- Hơn 200 loại sản phẩm và dịch vụ CNTT khác nhau của 50 doanh nghiệp như khu công viên phần mềm Đà Nẵng, khu phần mềm Cần Thơ, Công viên phần mềm Quang Trung… được giới thiệu tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM).

Các nhân viên thương hiệu mực in tương thích giải thích cho khách hàng hiểu rõ công dụng của sản phẩm.

Sáng 15/11, tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công thương và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã giao Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức chương trình “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt – VIBrand 2012”.

Chương trình này tập trung thúc đẩy phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh phát triển thị trường CNTT trong nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một nước có nhiều sản phẩm và dịch vụ CNTT chất lượng.

Chương trình VIBrand 2012 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 15-17/11) bao gồm 5 nội dung chính: Triển lãm sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, Hội thảo phát triển thương hiệu quốc gia CNTT, Hội nghị đánh giá chương trình công nghiệp CNTT năm 2012 và định hướng đến năm 2020, Tọa đàm phát triển thị trường dịch vụ phần cứng Việt Nam và phát triển dịch vụ trên nền CNTT, Lễ trao giải phần thưởng nữ sinh viên CNTT tiêu biểu trong phát triển và ứng dụng phần mềm nguồn mở.

Ngay trong ngày khai mạc, Hội thảo phát triển thương hiệu quốc gia về CNTT đã thu hút được rất đông các chuyên gia, doanh nghiệp và các bạn trẻ tham gia.

Các bạn trẻ hào hứng tại một gian hàng sản phẩm Internet.

Bà Tô Thị Thu Hương – Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, thị trường CNTT trong nước đang phát triển mạnh, tổng chi cho CNTT năm nay ước trên 3 tỷ USD. Còn trong năm 2011, riêng về kinh phí mua sắm phần mềm lên đến 351 tỷ đồng, trong đó tại các bộ ngành trung ương chiếm tới 188 tỷ đồng (mua phần mềm trong nước chiếm 24,2%). Chủ yếu là các phần mềm như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm một cửa điện tử…

Bà Hương cho rằng, các sản phẩm CNTT trong nước phù hợp với người Việt Nam và có hướng dẫn sử dụng cụ thể, linh kiện thay thế dễ tìm kiếm là lợi thế trong vấn đề tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. “Các doanh nghiệp từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành bảo trì đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thị trường… cũng là một lợi thế”, bà Hương nói.

Trong thời gian tới, bà Hương cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để giảm mức thuế áp cho doanh nghiệp khi nhập linh kiện phục vụ cho sản xuất và lắp ráp, có những ưu đãi về giá thuê xưởng sản xuất, lắp ráp nhằm khuyến khích doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm CNTT. Đồng thời, sẽ xây dựng các chương trình quảng bá sâu rộng sản phẩm CNTT trong và ngoài nước.

Có mặt tại hội thảo, ông Phạm Huyền Kiên, thành viên hội đồng Haki Group, người đã chủ trì nhiều dự án sáng tạo và quản trị thương hiệu như Chương trình thương hiệu Quốc gia, Sea game 22… cho rằng, việc đầu tiên và đơn giản nhất phải triển khai cho bất kỳ thương hiệu ngành hàng nào là chúng ta phải vạch được lộ trình, đặt ra mục tiêu cụ thể, chiến lược phát triển sản phẩm.

“Ngày nay vấn đề công nghệ không còn đơn thuần là mang nghĩa đen như chúng ta vẫn thường quan niệm mà rõ ràng cảm xúc của người dùng càng ngày càng trở nên quan trọng. Các sản phẩm CNTT đều nhằm đáp ứng mục đích làm sao thỏa mãn được các cảm xúc và các nhu cầu mang tính con người của khách hàng”, ông Kiên nói.

Cũng trong sáng nay, hơn 200 loại sản phẩm và dịch vụ CNTT khác nhau của 50 doanh nghiệp đến từ các khu như: Khu công viên phần mềm Đà Nẵng, khu phần mềm Cần Thơ, khu phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, Công viên phần mềm Quang Trung… đã được trưng bày giới thiệu tại triển lãm “Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt” trong khuôn viên sân Nhà văn hóa Thanh niên.

Ban tổ chức dự kiến sẽ có khoảng 15.000 khách tham quan đến từ TP.HCM, các tỉnh trong khu vực và trong cả nước.

Ngoài ra, cũng tại chương trình VIBrand 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố phát hành ấn phẩm “Danh mục các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt 2012”. Đây là tài liệu tham khảo phục vụ việc đầu tư mua sắm các sản phẩm, dịch vụ CNTT cho các cơ quan , tổ chức, doanh nghiệp, người dân…

Những hình ảnh tại chương trình “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt – VIBrand 2012”:

Trường Saigon Tech giới thiệu dự án "Hỗ trợ học Lập trình pascal bằng những ví dụ sinh động với robot". Đây là phần mềm giúp học sinh dùng pascal để điều khiển robot trong môi trường giả lập trên máy tính cũng như trên robot thật.

Các bạn trẻ góp ý về dự án của trường Saigon Tech.

Ngay ngày đầu khai mạc, nhiều khách hàng, nhất là các bạn học sinh, sinh viên đã đến rất đông để tham quan các gian hàng sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt.

Hơn 50 gian hàng các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt được trưng bày.

Gian hàng của Công viên phần mềm Đà Nẵng.

Gian hàng hơn 100 sản phẩm phần mềm giáo dục của nhóm phát triển sinh viên học sinh được khách hàng là các bà mẹ đặc biệt quan tâm.

Một sản phẩm phần mềm của Công ty thông tin - trực tuyến phần mềm Quang Trung.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm công nghệ thông tin tại một gian hàng.

Gian hàng đơn vị chủ nhà - Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC).

  • Tá Lâm