- Quy hoạch điện VII là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được ban hành năm 2011. Sau 5 năm vận hành, bản Quy hoạch đó đã tỏ ra không còn thích hợp trước những diễn biến của tình hình thực tế của đất nước và thế giới. Mặt khác, cũng chưa tính đến xu hướng chống phát thải khí nhà kính làm ấm nóng bầu khí quyển Trái Đất chúng ta.

Những điều trên càng đòi hỏi một sự điều chỉnh có hệ thống.

Các quan điểm lớn đối về sự điều chỉnh

Chinhphu.vn đưa tin, trước cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII, sáng ngày 19/1/2016, trong lời phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một số ý kiến liên quan đến lý do của sự điều chỉnh. Theo TT, trước “yêu cầu đặt ra cũng như trước những diễn biến của tình hình, việc rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung quy hoạch điện, than cho giai đoạn 2016-2020 và có tính đến năm 2030 là cần thiết, cấp bách”. Và TT bổ sung: “Việc cập nhật này nhằm đáp ứng cho các yêu cầu mới đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới 2016-2020 và tính đến năm 2030 để đảm bảo đủ nguồn điện, than cho đất nước, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

{keywords}
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: thesaigontimes.vn.

Thủ tướng đã nhấn mạnh một số điểm quan trọng. Về quy hoạch, chiến lược phát triển phát triển ngành điện, ngành than thời gian tới, TT nêu rõ mục tiêu điện, than phải đảm bảo được các yêu cầu cho tăng trưởng, phát triển đất nước với tầm nhìn cho hàng chục năm tới. 

Phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề về môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than; rà soát, tính toán kế hoạch … và không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí. 

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải; thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió...

Riêng về Điện Hạt nhân, “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương đã được Trung ương, Quốc hội thông qua về điện hạt nhân với yêu cầu chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, hiệu quả”.

Tại cuộc họp các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cũng đã tập trung tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những nội dung lớn trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VII về hiện trạng điện lực quốc gia, kiểm điểm đánh giá thực hiện Quy hoạch điện VII; cập nhật dự báo phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 có xét đến 2030 và dự báo nhu cầu tiêu thụ điện; cập nhật chương trình phát triển nguồn điện, chương trình phát triển lưới điện và cân đối nguồn năng lượng sơ cấp; cập nhật nhu cầu vốn đầu tư và đánh giá hiệu quả chương trình phát triển điện lực quốc gia;…

Một số nội dung điều chỉnh trong Quy hoạch Điện VII

{keywords}
Nhà máy điện gió trên biển Bạc Liêu. Ảnh: Đất Mũi Online

Theo thông tin trên “CôngThương” (Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương), Bộ này đã xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch trên quan điểm sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, đầu tư phát triển nguồn điện cân đối phù hợp giữa các miền.

Theo đó, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh là điện thương phẩm, điện sản xuất tăng trưởng lần lượt đạt được khoảng 10,4% - 10,1% trong mỗi năm vào giai đoạn 2016-2020 và 8% trong mỗi năm vào giai đoạn từ 2021 - 2030 phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% trong mỗi năm ở giai đoạn 2016 - 2030. Điều này cũng có nghĩa là điện thương phẩm năm 2020 đạt sản lượng điện 228 - 245 tỷ kWh, năm 2025 đạt 337 - 379 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt 456 - 506 tỷ kWh.

Về công suất lắp đặt, đến năm 2020 công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia đạt tới 60.500 MW, trong đó, nhiệt điện than chiếm 30,1%, thủy điện và thủy điện tích năng chiếm 30%, năng lượng tái tạo (NLTT) và thủy điện nhỏ chiếm 10%, nhiệt điện dầu - khí chiếm 14%, nhập khẩu chiếm 2%. Và đến năm 2025, công suất lắp đặt đạt 95.400 MW và vào năm 2030 đạt 129.500 MW.

Trong điều chỉnh Quy hoạch Điện VII còn lưu ý: Xây dựng lưới điện giai đoạn 2016-2020 phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho miền Nam và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại đạt yêu cầu tối thiểu (gọi la tiêu chí N-1). Trong Giai đoạn 2021-2030, phương thức truyền tải bằng dòng điện xoay chiều hoặc 1 chiều với cấu trúc mạch vòng kín đối với lưới điện 500kV. Còn lưới điện 220kV được xây dựng theo cấu trúc mạch vòng kép để vận hành linh hoạt.

Với sự điều chỉnh Quy hoạch Điện VII, vai trò khác nhau của các loại điện năng đã được nhấn mạnh (chẳng hạn giảm tỷ lệ nhiệt điện than và khẳng định điện hạt nhân). Theo đó, các chỉ tiêu thực hiện cho nhiều nhiệm vụ cũng được tăng giảm. Rõ ràng, sự điều chỉnh đó phần nào cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu nỗ lực giảm tốc độ phát thải khí độc hại nhà kính theo tinh thần của Nghị quyết COP21 vừa được thông qua ở Paris tháng 12 năm 2015.

Trần Minh