Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Bộ TT&TT nhận định, các địa phương có thể tăng tốc để kết thúc lộ trình số hóa truyền hình trước năm 2018, tức là sớm hơn 2 năm so với dự định.

Chia sẻ tại Tọa đàm về xu hướng ICT năm 2016 chiều nay, 28/12, ông Hoan cũng cho biết, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên tại khu vực ASEAN tắt sóng analog và chuyển sang phát sóng số hoàn toàn. Ngay cả những nước như Singapore hay Malaysia cũng dự kiến tắt sóng trong năm 2015 - 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

{keywords}

 

Theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra sau Đà Nẵng, 4 Thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng sẽ tắt sóng mềm analog một số kênh chương trình không thiết yếu từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã có ý kiến kết luận về việc thay đổi thời gian tắt sóng, theo đó, sẽ có 7 kênh truyền hình analog tắt sóng tại 3 địa phương Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ từ ngày 1/3/2016. Đến giữa tháng 6 sẽ tiến hành tắt sóng analog toàn bộ các kênh chương trình tại 4 Thành phố.

"4 Thành phố lớn có dân số đông, cộng thêm 19 tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng nên phải chuyển đổi theo... Hoàn tất số hóa truyền hình ở đây là coi như đã đi gần hết chặng đường của Đề án số hóa truyền hình", Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải từng nhận định như vậy trong một phiên họp mới đây của Tiểu ban giúp việc cho Ban chỉ đạo Đề án số hóa.

Do đó, nếu như việc tắt sóng tại 4 Thành phố lớn suôn sẻ giống như Đà Nẵng thì việc tăng tốc để kết thúc sớm lộ trình số hóa truyền hình trước 2 năm so với kế hoạch ban đầu (năm 2020) là trong khả năng.

Số hóa truyền hình có ý nghĩa rất quan trọng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, thông tin chất lượng cao cho người dân khi họ xem được nhiều kênh chương trình hơn, nét hơn mà Đề án này còn giải phóng băng tần thấp (700-800 Mhz) đang sử dụng cho truyền hình analog, chuyển sang khai thác cho 4G.

Theo Cục Tần số, 19 tỉnh bị ảnh hưởng đến việc thu xem truyền hình khi 4 Thành phố lớn tắt sóng analog là Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An. Nhiều tỉnh sẽ bị ảnh hưởng toàn bộ địa bàn, nhưng cũng có tỉnh chỉ bị ảnh hưởng một phần. Trên lý thuyết, các tỉnh này đều thuộc nhóm tắt sóng analog trong giai đoạn 2 hoặc 3 của Đề án, tức là vào năm 2017 - 2018. Nếu họ chuyển đổi cùng thời điểm với 4 TP lớn thì tức là đã nhanh hơn so với lộ trình nửa năm đến 1 năm.

T.C