"Có nên nói không với Pokemon Go?" là chủ đề trao đổi của chương trình Góc nhìn thẳng được phát trực tiếp lúc 9h15 ngày 17/8 với Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do và chuyên gia phát triển game Nguyễn Bá Thành.

Sau 10 ngày chính thức có mặt tại Việt Nam, trò chơi điện tử (game) Pokemon Go đã gây sốt trong cộng đồng. Để phân tích những mặt lợi-hại và đưa ra góc nhìn về giải pháp quản lý game này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet sẽ tổ chức cuộc trao đổi, giao lưu trực tuyến vào 9h ngày 17/8 với hai vị khách mời.

Chương trình đồng thời sẽ phát trực tiếp qua trang fanpage VietNamNet trên mạng xã hội facebook.


Vị khách mời thứ nhất là ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông.

Vị khách mời thứ hai là ông Nguyễn Bá Thành, chuyên gia phát triển game, nguyên giám đốc điều hành cả công ty WePlay- đơn vị chủ quản của game "Bắt chữ" siêu hot năm 2014-2015.

{keywords}
Từ trái sang phải, nhà báo Phạm Huyền, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT, Bộ TT&TT và ông Nguyễn Bá Thành, chuyên gia phát triển game, nguyên CEO công ty WePlay. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngay từ bây giờ, mời bạn đọc có thể gửi câu hỏi về cho các khách mời của chương trình qua email: gocnhinthang@vietnamnet.vn, hoặc gửi câu hỏi qua hệ thống gửi phản hồi cuối bài viết này.

Pokemon Go được công ty Niantic thử nghiệm từ rất lâu nhưng phải đến 6/8/2016, game thủ Việt mới chính thức chơi được. Không khó để thấy 10 ngày qua, những đám đông thuộc nhiều độ tuổi, tay cầm điện thoại tụ tập từ sáng đến tối ở các khu vực như Hồ Gươm, Quốc Tử Giám hay Kim Mã… để chơi game. Tại sao Pokemon Go chiến thuật thì đơn giản, đồ họa thì bình thường lại trở thành một cơn sốt khó cưỡng đến vậy?

Tâm lý hoài cổ về một trò chơi có nguồn gốc từ Nhật Bản gắn bó với thế hệ 8x và 9x có lẽ chiếm một phần nhưng quan trọng nhất là khả năng tương tác ảo của tựa game này.

Nhiều câu hỏi đơn giản mà phóng viên của chúng tôi đã đặt ra cho các bạn trẻ như "Pokemon Go có gì mà hút bạn mê mải thế? Chơi Pokemon Go, bạn không sợ lộ mật thông tin cá nhân sap? Cắm mặt đi ngoài đường cầm điện thoại để... bắt Pokemon, bạn có sợ bị xe đâm hoặc bị giật mấy điện thoại? Rủi ro nhiều, bạn tiếp tục chơi Pokemon Go chứ?"

Trong khi đó, những game thủ chuyên nghiệp và nổi tiếng như Hoàng Văn Khoa (Khoa Pew), game thủ DOTA 2 lại không mặn mà với trò chơi này.

Theo dõi đoạn clip ghi nhận ý kiến về Pokemon Go:

Mời độc giả tham gia và theo dõi nội dung giao lưu trực tuyến:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa anh Lê Quang Tự Do, anh nghĩ thế nào về các chia sẻ vừa qua của những bạn trẻ chơi Pokemon Go?

Ông Lê Quang Tự Do: Theo tôi, vấn đề gì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Trò chơi Pokemon Go cũng như thế. Qua ý kiến của một số bạn đọc và các bạn trẻ chơi game, chúng ta cũng thấy rõ điều này. Tuy nhiên, ở đây nổi lên một vấn đề rất đáng chú ý: Các bạn trẻ đều nhìn thấy các nguy cơ tiềm ẩn khi chơi trò chơi này, nhưng vì tính hấp dẫn, độ thú vị, mới lạ của nó quá lớn nên họ chấp nhận bỏ qua những rủi ro, nguy cơ đó để tiếp tục chơi. Điều này chính là vấn đề đặt ra với các nhà quản lý.


{keywords}
Hai khách mời tại buổi Giao lưu trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Phạm Huyền: Ý kiến của anh Nguyễn Bá Thành, với tư cách của nhà sáng tạo các game, anh có ý kiến gì trước chia sẻ của các bạn trẻ?

Ông Nguyễn Bá Thành: Chúng ta không thể phủ nhận sức hấp dẫn của trò chơi Pokemon Go. Khi vào Việt Nam, nó ngay lập tức tạo ra một trend (xu hướng), làn sóng hấp dẫn cho tất cả các đối tượng. 

Ở góc độ những người làm game, chúng tôi phân tích và nhìn nhận sức hấp dẫn của Pokemon Go đến từ 4 nguyên nhân: Thứ nhất, đối với một số người chơi, nó đem lại cảm giác trở về tuổi thơ.

Vì Pokemon xuất hiện trên thế giới từ cách đây khoảng 20 năm, nên ở những người đã biết đến Pokemon, chơi game này sẽ giúp họ hồi tưởng những cảm xúc từ ngày xưa. Thứ hai, sức hút đến từ yếu tố tâm lý chinh phục, một yếu tố chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều khi tạo ra trò chơi.

Thứ ba là về yếu tố sở hữu vật phẩm. Thứ tư, sức hấp dẫn đến từ sự tương tác, tính cộng đồng và thực tế ảo. Chúng ta được vận động, và đây là một trong những trò chơi đầu tiên cho phép người dùng di chuyển. Nó khác biệt các trò chơi trước đây, trong đó người chơi chỉ ngồi yên tại chỗ hoặc ở quanh quẩn một diện tích rất hẹp.

Trò chơi này, khi tạo ra xu hướng, nó cũng đồng thời gây những ý kiến trái chiều khác nhau, tích cực có, tiêu cực có. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu đúng đắn về game này và có các biện pháp giải quyết những vấn đề cụ thể sẽ tốt hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Anh Thành từng là thành viên nhóm sáng tạo một game rất nổi tiếng. Dưới góc độ vừa là nhà lập trình nghiên cứu game, vừa là nhà kinh doanh, anh nghĩ thế nào về ảnh hưởng tích cực của trò chơi Pokemon Go đối với con người và rộng hơn là lĩnh vực kinh tế?

Ông Nguyễn Bá ThànhTheo tôi, nếu nhìn ở góc độ người chơi, các yếu tố có lợi sẽ nhiều hơn các yếu tố có hại. Người chơi sẽ được vận động nhiều hơn. Vì bản chất người chơi VN rất lười vận động, có trò chơi này, họ sẽ tham gia và vận động nhiều hơn.

Điều đó rất tốt, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều có hại là nó sẽ tạo ra sự sao nhãng cho người chơi, sao nhãng trong công việc, sao nhãng trong di chuyển trên giao lộ và sao nhãng trong nhiều thứ khác; dễ bị lợi dụng vì họ quá hút vào trò chơi đó.

Ở góc độ kinh tế, chúng tôi nhìn nhận đây là cơ hội. Các nhà phát triển game có 2 cách để khai thác trò chơi này. Một là tạo ra các sản phẩm ăn theo. Hiện nay họ đã làm rồi, tạo ra các game phục vụ, xung quanh trò chơi này, hút được nhiều traffic và convert (biến) chúng thành tiền, một yếu tố trong ngành phát triển game apps (ứng dụng). Hai là họ có thể dựa vào idea (ý tưởng) này, tạo ra các game tương tự như thế để phục vụ mục đích giáo dục hoặc phát triển game.

Ngoài ra, các cửa hàng và các lĩnh vực khác hoàn toàn có thể tận dụng xu thế này để PR, quảng cáo cho sản phẩm của họ. Đó là những thứ có lợi.

Ở đâu đó có thể còn góc nhìn khác dưới góc độ quản lý nhà nước hoặc quản lý về doanh nghiệp, đòi hỏi các biện pháp khắc phục để tránh lãng phí thời gian và lãng phí tài nguyên con người.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa anh Lê Quang Tự Do, sau khi trò chơi Pokemon Go bắt đầu nở rộ ở VN, đã có rất nhiều clip hài, clip chế nói về sự sao nhãng như anh Thành vừa nói. Thậm chí trong giờ làm việc, các chuyên viên hay các nhân viên văn phòng rất mải mê chạy khắp nơi bắt Pokemon. Là một lãnh đạo, anh nghĩ sao nếu các nhân viên, công chức của mình tham gia và mải mê với trò chơi này. Từ góc độ quản lý, theo anh, chúng ta nên nhìn nhận mặt tích cực và tiêu cực của trò chơi này như thế nào?

Ông Lê Quang Tự Do: Không chỉ có công chức, viên chức ở trong các cơ quan nhà nước mà nhân viên ở tất cả các công ty, đơn vị, trong giờ làm việc, nếu chúng ta sao nhãng dưới bất cứ hình thức nào, cả chơi game và làm các việc riêng, đều bị phê phán. Liên quan đến Pokemon Go, đúng là trò chơi có những mặt tích cực thật như anh Thành vừa chia sẻ. Nhưng bên cạnh đó còn có các mặt tiêu cực, thậm chí tác động xấu đến xã hội mà trong một tháng vừa qua, khi trò chơi này tung ra trên toàn thế giới, các nước đã gặp phải.
{keywords}

Ông Lê Quang Tự Do tại buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Tôi xin nhấn mạnh là, Pokemon Go được cung cấp từ nước ngoài, máy chủ cũng đặt ở nước khác, nhà phát hành, nhà sản xuất đều ở nước khác và họ cung cấp xuyên biên giới vào VN. Vì vậy, trò chơi này không được cấp phép hoạt động ở VN.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh, khi một trò chơi được cấp phép hoạt động, nó sẽ được pháp luật VN bảo vệ người chơi. Bộ TT&TT là cơ quan thẩm định và duyệt các trò chơi online. Chúng tôi đều yêu cầu các nhà phát hành game, các nhà sản xuất game phải có các giải pháp rất chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người chơi. Song, do trò chơi này chưa được cấp phép, tức là chưa được thẩm định và chưa được pháp luật bảo vệ nên người chơi sẽ gặp nhiều rủi ro.

Trong trường hợp tài khoản có level cao bị hack, các bạn rất khó để lấy lại được tài khoản. Hoặc khi trao đổi, nếu vật phẩm bị mất, chưa chắc các bạn được nhà sản xuất bồi hoàn. Tuy nhiên, quan trọng hơn, như một độc giả chia sẻ, người chơi có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân.

Chúng tôi nghiên cứu và thấy, game này cũng phải sử dụng các thanh toán điện tử, dùng thẻ tín dụng cá nhân để mua vật phẩm ảo, các sản phẩm ăn theo của những ứng dụng khác, nên cũng có nguy cơ lộ thông tin cá nhân, đặc biệt liên quan đến tài chính, rất cao. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều trang web, nhiều app giả mạo trò chơi này như thật, rải các mã độc, các đường link ẩn ăn cắp thông tin. Nguy cơ đó có thật, hiện hữu và rất nguy hiểm.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi muốn hỏi anh Nguyễn Bá Thành. Khi chúng ta tải một ứng dụng, ứng dụng đó đòi hỏi rất nhiều yêu cầu, chẳng hạn như truy cập vào dữ liệu.

Theo nghiên cứu của anh, có hay không các yêu cầu bất hợp lý, không hữu ích cho việc vận hành game đó, nhưng nhà phát triển game vẫn buộc người chơi phải chấp nhận. Nói một cách khác, nhà phát hành game gần như ở thế chủ động, con người chơi ở thế bị động?

Ông Nguyễn Bá Thành: Quyền cấp cho một ứng dụng truy cập vào các tài nguyên, chẳng hạn như trên Internet hoặc các tài nguyên trong máy của người dùng, là có. Tuy nhiên, các đòi hỏi đó đều rất hợp lý trong game này. Đơn vị phát hành ra game này đã tìm ra những lí do cực kỳ hợp lí để biện minh cho những quyền như vậy. Ở góc độ người dùng, chúng ta không biết họ dùng quyền đó để làm gì, vào việc tốt hay việc xấu.

{keywords}

Ông Nguyễn Bá Thành tại buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Phạm Huyền: Theo anh, liệu những người đang chơi và tải ứng dụng Pokemon Go có thể bị lộ các thông tin, bí mật riêng tư, ví dụ như ảnh cá nhân, thư từ hay các trao đổi riêng tư không?

Ông Lê Quang Tự Do: Hiện tại, tôi nghĩ vấn đề đó không cần quá lo lắng. Lí do vì, trên các hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới như Android hay iOS, họ đã hoàn toàn bảo vệ cho người dùng trước những can thiệp từ ứng dụng bên thứ ba vào các thông tin nhạy cảm như vậy. Trừ khi người dùng bị lừa, thiếu cảnh giác và vì lí do gì đó tự nguyện đưa các thông tin như vậy cho nhà phát hành, bên phát hành có thể thu thập những thông tin nhạy cảm này.

Nhà báo Phạm Huyền: Một thông tin gần đây là, trò chơi này có thể làm đảo lộn bản đồ của chúng ta, thậm chí là người chơi có thể di chuyển công viên Nghĩa đô có nhiều con quái về gần nhà mình. Xin các anh cho biết, với tình trạng này, chúng ta có thể xử lý được hay không?

Ông Lê Quang Tự Do: Thực ra, bản đồ đó do một nhóm xây dựng nên và dưới sự giám sát của công ty chủ quản - Google. Tất nhiên, cảnh báo rất quan trọng và hiện tượng đã xảy ra rồi. Việc giám sát của chúng ta ở đây tương đối là khó, vì chúng ta không phải chủ quản Google Maps. Ứng dụng do Google chủ quản. Song, một việc chúng ta cần phải làm là tuyên truyền để nâng cao ý thức của người chơi ở VN, thứ nhất là làm sao việc chơi game không ảnh hưởng tới người khác và không ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng.

Ví dụ như, nếu bây giờ bản đồ bị sai, việc người khác truy cập vào bản đồ tìm vị trí sẽ không còn ý nghĩa nữa. Thứ hai là tuyên truyền ý thức rằng, người VN phải là người có văn hóa. Khi chúng ta tham gia vào một cộng đồng mạng, chúng ta cần thể hiện ứng xử có văn hóa. Dưới góc độ nhà quản lý, chúng tôi tập trung vào những điều đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa quý vị và các bạn, chương trình trực tuyến của chúng tôi cũng đồng thời phát trực tiếp trên trang Fanpage của Vietnamnet và nhận được nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến hai vị khách mời.

Một bạn đọc tên là Phan Công gửi câu hỏi như sau. "Thưa các vị khách mời, những ngày qua, tôi theo dõi trên báo đài, trực tiếp chứng kiến cơn sốt Pokemon Go tại VN và nhận thấy sự ảnh hưởng của game này thật khủng khiếp.

Ở mọi lúc mọi nơi, tôi đều bắt gặp những cặp mắt chăm chú vào màn hình điện thoại, bất chấp xung quanh đang diễn ra như thế nào. Cá nhân tôi thực sự rất lo lắng cho những người chơi game này vì các nguy hiểm luôn rình rập họ như bị cướp điện thoại, gặp tai nạn giao thông, lãng phí thời gian, làm ảnh hưởng tới công việc, học tập, sức khỏe. Mặt khác, tôi thấy rằng, việc các camera soi từng ngóc ngách ở VN có thể tiềm ẩn nguy cơ rất cao về an ninh quốc gia nếu những hình ảnh đó bị dùng cho các mưu đồ xấu xa ở nước ngoài.

Với những lo ngại đó, tôi rất muốn biết các cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào đối với trò chơi đang gây sốt này tại VN?". Với câu hỏi này, tôi rất muốn anh Lê Quang Tự Do trả lời giúp.

Ông Lê Quang Tự Do: Ở một số nước họ đã có biện pháp cấm trò chơi này, cấm triệt để hoặc từng phần. Ví dụ như Iran cấm triệt để. Nga và TQ yêu cầu các nhà sản xuất và phát hành loại bỏ các khu vực cấm, các khu vực ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng ra khỏi bản đồ game, nếu không họ sẽ cấm. Một số nước khác lại có các cảnh báo cho người chơi.

Ở VN, game mới xuất hiện được khoảng 10 ngày, tất cả các hiện tượng, nguy cơ từ các nước mới bắt đầu chúng ta manh nha xuất hiện ở VN. Chúng tôi đã có nghiên cứu. Trong thời gian trước mắt chọn phương án đưa ra các khuyến cáo cho người chơi, đồng thời tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thông tin trên mạng để trò chơi này không gây ảnh hưởng xấu. Chúng tôi cũng đã liên hệ với nhà sản xuất và nhà phát hành game để yêu cầu họ tuân thủ pháp luật VN nếu như cung cấp trò chơi này tại VN. Trong trường hợp, phía nhà sản xuất và nhà phát hành game không đồng ý, chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp bảo vệ người chơi trong nước, bảo vệ môi trường Internet của Việt Nam sao cho lành mạnh và đúng pháp luật.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, có một vấn đề băn khoăn ở đây là camera trên màn hình smartphone trong game này có thể soi chiếu nhiều nơi, kể cả những vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng, bí mật mà chủ sở hữu các địa điểm đó không muốn lọt vào khuôn hình. Vậy, nhà quản lý có thể làm thế nào để tránh được việc này?

Ông Lê Quang Tự Do: Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là những nơi cơ mật, trọng yếu đều có yêu cầu cấm không được hoạt động trong những vùng đó, chứ không riêng gì với trò chơi Pokemon Go.

Đó là những quy định từ xưa đến nay, cấm quay phim chụp ảnh, cấm những người không có phận sự không được đi vào. Trò chơi này cũng phải tuân thủ các điều đó và họ chú ý hơn một chút là cảnh báo cho những người có ý định đi vào bắt Pokemon phải lập tức dừng lại. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề như chị nói là, trong các cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước mà người dân vẫn có thể đi vào thường xuyên, sắp tới chúng tôi sẽ có những quy định cấm không cho chơi game ở những trụ sở, cơ quan này. Đặc biệt, cán bộ công chức không được chơi trong giờ làm việc, dù là trò chơi gì.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa quý vị và các bạn, chương trình của chúng tôi cũng vừa nhận được thêm câu hỏi của bạn Lê Giang Anh như sau: "Pokemon Go đang thu hút giới trẻ nhưng lại gây phiền phức cho người lớn vì kiểu tụ tập không kể giờ giấc, gây cản trở giao thông. Vậy có biện pháp xử lý gì không?"

Câu hỏi này tôi muốn hỏi anh Nguyễn Bá Thành và muốn bổ sung thêm, như các bạn trẻ trong clip của chúng tôi ghi nhận, khi tải ứng dụng đều có các khuyến cáo về vấn đề an toàn. Nhưng trên thực tế, với tư cách một nhà phát hành, anh có nghĩ các khuyến cáo đó thực sự phát huy tác dụng hay chỉ là hình thức thôi?


{keywords}

Ông Nguyễn Bá Thành. Ảnh: Lê Anh Dũng

- Ông Nguyễn Bá Thành: Theo tôi, các khuyến cáo đó hoàn toàn không có tác dụng gì cả. Người ta sẽ không vì lí do lộ thông tin nhạy cảm hay chia sẻ bí mật trong máy người dùng để quên trò chơi hấp dẫn, một trào lưu thời thượng như vậy. Hoặc người ta sẽ không nghĩ đến an ninh quốc phòng của VN mà không tải game này. Lí do vì, họ rất khó cưỡng sức hút của game như thế này.

Tuy nhiên, ở góc độ người dùng, người chơi, chúng ta phải tìm cách để game đó không ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình, của những người xung quanh. Nếu để chơi game ảnh hưởng sẽ không tốt. Tôi cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng về game này dù nó có các mặt tiêu cực. Do từng phát hành các game rất hot, chúng tôi nhận thấy, game có vòng đời.

Ở các game dạng thông thường ở VN, tuổi thọ của chúng chỉ tồn tại từ 3 - 6 tháng. Game này có thể hơn, tới 9 hay 1 năm. Song, sau đó, game sẽ chìm dần. Hơn nữa, người Việt dù rất ham vui nhưng lại rất nhanh chán, nên sẽ không một cuộc vui nào kéo dài được. Do đó, theo tôi, chúng ta không cần phải có các biện pháp quá cứng rắn.

Ông Lê Quang Tự Do: Tôi xin nói thêm ý của anh Thành. Cách đây 1 – 2 ngày, chúng tôi đã theo dõi, tổng hợp tình hình và nhận thấy, bắt đầu có các diễn đàn nói họ chán game này rồi. Bởi vì theo quá trình theo dõi từ xưa tới nay của nghiên cứu của Bộ TTTT và đặc biệt là Cục PPTH&TTĐT về mảng game online, thị hiếu của người chơi ở VN thực sự không trùng với game này.

Họ rất thích những gì có tính tương tác với nhau, một chút kiếm hiệp, hành tẩu giang hồ hơn là đi bắt một con thú ảo. Do đó, khi game này đưa vào VN, với độ nóng đặc biệt từ truyền thông, báo chí tuyên truyền quá mạnh, nhiều khi là tuyên truyền không công cho game này, gây ra cảm nghĩ phải chơi game này mới là sành điệu, thời thượng, bắt kịp trào lưu thế giới.

Nhưng, đến khơi chơi rồi, đúng như anh Thành nói, ngoài vòng đời, game có nhiều đặc điểm không thích hợp với người chơi VN, nhất là về chuyện vận động. Các bạn có thể thấy, rất nhiều bạn trẻ chơi game này dùng xe máy, taxi đi bắt Pokemon, không đúng với tinh thần của game. Do đó, họ sẽ rất mau chán

Nhà báo Phạm Huyền: Bản thân tôi cũng thấy một số người ở xung quanh tải game này với lí do chơi cho biết, để tránh việc mình bị coi là tụt hậu. Vậy, thưa anh Thành, tôi muốn hỏi, nhà phát hành Pokemon Go sẽ thu được lợi lộc gì từ thị trường VN?

Ông Nguyễn Bá Thành: Trực tiếp nhất có thể thấy là, họ có thể biến đổi traffic (lượng người dùng) quy tụ trong game này sang một hệ sinh thái game app nào đó. Về sau, khi tung ra sản phẩm nào, nhà phát hành có thể nắn luồng traffic đó vào và tiếp tục khai thác người dùng. Cách khai thác thứ hai là, người chơi nạp tiền vào mua vật phẩm trong game, giúp họ có thu về mặt tài chính. Như vậy, có 2 cái lợi rõ ràng nhất với nhà phát hành game là lượng traffic và tiền bạc.

Nhà báo Phạm Huyền: Anh có thể ước chừng họ có doanh thu khổng lồ đến mức nào ở VN không?

Ông Nguyễn Bá Thành: Ở VN, hiện tại rất khó con số thống kê cụ thể, nhưng doanh thu đó chắc chắn rất lớn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các anh, chúng tôi vừa nhận được thêm câu hỏi của bạn Đỗ Kim Ngân như sau: "Liệu với các phân tích lợi và hại như vậy, đến thời điểm này chúng ta có nên cổ súy cho trò chơi này hay không?".

Một độc giả tên là Bích Thảo cũng muốn hỏi thêm: "Thưa anh Tự Do, liệu nhà nước trong tương lai có chủ trương cấm trò chơi này ở VN hay không. Và nếu có, liệu có cấm được không khi nó được phát hành, trợ tải qua các ứng dụng ở nước ngoài như Google Play hay Apple Store?".

Ông Lê Quang Tự Do: Đứng về góc độ nhà nước, không ai khuyến khích trò chơi chưa được cấp phép, chưa được thẩm định ở VN.

Về việc cấm hay không, tôi nghĩ tất cả các bạn trẻ chơi game này có quyền được thụ hưởng các thành tựu mới về khoa học công nghệ. Trò Pokemon Go này là một thành tựu mới của làng game, một bước đột phá trong sản xuất game. Chúng tôi sẽ đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Nếu như nó vượt quá các ngưỡng an toàn, chúng tôi sẽ có các biện pháp bảo vệ người chơi.

Nhà báo Phạm Huyền: Có một câu hỏi rất thú vị của độc giả Phạm Văn Hậu: "Những bài viết cảnh báo về nguy cơ lộ thông tin cá nhân có cơ sở không? Việc khủng bố giả mạo địa điểm Pokemon Go, có thể dồn đông người vào một chỗ rồi đánh bom có căn cứ không?" Có lẽ câu hỏi này liên quan đến một cảnh báo gần đây rằng, lực lượng khủng bố IS có mở rộng đến Đông Nam Á.


{keywords}
Khách mời tại buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Bá Thành: Tôi nghĩ nguy cơ đó có thật, nhưng việc đánh bom không nhất thiết thông qua game này. Có rất nhiều nơi tụ tập rất đông người như chợ, trường học, siêu thị, ... và bọn khủng bố không nhất thiết phải chờ đến game này mới ra tay. Pokemon Go không phải là tác nhân chính tạo ra nguy cơ đánh bom.

Ông Lê Quang Tự Do: Ở các nước trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở phương Tây, nguy cơ tụ tập đông người, dẫn đến đánh bom có thật và là hiện tượng nổi bật trong mấy tháng trở lại đây. Vì vậy, người dân VN lo lắng là bình thường. Lí do vì, cái gì mất kiểm soát đều có nguy cơ cao. Với game này, tôi được biết, ở Đà Nẵng, trong một buổi tối thứ 7 đã có hàng trăm người tụ tập ở công viên gần sông Hàn để chơi.

Ở Hà Nội, TP HCM cũng như vậy. Chưa bàn tới nguy cơ đánh bom khủng bố có vẻ xa vời với VN, chúng ta nên bàn tới nguy cơ người chơi bị cướp giật, móc túi vì chúng đã xảy ra ở VN rồi. Nguy cơ đó rất đáng lo ngại. Trong bối cảnh tất cả người chơi đều bị sao nhãng, chỉ tập trung vào điện thoại của mình, việc bị cướp giật, móc túi, va quệt, gặp tai nạn giao thông hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhà báo Phạm Huyền: Một bạn đọc vẫn rất băn khoăn gửi câu hỏi: "Ở Mỹ, tôi được nghe người ta đã cấm Pokemon Go. VN có cấm không?". Xin anh Tự Do cho biết tại sao chúng ta lại không cấm và vẫn có cơ chế mở với game này?

Ông Lê Quang Tự Do: Không biết bạn độc giả nghe thông tin Mỹ cấm Pokemon Go ở đâu. Theo những gì tôi biết, hiện nay Mỹ không cấm, mà chỉ cấm người chơi Pokemon Go vi phạm các quy định pháp luật ở Mỹ, đặc biệt là quyền riêng tư. Tôi đã đọc báo và được biết, 2 thanh niên chơi Pokemon Go đã bị bắn chết khi vào nhà của người khác.

Luật pháp Mỹ cho phép hành động tự vệ đó, do những người chơi đã xâm nhập trái phép tư gia của người khác. Tại sao VN chưa đặt ra vấn đề cấm hay không cấm Pokemon Go lúc này là vì, thứ nhất, như tôi đã nói, với một game mới chỉ xuất hiện 10 ngày ở VN, nếu chúng ta vội vã ban hành một lệnh cấm khi chưa đánh giá được các tác động tích cực và tiêu cực cụ thể, nó sẽ dẫn tới hiện tượng "cái gì không quản được thì chúng ta cấm" không tốt trong công tác quản lý nhà nước. Thứ hai, cách làm đó gây phản tác dụng.

Các bạn trẻ, người chơi ở VN có quyền thụ hưởng những thành tựu, tiến bộ khoa học, công nghệ. Nếu cấm, chúng ta sẽ phải cấm rất nhiều thứ, dẫn đến tình trạng tùy tiện khi có gì đó mới lạ, chẳng hạn như ứng dụng Uber, không đúng với chủ trương của Bộ TT&TT. Quan trọng nhất là bảo vệ người sử dụng Internet tại VN.

Người dùng Internet có quyền, nhưng cũng có nghĩa vụ, và cơ quan nhà nước phải bảo đảm cho họ có một môi trường mạng lành mạnh. Chúng tôi theo những định hướng đó để đưa ra các giải pháp và chỉ dùng giải pháp cấm khi game này thực sự có các tác hại rõ ràng với xã hội. Nhưng cho đến hiện tại, chúng ta mới chỉ thấy game này ở mức nguy cơ thôi.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong ngành game rõ ràng có một sự xung đột, một bên là dịch vụ, ngành kinh tế khá hấp dẫn, kinh doanh sáng tạo, một bên là dịch vụ cung cấp game để lại rất nhiều hệ lụy. Không chỉ là Pokemon Go với các rủi ro chúng ta vừa phân tích, mà còn rất nhiều trò chơi khác có thể gây bệnh tâm lý, gây "nghiện". Trách nhiệm xã hội của những nhà phát hành game ở đây là gì?

Ông Nguyễn Bá Thành: Ở đây, tôi hiểu ý chị muốn bàn về góc độ lương tâm nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp. Tôi cho rằng, nếu một nhà phát triển, phát hành game muốn trường tồn, đi cùng người dùng dài lâu trong ngành này, họ phải có đạo, có tâm, làm để phục vụ các mục đích trong sáng, mục đích tốt, đem lại lợi ích thực sự cho người dùng, không cài vào game các yếu tố xấu, bỏ mặc người dùng. Ở VN, tôi thấy có khá nhiều nhà phát hành game có lương tâm, đạo đức. Tôi nghĩ, chúng ta không cần quá lo lắng, vì dù không có quy định trách nhiệm và chỉ có tòa án lương tâm, nếu nhà phát hành game bất chấp, bỏ mặc người dùng, trước sau họ sẽ bị tẩy chay.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn các vị khách mời. Tôi xin mượn lời của một vị giáo sư gốc Việt ở Đại học Colorado (Denver, Mỹ) để khép lại chương trình: "Luôn có sự đánh đổi giữa những gì bạn nhận được với những gì bạn sẵn sàng cho đi. Nếu như bạn sẵn sàng cho đi sự riêng tư của mình, bạn có thể chơi. Còn nếu câu trả lời là không, tốt nhất hãy tránh xa Pokemon Go".

Xin chào và tạm biệt!

VietNamNet

Thực hiện:  Phạm Huyền- Thanh Bình- Hữu Duyên

Clip: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên, Thu Hồng

email chương trình: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Tin liên quan: