- Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vừa công bố chỉ số An toàn thông tin Việt Nam 2016 - VNISA Index 2016. Theo đó, chỉ số trung bình của Việt Nam đạt 59,9%, lần đầu tiên vượt mức trung bình của thế giới trong 4 năm đánh giá vừa qua.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2016.

Ngày 2/12/2016, Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2016 đã được tổ chức tại Hà Nội. Ngày An toàn thông tin Việt Nam lần thứ 9 năm nay có chủ đề “Kỷ nguyên mới của an ninh mạng” do 4 đơn vị đồng tổ chức gồm Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, Cục CNTT - Bộ Quốc phòng và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT).

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Tình hình ATTT trên thế giới gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều thiết bị IoT phổ biến đã bị tấn công gây ra những hậu quả trên diện rộng. Đã xuất hiện nhiều cáo buộc giữa các quốc gia về tình trạng mất an toàn thông tin. Chưa có hiệp ước hay luật quốc tế nào về an toàn, an ninh mạng ra đời mà chỉ tồn tại một bộ quy tắc nhằm xác định những cách hành xử được chấp nhận trên không gian mạng. Bộ quy tắc này tuy có thể tạm xem là chuẩn mực nhưng vẫn còn mang tính chắp vá.

Đối với Việt Nam, theo Thứ trưởng Hưng, tình hình an toàn thông tin mạng Việt Nam cũng ngày càng có những diễn biến phức tạp với sự tăng mạnh về quy mô, số lượng, mức độ tinh vi và tính chuyên nghiệp trong các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy, hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng cơ bản đã được xây dựng và đang dần hoàn thiện. Sau khi Luật an toàn thông tin mạng được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn Luật. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng. Bên cạnh đó Bộ TT&TT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin mạng theo Quyết định số 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, tình hình ATTT được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng bùng nổ trên thế giới. Đây là xu thế tất yếu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực CNTT cần nhanh chóng chuyển mình, thích nghi và có những bước đi phù hợp để ứng phó được với tình hình hiện nay".

Chỉ số ATTT Việt Nam lần đầu tiên vượt mức trung bình

Tại hội thảo, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã công bố chỉ số An toàn thông tin Việt Nam 2016 - VNISA Index 2016. Theo đó, chỉ số trung bình của Việt Nam đạt 59,9%, lần đầu tiên vượt mức trung bình của thế giới trong 4 năm đánh giá vừa qua.

TS. Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành VNISA khẳng định, chỉ số ATTT của Việt Nam đang có xu hướng tăng vững bền với số đơn vị bị tấn công mạng đã ít hơn trước. Thực tế này thể hiện định hướng kiên định của Nhà nước và cộng đồng trong phát triển ATTT. Theo ông, sự tăng điểm đáng kể nói trên bắt nguồn từ ảnh hưởng tích cực của Luật ATTT mạng, các quy định pháp lý mới cũng như sự tăng cường bảo mật của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng nhằm phòng ngừa hậu quả của những sự cố tấn công trên mạng thời gian gần đây.

Đại diện VNISA lưu ý thêm rằng, dù đã tăng so với các năm trước, nhưng tốc độ phát triển chỉ số ATTT của chúng ta chưa nhanh, mới chỉ đạt mức trung bình sau 4 năm. Hơn thế nữa, đánh giá chưa tính đến một số mặt, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, công nghệ ATTT. Do vậy, để chỉ số ATTT tiếp tục tăng một cách thực chất, bền vững trong thời gian tới, chúng ta cần lấy thế trận toàn dân làm gốc trong chiến lược phòng thủ trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, chúng ta cần lấy con người làm nguồn lực chính, chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân ATTT cả về lượng và chất. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần trang bị các công cụ, vũ khí bảo vệ ATTT phù hợp với đặc thù của đất nước, chẳng hạn như các sản phẩm do chính các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và sản xuất.

Tuấn Anh