Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, với các ưu điểm vượt trội như khả năng cung cấp địa chỉ IP lớn hơn, khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn, việc phát triển IPv6 hiện có tính cấp thiết, tương hỗ cho sự phát triển Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), một nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong những năm tới đây.

Trong lịch sử 20 năm phát triển (1997 – 2017), Internet Việt Nam đã có những đóng góp bền vững cho xã hội. Chính phủ cũng đã đặt ra rất nhiều mối quan tâm nhằm phát triển Internet; kết quả là trong năm 2016, số người sử dụng Internet đã đạt hơn 60% dân số. Sự phát triển của thương mại điện tử, chính phủ điện tử, y tế điện tử cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế kỹ thuật số, Việt Nam đang dần chuyển sang mạng IPv6 (viết tắt của Internet Protocol version 6 - Giao thức mạng Internet thế hệ 6) và phong trào này đã được bắt đầu từ năm 2008, trong kế hoạch chương trình chuyển đổi IPv6 quốc gia giai đoạn 2008 - 2020.

Tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện được tổ chức thường niên nhân Ngày IPv6 Việt Nam (06/5) bắt đầu từ năm 2013, trong bối cảnh Việt Nam đã chuyển sang Giai đoạn cuối của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với mục tiêu chính thức chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cho toàn bộ hệ thống mạng, dịch vụ Internet trong cả nước, sáng 5/5, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chức hội thảo với chủ đề “IPv6 và Internet of Things” dưới sự bảo trợ của Bộ TTT&TT, nhằm phân tích vai trò quan trọng và mối tương quan mật thiết giữa IPv6 và ngành công nghiệp IoT, cũng như chia sẻ giữa các doanh nghiệp, tổ chức về triển khai IPv6 với IoT.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT chủ trì hội thảo “IPv6 và Internet of Things”

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh: “Internet vạn vật (Internet of Things hay IoT) không phải là một khái niệm mới trong thế giới công nghệ hiện đại. Những lợi ích to lớn mà IoT mang lại cho sự phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống khiến cho IoT đã, đang và sẽ là xu hướng của công nghệ trong những năm tiếp theo. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước các cơ hội và thách thức rất lớn. Với việc chúng ta thúc đẩy, phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, Internet, nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, y tế thông minh, giao thông thông minh thì chắc chắn nhu cầu kết nối hàng tỉ thiết bị là tất yếu, khiến nhu cầu thúc đẩy IPV6 ngày càng cấp thiết. Với không gian địa chỉ rộng lớn mà IPv6 có thể cung cấp, mỗi công dân trên trái đất này có thể nhận được tới 4.000 địa chỉ. Bên cạnh đó, khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn đem lại lợi thế tất yếu cho IPv6 trong quá trình sử dụng và phát triển IoT".

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm thẳng thắn thừa nhận, ngoài các cơ hội, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức do việc ứng dụng, sử dụng IPv6 tại nước ta hiện rất thấp.

Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám Đốc Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC), số liệu thống kê từ Google cho thấy, tỉ lệ tăng trưởng IPv6 trên thế giới năm sau tăng gấp đôi so với năm trước (từ 0,5% tại thời điểm 1/2012 đến 16% tại thời điểm 1/2017). Hiện tại tỉ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 20%. Với đà tăng trưởng qua các năm như trên thì dự báo đến năm 2019 tỉ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới sẽ đạt 100%. Các chuyên gia cũng dự báo, đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối (tỷ lệ xấp xỉ 6,58 thiết bị kết nối/1 người dân). Song, nếu tính theo thang điểm 10 cho việc phát triển và sử dụng IPv6, Việt Nam hiện chỉ đạt 3,5/10 điểm. Dẫu vậy, Việt Nam hiện vẫn nằm trong số ít quốc gia có những bước tiến rõ rệt trong việc triển khai IPv6, tăng trưởng từ 0,05% vào thời điểm tháng 5/2016 lên khoảng 6% như hiện nay. Thực tế này giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 ở châu Á và thứ 34 thế giới xét về tỉ lệ triển khai IPv6.

Đại diện VNNIC và các đại biểu tham gia hội thảo đều thống nhất rằng, IPv6 có vai trò rất quan trọng trong phát triển IoT, hạt nhân của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. So với các giao thức mạng Internet khác, IPv6 có rất nhiều ưu điểm vượt trội như giúp cung cấp số lượng địa chỉ IP lớn hơn, hỗ trợ kết nối end-to-end, tự động cấp địa chỉ cho các thiết bị, định tuyến nhanh hơn, bảo mật tốt hơn, mang tới chất lượng dịch vụ tốt hơn, dễ dàng triển khai multicast, hỗ trợ tốt cho các thiết bị di động, vận hành hệ thống đơn giản hơn, dễ dàng chuyển đổi, .... Do đó, triển khai IPv6 là lựa chọn duy nhất để đáp ứng tốc độ phát triển thiết bị, khả năng kết nối và mở rộng mạng lưới dịch vụ của IoT.

Cũng tại hội thảo, đại diện thường trực Ban Công tác thúc đấy phát triển IPv6 quốc gia - VNNIC - đã giới thiệu về kỹ thuật triển khai IPv6 trong mạng không dây công suất thấp 6LowPAN. Các chuyên gia công nghệ đến từ các doanh nghiệp ICT hàng đầu trong nước như VNPT Technology, FPT cũng tham gia trình bày về tầm quan trọng của IPv6 đối với đảm bảo an toàn cho các giải pháp IoT.

{keywords}

Các đại biểu tham gia hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật để triển khai IPv6 trong quá trình phát triển IoT trên thế giới và Việt Nam.

Về chính sách thúc đẩy phát triển IPv6 trong xu hướng công nghệ IoT tại Việt Nam, ông Bùi Bài Cường, đại diện của Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, các văn bản quy phạm pháp luật đã nêu tương đối đầy đủ về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thiết bị, phần mềm và nội dung, công nghệ IPv6 ở nước ta. Song, ông cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin để đảm bảo các quyền lợi tốt nhất của mình trong quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ IPv6.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá, hội thảo “IPv6 và Internet of Things” đã đạt được các mục tiêu đề ra, nêu bật sự gắn bó mật thiết giữa phát triển IoT và phát triển IPv6 cũng như sự tác động tương hỗ lẫn nhau giữa 2 lĩnh vực này.

"Qua các bài trình bày đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, rất phong phú về nội dung và kinh nghiệm quốc tế của các diễn giả, tôi tin tất cả chúng ta đã nhận được những thông tin hữu ích và làm rõ được các vấn đề. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, chúng ta đã thấy rõ hơn lợi ích của việc ứng dụng của IPv6, qua đó có thể hỗ trợ phát triển ứng dụng IoT, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. và đặc biệt là nhìn rõ hơn những gì mình cần làm trong thời gian tới để nắm bắt cơ hội kinh doanh, mở ra với cả IoT", Thứ trưởng Phan Tâm nói.

"Đối với các đơn vị nghiên cứu phát triển, hội thảo cũng rất hữu ích. Chúng ta đã nhìn thấy rõ hơn những thách thức, các vấn đề đặt ra khi chúng ta nghiên cứu các sản phẩm phần cứng, phần mềm, các giải pháp ứng dụng với IoT để đáp ứng nhu cầu của thị trường và của người tiêu dùng.

Đối với các cơ quan, đơn vị của nhà nước, tôi nghĩ chúng ta cũng đã nhận thức rõ hơn được nhiệm vụ của mình trong việc tạo lập được môi trường thuận lợi cho việc phát triển, gắn kết, thúc đẩy IPv6 và IoT. Ví dụ như chúng ta cần phải làm tốt hơn công tác truyền thông để giải đáp các hoài nghi, băn khoăn về mối quan hệ giữa phát triển IoT và phát triển IPv6. Về công tác chuẩn hóa của nhà nước, bao gồm chuẩn hóa về mặt kết nối và chuẩn hóa về mặt bảo mật, ATTT, các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ cần phải quan tâm, nghiên cứu và đưa ra các tiêu chuẩn về truyền dẫn, nền tảng hay các định hướng tập trung phát triển ứng dụng IoT. Đây là vai trò định hướng, dẫn dắt của nhà nước trong giai đoạn thị trường mới bắt đầu phát triển, giúp sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực chung của XH", Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định thêm.

Tuấn Anh