- Mạng xã hội (MXH) là môi trường rộng mở, giúp ai cũng có thể chia sẻ thông tin, quan điểm của mình. Tuy nhiên với môi trường không gian ảo và tài khoản ẩn danh, hiện tượng thông tin giả mạo (faked news) đang trở thành vấn nạn của các dịch vụ mạng như Google, Facebook, Twitter...

“Đóng dấu chính chủ” là một khái niệm được đưa ra bởi chính Facebook và một MXH khác là Twitter. Nó được thể hiện thành một dấu “tick xanh” bên phải tên tài khoản. Tuy vậy, Facebook có cơ chế đóng dấu chính chủ khá hạn chế đối với những trang Facebook, và việc xét duyệt “đóng dấu” này chỉ dành cho người nổi tiếng, ngôi sao, nhà báo, quan chức chính phủ, các thương hiệu lớn, với điều kiện là các chủ thể đó có tham gia Facebook.

Tuy nhiên, số tài khoản được “đóng dấu” chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng người tham gia khổng lồ trên Facebook. Trên môi trường “thế giới phẳng” này, rất khó phân biệt tài khoản nào là thật, ai là giả. Một ví dụ gần nhất, HLV trưởng đội tuyển U23 Việt Nam – ông Park Hang Seo đã bị nhiều tài khoản Facebook mạo danh để thu hút lượng người theo dõi.

{keywords}
Hàng chục tài khoản và fanpage mang tên và hình ảnh của HLV Park Hang Seo đều là giả

Theo như chia sẻ của ông Park, vị HLV này không biết sử dụng bất kỳ MXH nào từ Facebook đến Twitter. Nhưng nếu bạn tìm kiếm từ khoá "Park Hang Seo" trên công cụ tìm kiếm của Facebook, kết quả sẽ ra rất nhiều trang cá nhân và cả fanpage mang tên ông, với nhiều hình ảnh và cả phát biểu của ông như một tài khoản chính chủ. Điều đáng nói là các tài khoản mạo danh này có hàng chục ngàn hoặc thậm chí hàng trăm ngàn người hâm mộ và theo dõi thông tin.


Ẩn họa từ tài khoản Facebook mạo danh

Hồi đầu năm, khi đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu thành công tại giải U23 Châu Á, hàng loạt tài khoản có tên thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng xuất hiện (thực tế có một tài khoản là thật), tuy nhiên không ai rõ đâu là tài khoản chính chủ. Nhiều fan hâm mộ vì quá yêu thích nên đã like hay follow (theo dõi) tất cả, mà không biết rất nhiều trong số đó là tài khoản giả mạo và người dùng có thể gặp nhiều rắc rối không thể lường trước.

Rắc rối có thể xảy đến là gì? Có thể nhiều người nghĩ đơn giản là tài khoản của mình có gì đâu mà sợ rắc rối, và đây là không gian ảo mà? Tuy nhiên việc like, follow nhiều tài khoản cá nhân hay fanpage ảo chỉ có hại chứ hoàn toàn không có lợi. Thứ nhất, đó không phải là phát ngôn chính chủ mà chỉ là thông tin “sáng tạo” nhằm mục đích nào đó từ chủ tài khoản giả mạo. Tất nhiên, những thông tin dạng faked news này sẽ được “chế biến” để dễ dàng làm bạn tin tưởng.

Tệ hơn, với những tài khoản giả mạo có lượng follow, like lớn, thông tin giả có thể sẽ xuất hiện dày đặc trên “tường nhà” (Timeline) của bạn với đủ mọi dạng như quảng cáo sản phẩm, các video, hình ảnh, thông tin phản cảm, hay thậm chí là kêu gọi mọi người chuyển khoản để giúp đỡ, làm từ thiện... Rất nhiều người cả tin đã bị lừa bởi những chiếc “bẫy” này.

{keywords}

 

Doanh nghiệp cũng trở thành nạn nhân của các thông tin giả mạo trên MXH. Từ việc một tài khoản Facebook cá nhân cũng có thể tạo một trang fanpage khá đơn giản, nên các doanh nghiệp cũng là đích nhắm của nhiều đối tượng xấu. Đôi khi chỉ vì không thích một thương hiệu nào đó, nhiều cá nhân đã lập các trang doanh nghiệp ảo và đưa lên những nội dung có thể ảnh hưởng chính doanh nghiệp đó.

Lấy ví dụ, bạn đang muốn mua đồ từ một nhãn hàng nào đó và muốn tìm hiểu trên Facebook xem mọi người đánh giá thế nào, nếu bạn vào một trang toàn những lời nói xấu về nhãn hàng đó, hầu như bạn sẽ không chọn nhãn hàng đó nữa để tránh rủi ro. Trong trường hợp này, lời chê bao giờ cũng dễ được tin hơn lời khen. Dĩ nhiên cũng có trường hợp thông tin đánh giá là thật, nhưng bạn không có cơ sở nào đủ tin cậy để xác minh cả.

Các quốc gia tăng cường chế tài quản lý MXH

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu quản lý MXH bằng việc ban hành các đạo luật. Chẳng hạn ngày 7/3 vừa qua, Pháp đã giới thiệu nội dung dự luật về siết chặt kiểm soát thông tin trên MXH, nhằm hạn chế tối đa tin tức giả mạo và những tin đồn thất thiệt. Trước đó, vào năm 2017, Ðức cũng đã thông qua luật xóa bỏ các phát ngôn thù hận trên MXH. Tại châu Á, Indonesia và Philippines cũng đã ban hành đạo luật trừng phạt tội tung tin giả mạo.

Mới đây tại Malaysia, bản dự thảo về một đạo luật chống giả mạo thông tin đã được đưa ra. Đạo luật này nghiêm cấm việc tung ra các thông tin giả mạo, sai lệch toàn bộ hoặc một phần dù dưới bất kỳ hình thức nào, thậm chí cả ở dạng gợi ý về tư tưởng.

Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, có thể thấy rõ việc quản lý tính xác thực của các thông tin trên MXH thực sự là việc làm rất cần thiết, giúp người dùng phân biệt được đâu là những tài khoản tương tác thật, đâu là tài khoản giả. Chính phủ các quốc gia trên thế giới đang tìm kiếm những giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Ngoài các giải pháp chống tin tức giả mạo (thông qua hệ thống luật hay biện pháp kỹ thuật), các nhà cung cấp dịch vụ MXH cũng cần mở rộng tính năng xác thực danh tính nhằm chống nạn tài khoản ảo hiện nay. Với những mặt trái ngày một nhiều hơn trên MXH, các quốc gia trên thế giới cũng sẽ mạnh tay hơn trong việc quản lý, đưa ra các dự luật cần thiết để bảo đảm an toàn trên không gian mạng.

An Nhiên

Việt Nam cần thêm chế tài để quản lý Google, Facebook

Việt Nam cần thêm chế tài để quản lý Google, Facebook

Kinh nghiệm cùng mô hình quản lý của các nước Châu Âu, Trung Quốc hay Malaysia là những ví dụ đáng tham khảo để những nước có đông đảo người dùng Internet như Việt Nam thắt chặt quản lý các loại hình mạng xã hội.