- Gần đây, việc phát hiện một số hộ nông dân dùng nhớt trên rau muống gây xôn xao dư luận, nhưng chúng ta cần phải hiểu đúng tác hại tiềm ẩn của nó, tránh đồn thổi quá đáng, gây hoang mang không đáng có.
Từ góc nhìn của tôi, tác hại của việc này là thấp hơn nhiều so với những gì đang được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, việc lo lắng về vấn đề này là không đáng, vì nó chỉ là góp một phần rất nhỏ trong dinh dưỡng hằng ngày. Làm sao để có một thực đơn đa dạng mới là điều cần quan tâm.
Dùng dầu nhớt chỉ để diệt rầy nâu
Điều này đã được nhiều báo làm rõ. Mục tiêu chính (và có lẽ là duy nhất) của việc dùng nhớt của một số hộ dân tại TP. HCM là để trừ rầy nâu.
Nhiều hộ dân tại TP. HCM tưới nhớt thải lên ruộng rau sau khi thu hoạch để diệt rầy nâu. |
Sau khi thu hoạch xong, rau muống non sẽ mọc lên lại, và là mục tiêu tấn công của rầy nâu. Để tiêu diệt chúng, một số hộ nông dân đã dùng nhớt để tưới lên ruộng rau non sau khi thu hoạch chứ không phải lên rau mới thu hoạch. Mục tiêu là nhờ nhớt dính lên bọ rầy mà chúng dễ bị rớt ra khỏi rau, và cuốn đi khi xả nhớt theo nước ruộng. Tóm lại, mục tiêu ban đầu là để diệt rầy nâu ở giai đoạn rau non mới mọc.
Đó là theo những gì được các cơ quan chức năng công bố. Do không trực tiếp tham gia điều tra, tôi không thể nói liệu các hộ này có sử dụng nhớt ở giai đoạn nào nữa hay không.
Theo các phân tích, nhớt mới chứa từ 70% đến trên 95% là sản phẩm chưng cất từ dầu thô. Ngoài ra còn có các thành phần phụ gia để phục vụ việc bôi trơn động cơ như chất tẩy rửa, chất chống oxy hóa, chất chống mài mòn, chất ức chế tạo bọt.
Sau khi sử dụng, các thành phần phụ gia bị biến tính và mất dần. Dầu gốc cũng bị biến tính đi. Trong đó, sản phẩm đáng quan tâm nhất là nhóm các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), vì nhiều trong số này đến nay vẫn bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm 1, nhóm các hợp chất gây ung thư cho người.
PAHs là nhóm sản phẩm hầu như không thể tránh khỏi khi đốt xăng dầu, và đã có rất nhiều báo cáo khoa học tìm thấy chúng trong khói xe. Hiển nhiên, vì dầu nhớt cũng chạy qua buồng đốt, chuyện PAHs lẫn vào trong nhớt thải là chuyện cũng không thể tránh khỏi.
Theo một báo cáo từ năm 1982, cho thấy nhóm này chiếm khoảng 70% tổng hàm lượng các chất gây ung thư trong dầu nhớt thải. Đây cũng là dấu hiệu để khuyến nghị cho các nhà chức trách tập trung vào nhóm chất này, nếu muốn kiểm tra khả năng gây ung thư của rau.
Một số tài liệu không chính thống thì cho rằng nhớt thải có thể gây ung thư da trên chuột, nhưng các nghiên cứu chính thống thì không cho thấy điều tương tự, mặc dù cả 2 bên đều đồng ý là hàm lượng PAHs trong dầu nhớt thải có tăng so với dầu nhớt mới.
Tóm lại, mặc dù có sự tăng về lượng chất gây ung thư, nhưng có vẻ hàm lượng vẫn chưa đủ để gây ra tác động đáng kể. Tuy nhiên, thiết nghĩ rất cần cơ quan chức năng quan tâm tới nhóm chất này khi kiểm tra chất lượng rau, để có đánh giá gần đúng hơn.
Ngoài ra, một số bụi kim loại do ma sát mà ra cũng có thể lẫn vào dầu nhớt thải. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2006 cho rằng hàm lượng của các kim loại nặng trong dầu nhớt thải là hầu như đều không vượt các tiêu chuẩn an toàn, trừ chì. Tất nhiên, đây chỉ là một nghiên cứu cụ thể ở ngước ngoài. Còn ở Việt Nam, theo công bố của cơ quan chức năng, mặc dù kim loại nặng được tìm thấy trong rau, nhưng hàm lượng đều “nằm trong ngưỡng cho phép”.
Tưới rau bằng dầu thải nguy hại ra sao?
Chiếu theo những thông tin trên, từ góc nhìn của tôi, có thể đưa ra các kết luận như sau về tác hại của việc tưới rau muống bằng dầu nhớt:
Thứ nhất, nếu nông dân chỉ sử dụng ở giai đoạn đầu của việc trồng rau, thì dư lượng của nhớt trên rau tới thời điểm thu hoạch có thể không còn đáng kể.
Thứ hai, nhà chức trách có thể nhắm vào các hợp chất PAHs để xem xét tồn dư trong rau, chứ không hẳn là không biết nhắm vào nhóm chất nào. Ngoài ra, nếu lượng tồn dư đủ lớn, người dân cũng dễ dàng nhận ra được bằng việc nhúng rau vào chậu nước sạch, và xem có váng dầu trên bề mặt chậu nước sau khi nhúng rau vào hay không.
Thứ ba, việc tồn dư kim loại nặng và asen khó có thể đổ lỗi cho nhớt thải, vì các chất này tan cực kỳ kém trong chất kém phân cực như nhớt. Nếu trong rau có tồn dư các chất này, nguồn nước để trồng rau mới là điều đáng quan tâm. Hơn nữa như đã nói ở trên, các kết quả phân tích cho thấy dư lượng là nằm trong tiêu chuẩn cho phép, không đủ để gây hại. Nói cách khác, tưới dầu nhớt thải không có vẻ là đóng góp đáng kể vào việc làm tăng dư lượng kim loại nặng, ít nhất là trong thời gian ngắn
Thứ tư, tác hại của việc ăn rau “nhiễm nhớt” này cần phải xem xét nhiều khía cạnh, không chỉ nói tới việc nhớt ngấm vào rau gây ung thư một cách thiếu căn cứ. Đến nay không có báo cáo nào nói là các chất độc trong nhớt thải không thể bị đào thải khỏi cơ thể, tuy nhiên, cũng chưa hề có báo cáo nào chỉ ra rằng dầu thải sẽ gây ra một loại các chứng bệnh nguy hiểm như một số phương tiện truyền thông đưa tin.
Thứ năm, đối với môi trường, tác hại của việc tưới nhớt là đáng xem xét. Trong thời gian ngắn, tác hại có thể chỉ dừng lại ở mức độ ô nhiễm đất mặt, làm thay đổi hệ vi sinh vật ở lớp đất này, cũng như ô nhiễm nguồn nước xung quanh. Về lâu dài, nhớt bị xả đi theo dòng nước có thể gây tác hại diện rộng và hậu quả rất khó lường về môi trường.
Tóm lại, từ góc nhìn của tôi, tác hại của việc sử dụng nhớt ở giai đoạn đầu của việc trồng rau muống này không quá nguy hại như các báo đang đồn thổi. Về hợp chất gây ung thư, xin hiến kế cho nhà chức trách nhắm vào các hợp chất PAHs để xem xét. Nhưng dù tác hại là về sức khỏe là ít hay nhiều, thì tác hại về mặt môi trường cũng như tác hại kinh tế lên các hộ trồng rau không theo phương pháp này là thấy rõ.
Còn đối với người dân, xin mọi người đừng quá lo lắng, vì bởi lẽ, chất mọi chất độc đều cần tích tụ trong cơ thể tới 1 ngưỡng nào đó mới có độc tố đáng kể. Việc lo ngại về chỉ 1 loại thực phẩm bị nhiễm độc (mà thực tế là cũng chưa đủ bằng chứng cho thấy nó bị nhiễm độc như trong trường hợp rau muống này), chỉ làm mọi người lo lắng thái quá, mà quên đi rằng trừ khi mọi người ăn nó hằng ngày, thì lượng độc tố tích tụ mới đáng kể.
Việc quan trọng hơn cần lo lắng bây giờ không phải là nên ăn gì, tránh gì, mà là làm sao để đa dạng hóa thực đơn hằng ngày, tránh ăn quá nhiều hoặc thường xuyên một loại thực phẩm nào. Đó là cách đơn giản để tránh bị tích tụ độc tố, thay vì chỉ ngồi than thở về các vấn đề an toàn thực phẩm.
Cao Luân
(NCS ngành Sinh học phân tử tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản)
TIN LIÊN QUAN