mình lên những thiết kế tablet “phù hợp”. Trước đây, máy tính bảng dùng chip Intel đều sở hữu ngoại hình cồng kềnh, thô kệch và nhanh chóng xịt ngóm trước cả khi người dùng kịp để mắt tới.

Với sự hiện diện của Windows 8, một lần nữa Intel có thể theo đuổi giấc mơ tablet của mình và tăng thị phần của hãng trên thị trường PC truyền thống trước đối thủ AMD.

Thế nhưng đồng thời, Intel cũng là hãng chịu thiệt khi Windows 8 cũng có thể không ngăn được đà suy giảm của thị trường PC. Kỷ nguyên hậu PC ngày một hiện hình rõ ràng và tablet ngày càng được ưa chuộng nhờ những tiện ích của nó.

Trọng Cầm