2 công ty này đã gửi các model card đồ hoạ có xung nhip cao hơn (so với card model bán lẻ) cho các trang đánh giá nhằm đạt điểm đo hiệu năng benchmark cao, gây hiểu nhầm cho người dùng.

Đối với các sản phẩm card đồ hoạ máy tính, điểm hiệu năng (benchmark) chính là yếu tố quyết định xem chúng có đáng để người dùng bỏ tiền ra mua hay không. Những model có điểm benchmark kém sẽ khiến người dùng tìm kiếm sự lựa chọn thay thế từ các nhà sản xuất khác.

Chính vì "áp lực" này mà có vẻ như MSI -  một hãng sản xuất card đồ hoạ nổi tiếng tìm cách gian dối. MSI bị tố đã gửi cho các trang đánh giá sản phẩm công nghệ những chiếc card có xung nhịp cao hơn so với các model bán lẻ ra thị trường nhằm đạt số điểm benchmark cao trên các trang báo và khiến người dùng hiểu sai về hiệu năng của card.

{keywords}

Tốc độ card bản review (trái) cao hơn so với bản bán lẻ.

Trang công nghệ TechPowerUp là những người đã phát hiện ra sự gian dối. Theo trang tin này, họ để ý thấy chiếc card GeForce GTX 1080 Gaming X mà MSI gửi đến cho mình để đánh giá có GPU nhanh hơn và tốc độ bộ nhớ cao hơn so với bản bán lẻ. Đó là bởi model mà MSI gửi cho họ được thiết lập để chạy ở chế độ ép xung ngay từ đầu, trong khi card bán lẻ chỉ chạy ở chế độ Gaming thông thường. Điều này khiến các trang đánh giá - nếu không để ý - sẽ vô tình quảng cáo tốc độ card đã được ép xung là tốc độ ở chế độ mặc định.

Sau khi xem xét lại những sản phẩm đã từng đánh giá trước đây, TechPowerUP nhận ra rằng MSI đã từng áp dụng "thủ thuật" trên trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, một hãng khác có tên tuổi hơn là Asus, cũng bị tố đã gửi cho các trang công nghệ những chiếc card được ép xung sẵn để gian dối. Một khả năng có thể xảy ra đó là các công ty như Asus đã áp dụng chiêu thức của đối thủ vì áp lực cạnh tranh.

EVGA - công ty về card đồ hoạ đến từ Mỹ và là đối thủ của cả MSI lẫn và Asus - đã nắm bắt cơ hội trên để quảng bá hình ảnh cho mình. Công ty này cam kết rằng họ chỉ chuyển cho các trang đánh giá các model tương tự như model bán lẻ ra thị trường.

MSI nói gì?

{keywords}

Trong trường hợp bị phát hiện bởi trang TechPowerUp, cho tới nay MSI và cả Asus chưa đưa bất kỳ bình luận nào.

Tuy nhiên, trước đó, quay trở lại thời điểm năm 2014, MSI cũng đã từng nhắc tới vấn đề trên. "Gần đây chúng tôi biết được rằng, một số người dùng đã mua những chiếc card đồ hoạ của MSI với xung nhịp thấp hơn so với những gì các trang công nghệ đánh giá. Chúng tôi đảm bảo rằng đây không phải trò lừa gạt hay chiêu marketing. Chúng tôi gửi cho giới truyền thông các model mẫu với tốc độ ở chế độ ép xung (OC mode) vốn có trong một chương trình có tên Gaming App. Thiết lập này khác với các model card đồ hoạ bán lẻ. Người dùng khi mua card GAMING VGA sẽ chỉ có tốc độ mặc định ở chế độ Gaming Mode, nhưng với việc cài Gaming App” bạn có thể tăng xung nhịp lên ngang giống như model gửi cho truyền thông bằng cách nhấn vào nút OC Mode. Việc này không làm card bị mất bảo hành. Chúng tôi đơn giản chỉ muốn quảng cáo phần mềm Gaming App của mình - phần mềm vốn chỉ có trên dòng card GAMING. MSI xin lỗi vì đã không giải thích rõ ràng với các trang đánh giá cũng như với các game thủ đã mua dòng sản phẩm Gaming".

Theo ICTnews/Theverge