- Thời gian vừa qua, một số hãng bảo mật trên thế giới đưa ra các bản công bố nhận định về tình hình lây nhiễm mã độc. Có một điểm chung là các báo cáo này đều liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia bị lây nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại cao trên thế giới, cùng với một số nước đang phát triển khác ở Đông Nam Á như Myanmar, Indonesia….

{keywords}
Ảnh: CBS News.

Tuy nhiên, mỗi hãng lại đưa ra một phương thức thu thập dữ liệu và đánh giá khác nhau, không cùng chung một hệ quy chiếu. Số liệu để các hãng quốc tế nói trên xây dựng báo cáo được thu thập dữ liệu từ người sử dụng thiết bị, phần mềm của hãng (như hệ điều hành Windows, phần mềm diệt virus của hãng đó…) nên phụ thuộc vào tỉ lệ người sử dụng tại mỗi quốc gia, có thể không phản ánh được toàn bộ tình hình lây nhiễm của Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

{keywords}
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Phụ trách An ninh mạng Bkav.

Chia sẻ về việc Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm mã độc cao, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết “Việt Nam là một trong các nước hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông cũng như mức độ ứng dụng tốt so với các nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên hành vi, thói quen sử dụng như thiếu ý thức khi truy cập vào các website không tin cậy, cài đặt phần mềm tùy tiện… là những nguyên nhân quan trọng gia tăng mã độc lây nhiễm”.

Báo cáo An toàn thông tin Việt Nam 2015 do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông xuất bản đã chỉ ra rằng: 7 dòng phần mềm độc hại phổ biến nhất tại Việt Nam lại không nằm trong danh sách 10 dòng phần mềm độc hại phổ biến nhất trên thế giới. Đây là một đặc điểm riêng của Việt Nam, không giống với các quốc gia khác.

Nhiều chuyên gia an toàn thông tin Việt Nam cũng nhận định rằng việc áp dụng các giải pháp an toàn thông tin nước ngoài trong nhiều trường hợp sẽ không mang lại hiệu quả bằng giải pháp của chính các doanh nghiệp trong nước (am tường đặc điểm Việt Nam hơn, phản ứng nhanh hơn trong việc hỗ trợ, cập nhật dấu hiệu v.v…). Vì vậy, việc sử dụng các giải pháp trong nước trong tình huống này là hiệu quả.

{keywords}
Ông Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc CMC Infosec.

Đồng tình với các nhận định trên, ông Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc CMC Infosec cho rằng: “Các phần mềm trong nước cũng đã chứng minh được chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, ví dụ như các phần mềm của Bkav, CMC đã được dịch vụ quét virus trực tuyến phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là Virus Total tích hợp từ nhiều năm nay.”

Như vậy, tùy thuộc vào phương thức thu thập dữ liệu và cách đánh giá và mục tiêu hướng đến của mỗi đơn vị nghiên cứu an ninh mạng quốc tế, kết quả xếp hạng về lây nhiễm mã độc của Việt Nam cũng rất khác nhau, và thường chỉ mang tính tham khảo. 

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, về giải pháp lâu dài, cơ quan này đang xây dựng 02 Đề án theo Quyết định số 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, đó là “Đề án nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại, cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử theo hướng xã hội hóa” và “Đề án Hỗ trợ phát triển một số sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng nội địa”.

Mục tiêu của 2 đề án này là  “Đến năm 2020, nâng cao uy tín giao dịch điện tử của Việt Nam, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại và phát tán thư rác cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế”.

Nhật Hồng