Mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới muốn đón đầu tương lai bằng việc thâu tóm Oculus Rift, một hãng chuyên sản xuất các thiết bị headset thực tế ảo (VR), trong một thương vụ trị giá tới 2 tỷ USD gồm cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.

{keywords}

Oculus được coi là hãng tiên phong trong ngành công nghiệp VR mới nổi, khởi nghiệp từ Kickstarter và theo đuổi con đường nguồn mở. Hãng này vừa mới công bố bộ phát triển SDK hoài thiện dành cho thiết bị Rift hồi tuần trước tại Hội thảo các nhà phát triển game toàn cầu (GDC), ngay trước thềm lễ ra mắt chính thức của Rift.

Theo CNET, Facebook sẽ trả cho Oculus 400 triệu USD tiền mặt cùng 23.1 triệu cổ phiếu phổ thông Facebook, cộng thêm 300 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu khác giải ngân sau những mốc thời gian quan trọng. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong quý II năm nay.

Dù chưa sản xuất bất cứ sản phẩm thương mại nào, nhưng mẫu headset có tên Rift dành cho giới phát triển video game của Oculus đã gây ra một cơn địa chấn thực sự tại Hội thảo GDC. Nhiều tờ báo đánh giá Rift sẽ "thay đổi hoan toàn cách người dùng cảm nhận về video game".

Thiết bị này gần như không thể mô tả được bằng lời. Nó khiến cho bạn cảm thấy mình được thực sự đắm mình trong môi trường ảo. Nhưng bạn phải dùng thử, phải trải nghiệm thực tế thì mới có thể hiểu được trọn vẹn giá trị của nó. "Một sản phẩm khiến trí óc bạn bị thổi bay", Business Insider đã không ngần ngại gọi Rift như vậy.

Ngay lập tức, các hãng sản xuất thiết bị chơi game cầm tay (game console) đã đánh hơi thấy sự đe dọa từ Oculus. Đó là lý do vì sao mà Sony lại trình làng một mẫu headset tương tự dành cho PlayStation 4, tuy nhiên không rõ khi nào thì sản phẩm này mới lên kệ.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Tại sao Facebook lại có hứng thú muốn mua một công ty phần cứng game?

Theo chính Mark Zuckerberg, Tổng giám đốc Facebook thì kế hoạch của mạng xã hội này là mở rộng Oculus ra khỏi địa hạt của game. "Sau game, chúng tôi sẽ biến Oculus thành một nền tảng cho rất nhiều trải nghiệm khác. Hãy tưởng tượng cảnh bạn được ngồi ngay hàng ghế đầu trong một trận đấu, học trong lớp học với giáo viên và học viên đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, hoặc được tư vấn mặt đối mặt với bác sĩ - tất cả chỉ bằng một thao tác đơn giản: Đeo cặp kính này lên mắt.

Zuckerberg cũng tin rằng thực tế ảo (VR) sẽ là nền tảng điện toán quan trọng tiếp theo, sau các thiết bị di động như smartphone và máy tính bảng. "Lịch sử gợi ý rằng sẽ có những nền tảng mới xuất hiện. Vụ mua lại hôm nay chính là sự đặt cược dài hạn cho tương lai của điện toán", Zuckerberg tuyên bố. Nói cách khác, những ai kiểm soát được các nền tảng điện toán trọng yếu sẽ có khả năng quyết định đến toàn bộ ngành công nghiệp công nghệ.

Oculus khởi nghiệp trên website crowdfunding Kickstarter và quyên góp được 2,4 triệu USD đầu tư ban đầu vào năm 2012, trước khi nhận được tiền từ nhiều hãng đầu tư mạo hiểm khác. Gần đây nhất, hãng này được Andreessen Horowitz rót thêm 75 triệu USD. Nhà sáng lập Oculus là Palmer Luckey chỉ mới 21 tuổi.

Đây không phải là thương vụ lớn duy nhất mà Facebook tiến hành thời gian gần đây. Chỉ mới cách đây vài tuần, mạng xã hội này đã khiến cả thế giới chấn động khi mua lại ứng dụng nhắn tin WhatsApp với giá lên tới 19 tỷ USD.

Trọng Cầm