Năm 2016 này, giới vật lý học toàn cầu kỷ niệm 100 năm ra đời Thuyết Tương đối tổng quát của Einstein. Bài báo đầu tiên về học thuyết nổi tiếng của nhà vật lý lý thuyết lừng danh này được công bố chính thức trên tạp chí vào giữa tháng 3 năm 1916.

Và cũng mùa Xuân năm 2016 này vừa tròn 50 năm của một trong những cuộc hội thảo mang tầm quốc tế, cuộc “Gặp gỡ Moriond” ra đời. Một sinh hoạt học thuật với nội dung ban đầu về vật lý hạt cơ bản và về sau càng phong phú thêm, ngoài vật lý hạt cơ bản còn mở rộng ra vũ trụ học, vật lý thiên văn và cả khoa học vật liệu, sinh học…

{keywords}
Máy gia tốc ở Phòng Thí nghiệm Năng lượng cao thuộc Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân JINR (Dupna, Nga), nơi nhà khoa học Nguyễn Đinh Tứ phát minh "Phản hạt sigma âm". Ảnh: JINR.

Mục đích cuộc hội thảo này là tạo cơ hội cho các nhà vật lý thực nghiệm và lý thuyết gặp gỡ trao đổi học thuật và gắn bó với nhau, các nghiên cứu sinh và các nhà vật lý trẻ có cơ hội gặp gỡ và học hỏi các nhà khoa học lão thành hay những người đạt giải Nobel, trong không khí dân chủ, cởi mở.

Địa điểm lần đầu của “gặp gỡ” được chọn là làng Moriond trên dãy Alps, nơi đây buổi sáng và tối tập trung thảo luận học thuật, buổi chiều đi trượt tuyết. Địa điểm cũng có thay đổi nhưng vẫn quanh vùng trượt tuyết núi Alps. Các cuộc “Gặp gỡ Moriond” giờ đã trở thành nổi tiếng. Nhiều nhà vật lý khi xưa tham gia “Gặp gỡ Moriond” còn trẻ, giờ đã là những người nắm giữ giải Nobel.

Người sáng lập cuộc “Gặp gỡ Moriond”, vào đầu năm 1966, chính là nhà vật lý người Việt và sống tại Pháp - Giáo sư Trần Thanh Vân. Ông cùng phu nhân cũng là một nhà khoa học (Gs. Kim Ngọc) 50 năm qua sống gắn kết với công cuộc “Gặp gỡ” và kiên trì giữ ngọn lửa “Moriond” không bao giờ nguội lạnh so với những thời khắc đầu tiên.

Ông bà chăm lo từ cách tổ chức chương trình khoa học, hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ, hỗ trợ cho các nhà khoa học đến từ các nước nghèo và đang phát triển để họ có thể vượt đường xa đến dự gặp mặt bình đẳng với các đồng nghiệp Âu-Mỹ.

Những người đã dự các cuộc gặp Moriond còn nhớ đến những bữa ăn chung vui vẻ đầm ấm, ẩm thực đặc sắc rõ nhất của Pháp và pha cả hương vị Ý, Việt. Người dự cũng khó quên những buổi tập và thi trượt tuyết rất ấn tượng của những “vận động viên” có trình độ khác nhau hoàn toàn.

Năm nay 2016, “Gặp gỡ Moriond” đạt đến tuổi 50 diễn ra ở một độ chín rực rỡ. Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 12 - 26 tháng 3 năm 2016 với 3 phần nội dung lớn: i/ Vật lý hạt với Lý thuyết sắc động lực học lượng tử; ii/ Các phép đo chính xác trên hệ siêu gia tốc LHC ở Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu CERN và iii/ Vũ trụ học. Tổng cộng có gần 400 nhà khoa học trên toàn thế giới dự Gặp gỡ Moriond 2016.

{keywords}
Máy Gia tốc Hạt lớn (LHC) được lắp đặt nằm sâu dưới lòng đất ở Trung tâm Hạt nhân Châu Âu (Geneve, Thụy Sĩ). Ảnh: CERN

Chương trình có nhiều vấn đề thời sự tiên tiến nhất. Trước hết đó là buổi thuyết trình chi tiết, gồm: 1/ Sự kiện vừa công bố đầu năm nay về phát minh sóng hấp dẫn và các hố đen khớp với dự báo của lý thuyết Tương đối tổng quát Einstein. 2/ Sự kiện thứ hai là việc kính thiên văn Planck bắt đầu cung cấp các số liệu rất chi tiết sóng nền của vũ trụ, cho nhiều thông tin nóng được các nhà khoa học thông báo lần đầu tiên. Các báo cáo cũng tiếp tục củng cố thông tin hồi cuối năm ngoài về việc cả hai máy đo chính của CERN là ATLAS và CMS vốn từng đo được hạt Higgs năm 2012, nay lại cùng bắt đầu “thấy” một cộng hưởng khổng lồ tại vùng năng lượng cực cao, đặc trưng của cộng hưởng này khó có thể phù hợp với các tư duy chuẩn mực. Và, như vậy, nếu cuối năm nay nó được khẳng định thì sự kiện này chắc sẽ mở ra một cửa sổ hoàn toàn mới để nhìn vào vật lý hạt cơ bản thế kỷ 21. Người ta đã phải dùng một cách nói là “chúng ta đang sống trong một giai đoạn vàng son của những phát minh vật lý hạt cơ bản, vật lý vũ trụ” vô tiền khoáng hậu.

Từ trước đến nay số các nhà khoa học Việt Nam tham dự các cuộc “Gặp gỡ Moriond” chưa nhiều. Tuy nhiên, dịp kỷ niệm 50 năm Moriond lần nàycó một đại biểu đến từ Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam ở Hà Nội là TS. Võ Văn Thuận. Tại phiên họp Vũ trụ học, TS. Thuận đã trình bày bản báo cáo của mình về chủ đề “Dự báo sự phân kỳ các hạt lepton và khối lượng tuyệt đối của các neutrino trong mô hình vũ trụ vi mô”.

Qua trao đổi với TS. Thuận, người viết bài này được biết đây là một nghiên cứu “made in Vietnam”, trong đó tác giả vận dụng phương pháp luận của mô hình chuẩn vũ trụ Big-Bang vĩ mô vào vùng không gian - thời gian vi mô, trong đó độ cong thời gian vi mô tạo ra khối lượng của các hạt lepton có điện tích (như hạt electron) và độ cong không gian tạo ra khối lượng cực kỳ nhẹ của các hạt neutrino trung hòa điện tích.

Mô hình đã tính toán thành công tỉ số các khối lượng hai nhóm hạt trên và dự báo về giá trị khối lượng tuyệt đối của các hạt neutrino vốn rất cần biết cho các nghiên cứu vật chất tối trong vũ trụ. Trong mô hình này, phải đụng chạm đến một vấn đề rất khó, đó là liệu có hay không có mối liên hệ trực tiếp giữa phương trình cơ học lượng tử và thuyết tương đối tổng quát Einstein?

Câu trả lời là có, và cách giải quyết độc đáo của tác giả dựa vào biểu hiện của tính chất đối xứng giữa thời gian với không gian 3 chiều. Mô hình này hoàn toàn có thể kiểm định bằng cách nâng cao hơn nữa độ chính xác trong tương lai các thí nghiệm chuyển hoán của neutrino. Chúng ta biết là chính kiểu đo chuyển hoán này đã chứng minh là neutrino có khối lượng và nhờ vậy hai nhà khoa học Nhật bản và Canada năm ngoái đã đoạt được giải thưởng Nobel Vật lý. Bản báo cáo của nhà khoa học đến từ Hà Nội đã được chú ý ở “Gặp gỡ Moriond” năm nay.

Trong giới khoa học vật lý Việt Nam, về vật lý hạt cơ bản, từ nhiều năm trước, ngay cả trước khi ra đời “Gặp gỡ Moriond” đã xuất hiện nhiều nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm về vật lý hạt cơ bản, nổi bật nhật là các cộng tác viên khoa học làm việc ở Phòng Vật lý Năng lượng cao và Phòng Vật lý lý thuyết ở Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, nước Nga.

Và GS. Nguyễn Đinh Tứ là một ví dụ tiêu biểu. Ban Lãnh đạo Phòng Thí nghiệm Năng lượng cao (JINR) ở Viện Dubna (JOINT) chính thức đánh giá: “Nguyễn Đinh Tứ đã đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu quá trình sinh Hyperon nhiều bậc, phản hạt của Hyperon sigma âm". Với những thành quả trên, năm 1961, GS Nguyễn Đinh Tứ đã nhận được giải thưởng của Hội đồng Khoa học của Viện Liên hợp Nghiên cứu Nguyên tử Dupna. Chính phủ Liên Xô (cũ) năm 1968 đã cấp bằng phát minh cho công trình và nhóm tác giả quốc tế, trong đó nhấn mạnh "công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nguyễn Đinh Tứ". Cũng với thành tựu khoa học nổi tiếng đó, năm 2007 Chính phủ Việt Nam cũng đã truy tặng GS Nguyễn Đinh Tứ Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Người viết bài này hy vọng, rằng với sự học tập các nhà khoa học đi trước, hướng nghiên cứu các hạt cơ bản hay thế giới vi mô ở nước ta sẽ được vực dậy mạnh mẽ hơn và vẫn được tiếp tục trong tương lai không xa.

Trần Minh