Có thể thấy được ảnh hưởng rõ rệt của màn hình cảm ứng khi nó được xem như là chuẩn mực trong thiết kế của hầu hết các smartphone ngày nay. Và có lẽ, sức ảnh hưởng này sẽ còn tiếp tục được lan tỏa sang những thiết bị khác, mà ở đó, màn hình cảm ứng sẽ là trung tâm của mọi tương tác giữa người dùng và thiết bị.
Cảm ứng: Tương lai của Windows 8
Đơn giản, dễ dùng và thuận tiện sẽ là những gì mà màn hình cảm ứng muốn hướng đến người dùng. Với các smartphone, máy tính bảng và cả hệ điều hành Windows 7, màn hình cảm ứng đã và đang chứng minh vai trò nổi bật của nó trong thế giới công nghệ ngày nay. Những công nghệ cảm ứng mới cùng sự xuất hiện của Windows 8 - hệ điều hành được thiết kế chuyên dụng cho các hoạt động cảm ứng - trong thời gian tới hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng mới của màn hình cảm ứng.
Công nghệ màn hình cảm ứng đã được Windows hỗ trợ trong nhiều năm qua nhưng cho đến khi phát hành hệ điều hành Windows 7 thì công nghệ cảm ứng trên Windows mới bắt đầu được nhiều người chú ý đến. Trên Windows 7, hệ thống cảm ứng đã được Microsoft đầu tư và hỗ trợ rất nhiều. Có thể kể đến một số dòng máy tính hỗ trợ cảm ứng trên hệ điều hành Windows 7 tốt nhất hiện nay như Acer các dòng One Z3, Lenovo IdeaCentre B320, EeeTop PC Et2010AGT của nhà sản xuất Asus hay VPCJ23S1E của Sony Vaio…
Microsoft đã dành rất nhiều thời gian cho con bài chiến lược Windows 8 của họ, và một trong những điều mà gã khổng lồ công nghệ này đã làm được chính là khả năng hỗ trợ cảm ứng đa chạm cho cả 5 ngón tay trên Windows 8. Với mục đích ban đầu chỉ là tạo nên hệ thống cảm ứng hỗ trợ xử lý đa điểm để có thể tương thích ngược với các ứng dụng giữa Windows 8 và người tiền nhiệm Windows 7, các nhà phát triển thậm chí còn vượt trên yêu cầu đó khi giúp cho hệ thống có thể nhận diện được tới 5 điểm chạm.
Trong tương lai, độ trễ của thời gian đáp ứng khi thực hiện thao tác cảm ứng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu mà các nhà khoa học muốn giải quyết. Trong thời điểm hiện tại, nếu như thử vẽ một đường kẻ bằng ngón tay trong ứng dụng Paint của Windows, sẽ có một độ trễ khoảng 0,1 giây, nghe có vẻ không đáng kể nhưng nếu nó được giảm xuống thấp hơn nữa thì chắc chắn trải nghiệm về màn hình cảm ứng sẽ được tăng lên một cách rõ rệt như trong video mà Microsoft đã giới thiệu (http://youtu.be/vOvQCPLkPt4).
Trong tương lai vài năm tới, theo dự báo của các chuyên gia, màn hình cảm ứng sẽ được giới thiệu đồng loạt. Với những gì đang diễn ra trong hiện tại, chúng ta có thể tin rằng những bước đột phá mới về màn hình cảm ứng sẽ có thể xảy ra.
Cảm ứng: tương lai của các nhà sản xuất
Samsung đã công bố sẽ sản xuất màn hình cảm ứng 46 inch. Trong khi Microsoft gần đây đã thử nghiệm một màn hình trong suốt và người dùng sẽ tương tác bằng các cử chỉ, điều khiển phía trước màn hình nhờ sự giúp đỡ của hệ thống cảm biến Kinect. Các công nghệ cảm ứng mới được công bố liên tục và một trong những số đó đã trong giai đoạn hoàn thiện. Công nghệ Haptic cho phép tái tạo lại cảm giác xúc giác khi chạm vào màn hình cảm ứng được cho là sẽ được ứng dụng vào iPad thế hệ kế tiếp. Bên cạnh đó là các công nghệ cảm ứng đã được đề cập phía trên bài viết như cảm ứng quang học hay cảm ứng xúc giác của Tactus.
Tất cả những điều này cho thấy màn hình cảm ứng có lẽ đang ở trong giai đoạn có nhiều biến chuyển nhất. Có lẽ những thao tác cảm ứng trên một màn hình trong suốt như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng mà chúng ta thường thấy sẽ không còn là điều gì đó quá xa lạ trong tương lai.
Theo Minh Thi - eChip