Trong khi tập đoàn Apple đang phải vật lộn đối phó với sự sụt giảm doanh thu lần đầu tiên trong 51 quý vừa qua do doanh số bán ra èo uột của iPhone, đối thủ Trung Quốc của họ - công ty công nghệ Huawei lại chứng kiến sự tăng vọt doanh thu ở mảng thiết bị di động lên đến 50%, đạt 30 tỉ USD trong năm nay.

{keywords}

Guo Ping, giám đốc điều hành đương chức của Huawei. Ảnh: Bloomberg

Để đạt được thành công này, lãnh đạo Huawei tiết lộ công ty đã học lỏm chiến lược của Táo khuyết và đẩy mạnh phát triển các ứng dụng. "Lợi thế độc nhất vô nhị của Apple là hệ sinh thái của hãng. Chúng tôi có thể học hỏi từ Apple để tập hợp các chuyên viên thiết kế quanh mình nhằm xây dựng các ứng dụng cho điện thoại của chúng tôi", Guo Ping, giám đốc điều hành đương chức của Huawei, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Brussels, Bỉ, nơi ông dự kiến sẽ phát biểu trước một hội nghị sắp diễn ra trong tuần này.

Nói về tham vọng của hãng trong việc chiếm được vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp smartphone, ông Guo quả quyết: "Chúng tôi có các cơ hội của mình".

Mặc dù đà tăng trưởng doanh số các thiết bị bán ra, bao gồm cả smartphone, smartwatch và máy tính bảng, đang chậm lại ở Huawei cũng như phần còn lại trong thị trường thiết bị di động, nhưng ông Guo cho rằng, công ty của ông có thể soán ngôi Apple và Samsung để trở thành nhà cung cấp điện thoại lớn nhất thế giới.

Theo lãnh đạo của Huawei, thời gian để đạt được vị thế số 1 này phụ thuộc vào việc hãng mất bao nhiêu thời gian để thuyết phục người dùng từ bỏ iPhone chuyển sang dùng Huawei P9. Ông Guo lạc quan rằng, Táo khuyết đang bị chậm lại trong việc đạt được đột phá công nghệ mới, tạo cơ hội cho Huawei thâu tóm đột phá tiếp theo.

Mảng thiết bị di động của Huawei đã tăng trưởng 73% trong năm ngoái, đạt 20 tỉ USD. Cộng cả kết quả kinh doanh trong mảng thiết bị hệ thống (ví dụ như router) mà hãng đang phải cạnh tranh với Ericsson AB and Cisco Systems Inc., Huawei đạt tổng doanh thu khoảng 61 tỉ USD vào năm 2015. Ông Guo nói, công ty muốn phân hóa hai mảng kinh doanh để xây dựng thương hiệu và điều đó đồng nghĩa với việc họ đã chi 9,2 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu - phát triển hồi năm ngoái.

Công ty có trụ sở ở Thâm Quyến, Trung Quốc này đã xúc tiến một kế hoạch trị giá 1 tỉ USD để hỗ trợ các chuyên gia thiết kế phần mềm và khuyến khích họ tạo ra thêm nhiều ứng dụng nữa dành riêng cho hệ điều hành Emotion UI của hãng, một phiên bản bắt chước Android của Google.

Qua mặt Samsung

Để trở thành nhà sản xuất điện thoại được ưa thích nhất toàn cầu, Huawei sẽ còn phải qua mặt Samsung, hãng công nghệ hiện đang là nhà cung cấp smartphone số 1 của thế giới. Galaxy S7, sản phẩm cao cấp mới nhất của Samsung, đã giúp hãng công nghệ Hàn Quốc này chống lại được đà giảm tốc trên thị trường smartphone trong quý vừa qua.

Trong thực tế, theo Richard Yu, CEO của Tập đoàn Tiêu dùng Huawei, Huawei đã có ý định soán ngôi đứng đầu thị trường smartphone toàn cầu của Apple và Samsung trong vòng 5 năm. Mục tiêu của Huawei là giành được 25% thị phần smartphone toàn cầu.

{keywords} 

Các dữ liệu mới nhất từ các nhà nghiên cứu IDC cho thấy, Samsung chiếm khoảng 20% thị trường smartphone toàn cầu trong quý hai năm 2015, trong khi con số này của Apple là 14% và Huawei là khoảng 9%. IDC vừa hạ thấp dự đoán doanh số bán smartphone của các hãng khắp toàn cầu và kỳ vọng chúng chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2016, thấp hơn mức 10,5% ghi nhận một năm trước đó và 28% vào năm 2014.

Sự tăng trưởng về nhu cầu smartphone và các thiết bị điện tử khác đã đẩy doanh thu hàng năm của Apple lên tới 227 tỉ USD trong suốt 13 năm, cho tới khi hãng này thông báo sự sụt giảm doanh số bán ra hồi tháng trước, do ngày càng ít người dùng nâng cấp lên phiên bản iPhone mới nhất.

Tuy nhiên, Huawei cũng đang phải đối mặt với một cuộc chiến cam go. Mặc dù mẫu smartphone P9 của công ty được ca ngợi về phân mềm, kể cả camera kép, nhưng Emotion UI bị chỉ trích là "nặng", cài sẵn các các ứng dụng sao chép của Google cũng như quá xa rời nền tảng điều hành Android.

Các tranh chấp pháp lý

Tuần trước, Huawei tuyên bố đang kiện Samsung về nền tảng công nghệ cho hoạt động của các hệ thống di động và đòi tiền bản quyền sáng chế. "Chúng tôi không có ý định khơi lại cuộc chiến bản quyền trong ngành công nghiệp công nghệ. Nhưng chúng tôi sẽ làm những việc cần thiết để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, kể cả các bằng phương tiện pháp lý", ông Guo nhấn mạnh.

{keywords} 

Ở Mỹ, Bộ Thương mại đang tiến hành một cuộc điều tra nhằm xác định xem liệu Huawei có đang chuyển công nghệ của Mỹ sang các nước trong danh sách "đen" của họ như Syria, Iran, CHDCND Triều Tiên và Cuba, hay không. Động thái này phản ánh những nghi ngờ của Washington về việc coogn ty Trung Quốc có thể đang vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ bằng cách cung cấp cho những nước nói trên các sản phẩm chứa công nghệ Mỹ.

Theo ông Guo, mặc dù Huawei đang tiến theo cùng con đường như Apple khi tìm cách phát triển các ứng dụng cho hệ sinh thái của mình, nhưng công ty sẽ không đầu tư vào một ứng dụng đơn lẻ như cách đối thủ Mỹ đã đầu tư 1 tỉ USD vào dịch vụ taxi Didi Chuxing đối địch với Uber ở Trung Quốc.

Tuấn Anh (Theo Bloomberg)