Các chuyên gia cho rằng gang dẻo là vật liệu hiện đại và phổ biến nhất hiện nay để làm đường ống nước, song khuyến cáo Hà Nội nên cẩn trọng với các nhà thầu đến từ Trung Quốc.
Loại vật liệu phổ biến
Trao đổi với VietNamNet, TS. Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, gang dẻo (thuật ngữ chuyên môn gọi là gang cầu) bắt đầu được sử dụng làm đường ống nước thay thế cho gang xám từ cuối những năm 1950 khi công nghệ được nghiên cứu thành công.
Ống nước gang dẻo được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và các chuyên gia cho rằng không có nguy cơ nhiễm chì nếu sản xuất đảm bảo chất lượng. |
Với công nghệ mới, gang dẻo có độ bền cơ học cao hơn, chịu được lực nén, lực kéo, lực uốn tốt đồng thời chịu được ăn mòn và hầu như không độc hại tới sức khỏe con người. Chính vì thế, ngày nay, gang dẻo là vật liệu phổ biến nhất đối với những đường ống cấp nước kích thước lớn và trung bình, theo TS Phương.
Theo TS Phương thì hiện nay, Mỹ, châu Âu và nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới vẫn sử dụng đường ống bằng gang dẻo để cấp và thoát nước vì loại ống này có tốc độ ăn mòn thấp hơn nhiều so với ông thép nhưng độ bền gần như tương đương. "Theo Hiệp hội nghiên cứu ống gang dẻo của Mỹ (DIPRA), thì tuổi thọ của ống gang dẻo có thể đến trên 100 năm".
Từ đó, TS Phương cho rằng, việc lựa chọn gang dẻo để làm đường ống nước sông Đà là lựa chọn chính xác hiện nay. "Nếu đường ống số 1 mà cũng lựa chọn chất liệu gang dẻo thì có thể tình hình đã không lùng nhùng đến mức như hiện nay", TS Phương nói.
Trong khi đó, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng thừa nhận gang dẻo hiện nay rất tốt vì tính chất dẻo uốn của nó như là của thép. "Trong các loại gang thì gang dẻo hiện nay là tốt nhất rồi. Trước kia chỉ sử dụng gang xám sau này mới chuyển sang gang dẻo", ông Hưng nói.
Đối với một số ý kiến cho rằng sử dụng vật liệu gang dẻo làm ống cấp nước có nguy cơ nhiễm chì, ông Trần Quang Hưng cho rằng, việc dùng gang dẻo khó có khả năng nhiễm chì.
"Nước trong đường ống không tiếp xúc với gang mà tiếp xúc với lớp phủ bên trong thành ống nên khó có chuyện nhiễm chì do dùng ống gang dẻo được", ông Hưng khẳng định.
Phân tích sâu hơn về mặt kỹ thuật, TS Đoàn Đình Phương cũng cho rằng, đối với gang dẻo nguy cơ nhiễm các tạp chất khác là không cao. Bởi lẽ nếu sản xuất đúng thì gang dẻo là loại gang rất "sạch”.
Theo TS Phương, gang dẻo được sản xuất bằng phương pháp nấu luyện gang sao cho hàm lượng lưu huỳnh trong gang ở mức rất thấp (thường dưới 0,06%), sau đó gang được "cầu hóa" bằng Magie (Mg). Khi đông đặc, graphit trong gang dẻo có dạng hình cầu thay vì dạng hình phiến, tấm như ở gang xám nhờ đó, gang dẻo có cơ tính cao hơn nhiều so với gang thường.
"Nếu có hàm lượng nào đó cao lên hoặc lẫn tạp chất như chì, crom,… thì không thể cầu hóa được và sẽ không tạo ra được gang cầu. Điều này có thể kiểm tra được. Do đó rất ít khả năng có thể đưa các tạp chất khác vào đường ống nước bằng gang dẻo", TS Phương cho hay.
Cẩn trọng với nhà thầu Trung Quốc
Mặc dù khẳng định, gang dẻo là loại vật liệu hiện đại và phổ biến nhất hiện nay, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo Hà Nội nên "cẩn trọng" với các nhà thầu từ Trung Quốc.
"Các công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề nên việc xã hội lo lắng, bất an với thông tin một công ty Trung Quốc sẽ cung cấp ống gang cầu cho Dự án nước Sông Đà số 2 là hoàn toàn chính đáng", TS Phương nói.
Các chuyên gia khuyến cáo Hà Nội nên cẩn trọng với các nhà thầu đến từ Trung Quốc. |
Trong khi đó, ông Trần Quang Hưng cho rằng, chủ đầu tư nên cẩn trọng vì gang dẻo trong quá trình sản xuất phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nó về độ cầu hóa. "Phải kiểm soát chặt chẽ các khâu và kiểm tra được mẫu. Quan trọng nhất là kiểm tra được lớp phủ bên trong thành ống có đảm bảo chất lượng hay không", ông Hưng nói.
Ông Hưng cho rằng, để khẳng định ông cấp nước bằng gang dẻo có tốt và an toàn hay không thì quan trọng nhất chính là lớp phủ bên trong thành ống bằng xi măng có đảm bảo chất lượng hay không.
Giải thích thêm về kỹ thuật, TS Phương cho biết, có nhiều loại lớp phủ khác nhau cả bên trong lẫn bên ngoài thành ống để tăng độ bền của ống. Bên trong, nơi tiếp xúc với nước thường được phủ bằng lớp vữa xi măng hoặc lớp epoxy dày đến 5mm (đối với đường ống lớn có thể lên tới 8-9mm). Bên ngoài ống, thường được phủ một lớp phun kẽm và nhựa bi-tum dày vài chục đến vài trăm micromet.
TS Phương cho biết, nếu có nguy hại đến sức khỏe thì chính là từ lớp phủ bên trong thành ống. "Lớp phủ bên trong, nơi tiếp xúc với nước còn có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu lớp phủ không được làm bằng những loại vật liệu đảm bảo chất lượng", TS Phương cho hay.
Theo TS Phương, với loại ống gang kích thước lớn như loại ống sử dụng làm đường ống nước sông Đà (đường kính 1,8m, nặng khoảng hơn 7 tấn) thì theo phán đoán của ông, nhà thầu Trung Quốc mỗi “mẻ” chỉ sản xuất được 2 ống. Theo tính toán của TS Phương thì đường ống nước sông Đà số 2 có thể cần tới 2.600 ống gang như vậy. Do đó, để chắc chắn chất lượng đường ống được đảm bảo, cần phải kiểm tra chặt chẽ ngay từ khâu sản xuất.
"Vấn đề không phải là công nghệ gang dẻo có tốt hay an toàn hay không mà là vấn đề sản xuất có đảm bảo chất lượng hay không. Với những nhà cung cấp không uy tín thì chúng ta - những người mua phải kiểm soát chất lượng ngay trong quá trình sản xuất thì mới có thể yên tâm được", TS Phương khẳng định. TS Phương cũng cho biết, đơn vị của ông có đủ năng lực để kiểm tra chất lượng loại sản phẩm này ngay tại hiện trường.
Lê Văn