- Nước xả từ hồ chứa đập Cảnh Hồng về tới ĐBSCL sẽ phải đi qua chặng đường 2.560km và chỉ còn lại từ 27-54% lượng nước xả trong điều kiện lý tưởng.
Vào ngày 15/3, theo đề nghị của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố sẽ xả nước từ hồ chứa đập Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) với lưu lượng trung bình 2.000m3, gấp đôi lưu lượng các năm trước xuống khu vực hạ lưu.
Hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL. |
Theo thông tin từ Ủy ban sông Mekong Việt Nam, lượng nước được Trung Quốc xả từ Cảnh Hồng sẽ về tới Việt Nam sau khoảng 2-3 tuần và khi về tới đây, lượng nước còn lại sẽ còn khoảng 27-54% trong điều kiện lý tưởng.
Trước khi về tới ĐBSCL, dòng nước từ hồ chứa Cảnh Hồng của Trung Quốc sẽ phải đi qua một quãng đường khoảng 2.560km. Quan trọng hơn, nhiều quốc gia trong lưu vực sông Mekong như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang gặp tình trạng khô hạn nghiêm trọng tương tự như ĐBSCL, do vậy, lượng nước này có thể bị người dân các nước này lấy để cứu hạn.
Thực tế, tại tỉnh Nong Khai, sát sông Mekong, giáp ranh với Lào, Thái Lan đã lắp đặt nhiều trạm bơm nước để hút nước từ sông Mekong giải quyết tình trạng hạn hán cho thung lũng Huay Luang những ngày qua.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các dòng nhánh của sông Mekong, các vùng trũng tự nhiên, các vùng đất ướt đang trong tình trạng khô hạn... cũng sẽ lấy nước vào một cách tự nhiên khi nước được xả từ thượng nguồn.
Từ đó, nhiều chuyên gia nhận định, lượng nước về tới ĐBSCL sẽ không còn nhiều và không đủ để giải quyết tình trạng hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đây, do vậy không nên kỳ vọng quá nhiều vào điều này. Bên cạnh đó, trong tuyên bố của Trung Quốc không nói rõ nước này sẽ xả nước liên tục với lưu lượng xả đã công bố hay chỉ xả gián đoạn mà thôi.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng thừa nhận, lượng nước này không đủ để giải quyết tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang xảy ra tại ĐBSCL.
Video dưới đây sẽ giúp độc giả hình dung chặng đường mà lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng của Trung Quốc phải đi qua để về tới ĐBSCL:
Lê Văn
Đồ họa: Mai Thanh Dương