Ngoài Hầm chứa hạt giống toàn cầu, Na Uy vừa xây dựng thêm một hầm mới, chuyên chứa dữ liệu của toàn nhân loại đề phòng nguy cơ tận thế xảy ra trên Trái đất.
Hầm chứa mới với tên gọi chính thức "Kho lưu trữ thế giới ở Bắc cực" nằm cách Bắc cực gần 1.000km ở Svalbard, Na Uy. Nó được xây dựng tại Mỏ 3, một khu mỏ than bị bỏ hoang gần Hầm chứa hạt giống toàn cầu.
Kho lưu trữ thế giới ở Bắc cực đã chính thức được khai trương trong tuần này. Các quốc gia trên thế giới được khuyến khích gửi những dữ liệu có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền văn hóa của họ tới đây để cất trữ, chống lại mọi nguy cơ bị mất mát, phá hủy hay hư hại do tự nhiên hay nhân tạo. Hiện, cơ quan quản lý hầm đã nhận được các dữ liệu từ Mexico và Brazil gửi đến.
Một công ty Na Uy có tên Piql đang đảm nhiệm việc chuyển đổi và lưu trữ các dữ liệu số lên những tấm màng analog đa lớp, nhạy sáng. Quá trình này tương tự như việc biến dữ liệu thành "các mã QR lớn trên tấm màng". Piql tuyên bố, mỗi tấm màng đặc biệt như vậy dự kiến có tuổi thọ từ 500 - 1.000 năm.
Theo các tài liệu của Piql, một quốc gia có thể đăng tải các bài kiểm tra, hình ảnh hay nội dung nghe - nhìn lên các máy chủ của công ty. Số dữ liệu này sau đó được chuyển sang tấm màng đặc biệt, được thiết kế chống chịu được bất kỳ sự bào mòn lớn nào. Tiếp đóm, chúng được cho vào trong một chiếc hộp an toàn và đặt trong hầm được bảo vệ nghiêm ngặt. Chừng nào hệ thống Internet và các máy chủ còn hoạt động, mọi người có thể tìm kiếm các dữ liệu này trực tuyến. Theo yêu cầu của người sử dụng, chúng có thể được truyền tải bằng kỹ thuật số hoặc được vận chuyển dưới định dạng vật lý tùy chọn nào đó.
Lưu trữ analog nhìn chung được xem là "vị tương lai" hơn kỹ thuật số. Phương pháp lưu trữ này không đòi hỏi các thiết bị mã hóa và giải mã (codec), những nỗ lực cập nhật hay các hệ điều hành để giải mã thông tin trong trường hợp hành tinh hứng chịu một thảm họa khủng khiếp. Ngay cả trong ngắn hạn, phương pháp có thể hữu ích để chính phủ một nước lưu trữ những dữ liệu quý giá của họ.
Tuấn Anh (theo Gizmodo)