- Ứng dụng CNTT được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả và minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.C. |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tái khẳng định quan điểm này tại Hội thảo "CNTT trong phát triển chính sách và tăng cường hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước", diễn ra sáng nay, 9/12 tại Hà Nội.
Hiệu lực, hiệu quả và minh bạch
Đảng và Nhà nước đã xác định CNTT là lĩnh vực ưu tiên, một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, là hạ tầng của hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện thông qua việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hưng, một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn là nền hành chính nhà nước còn chậm thay đổi, thiếu minh bạch. Việc ứng dụng CNTT được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả và minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
Chính vì vậy, ứng dụng CNTT gắn với nâng cao hiệu quả quản lý hành chính trong các cơ quan nhà nước đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân.
Đối với đổi mới hành chính Nhà nước thì Chính phủ điện tử chính là cốt lõi. Và để phát triển Chính phủ điện tử thì không thể không ứng dụng mạnh CNTT.
Lý giải cho quan điểm này, Thứ trưởng nhấn mạnh: "CNTT đã góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính, cải tiến hình thức cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn."
"Thông qua hoạt động tin học hóa quy trình nghiệp vụ, bộ máy hành chính nhà nước sẽ thể hiện sự phân định trách nhiệm rõ ràng, giảm thiểu sự trùng lặp về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp. Khi các bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước liên kết dễ dàng với nhau hơn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ cũng sẽ nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn. Người dân sẽ có nhiều cơ hội để giám sát chất lượng quản lý nhà nước và tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật."
"Do đó, chúng ta cần có giải pháp để 'gắn kết CNTT trong hoạt động cải cách hành chính', vừa đảm bảo tận dụng tối đa được các ưu thế của CNTT, đồng thời đáp ứng kỳ vọng về nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước", Thứ trưởng nêu rõ.
Áp lực cải cách
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, chính vì tầm quan trọng và tính cấp bách của ứng dụng CNTT như vậy nên áp lực cải cách nền hành chính quốc gia đang rất lớn.
Để mục tiêu đổi mới, cải cách hành chính thông qua ứng dụng CNTT thực sự hiệu quả, đòi hỏi một cách tiếp cận, tư duy hoàn toàn mới, cùng với việc tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm với những quốc gia đã cải cách thành công.
Thứ trưởng hy vọng Hội thảo là nơi cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thể hiện tính tương tác giữa các bên, đồng thời tập trung giải đáp 3 vấn đề lớn:
Thứ nhất, các đặc điểm, tính chất mấu chốt của hành chính nhà nước nào cần phải có sự tham gia của CNTT để đáp ứng mục tiêu cải cách.
Thứ hai, biện pháp nâng cao tư duy và nhận thức về vai trò của CNTT trong tăng cường hiệu quả hành chính nhà nước.
Thứ ba, các vướng mắc, điều kiện cơ bản khi tổ chức, triển khai áp dụng CNTT trong hoạt động hành chính nhà nước.
Đây cũng là cơ hội tốt để phía VN chia sẻ và học tập kinh nghiệm thực tế triển khai ứng dụng CNTT trong phát triển chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại nước ngoài, cụ thể từ các chuyên gia Hàn Quốc, Thứ trưởng lưu ý.
Hội thảo " CNTT trong phát triển chính sách và tăng cường hiệu quả quản lý hành chính nhà nước" do Bộ TT&TT chỉ đạo Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Trung tâm Thông tin tổ chức.
T.C