Phiên điều trần có sự xuất hiện của Mark Zuckerberg cùng Phó chủ tịch chính sách Facebook, ông Joel Kaplan. Tại đây, vị CEO Facebook phải đối mặt với nhiều câu hỏi, trong đó có việc liệu Facebook có nghe lén qua micro điện thoại.
2h35 chiều giờ ET (Mỹ), buổi điều trần chính thức bắt đầu với lời tuyên bố khai mạc của Thượng nghị sỹ Check Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sỹ John Thune, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện.
Trong phần tuyên bố khai mạc, các thượng nghị sỹ Mỹ đã trình bày khái quát về quy mô hoạt động của Facebook và những diễn biến của vụ bê bối Cambridge Anatalyca. Họ cũng nói về các hoạt động kinh doanh quảng cáo và việc thu thập dữ liệu của Facebook.
“Nếu Facebook và các công ty truyền thông mạng xã hội khác không làm theo yêu cầu, không ai trong chúng ta sẽ có quyền riêng tư nữa. Đó là những gì mà chúng ta phải đối mặt”, Thượng nghĩ sỹ Bill Nelson chia sẻ.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Mark Zuckerberg cho biết ông là người đã phát triển Facebook từ những ngày đầu, và vì thế ông sẽ chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra ngày hôm nay. Đây cũng là lý do vị CEO Facebook xuất hiện trong phiên tòa mà không phải bất kỳ ai khác.
Câu hỏi đầu tiên là liệu Facebook có nhận thức được các nguy cơ từ Cambridge Anatalyca và các nhà phát triển hoặc công ty dữ liệu khác hay không. Đáp lại điều đó, ông chủ Facebook cho biết mạng xã hội này đang kiểm toán để tìm ra các đối tác xấu tiềm ẩn mà họ nghĩ rằng đã xâm phạm một cách trái phép dữ liệu người dùng.
Thượng nghị sỹ Bill Nelson sau đó đặt câu hỏi về việc liệu Facebook có đang xem xét đến mô hình kinh doanh mà người dùng trả tiền để không phải đối mặt với tình trạng quảng cáo.
“Có tùy chọn để người dùng tránh được các quảng cáo hướng đối tượng dựa trên dữ liệu cá nhân của họ. Điều đó đồng nghĩa với việc vẫn có quảng cáo trên Facebook. Có điều, chúng sẽ không được cá nhân hóa theo người dùng”, Mark Zuckerberg chia sẻ.
Theo Mark Zuckerber, mặc dù người dùng không thích xem quảng cáo, nhưng họ còn khó chịu hơn với những quảng cáo không liên quan. Vị CEO Facebook nói rõ rằng Facebook không đề nghị người dùng trả tiền để sử dụng bản không nhận quảng cáo.
Tiếp theo, Thượng nghị sỹ Feinstein đặt câu hỏi về việc Facebook đang làm gì để tránh tình trạng người Nga lợi dụng việc quảng cáo làm thay đổi kết quả bầu cử Mỹ.
Mark Zuckerberg cho rằng, một trong những điều hối tiếc của ông là không nhận biết đủ nhanh về hoạt động quảng cáo của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Người đứng đầu Facebook cho biết ông chỉ nhận được thông tin khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã diễn ra.
“Tại sao Facebook không cấm việc hoạt động của Cambridge Anatalyca vào năm 2015 khi phát hiện ra công ty này vi phạm chính sách và thu thập thông tin người dùng trái phép?”, Thượng nghị sỹ Feinstein đặt câu hỏi.
Zuckerberg nói rằng Cambridge Anatalyca đã không sử dụng Facebook vào năm 2015. “Họ không phải là một nhà quảng cáo, họ cũng không có fanpage. Do đó, chúng tôi không có gì để mà cấm họ cả”, Mark Zuckerberg chia sẻ.
Khi được hỏi về việc Facebook mong đợi gì khi cung cấp sản phẩm mạng xã hội một cách dài hơi và hoàn toàn miễn phí, Mark Zuckerberg nói rằng điều này là để Facebook có thể thu tiền từ việc chạy quảng cáo.
Vị CEO của Facebook cho rằng các mạng xã hội nên đơn giản hóa cách mà người dùng có thể tiếp cận với các công ty đang thu thập dữ liệu từ họ. Facebook cũng có kế hoạch tuân thủ đạo luật GDPR (Genaral Data Protecion Regulation) của EU trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng. Ông cũng nói về việc cho phép người dùng kiểm soát nội dung thông tin mà họ đã đăng tải.
Khi được hỏi GDPR có nên được áp dụng tại Mỹ, CEO của Facebook cho rằng mọi người trên thế giới đều xứng đáng được bảo vệ quyền riêng tư. Và vì thế, Facebook dự kiến thực hiện chính sách như của GDPR cho tất cả mọi người dùng, Mark cho biết.
Trước câu hỏi về việc Facebook có đang làm việc với luật sư đặc biệt Robert Mueller hay không, Mark Zuckerberg thừa nhận có điều đó nhưng khẳng định không phải mình. Mark Zuckerberg cũng chia sẻ rằng ông không biết liệu Facebook có bị truy tố hay không. Thế nhưng ông biết chắc chắn rằng, Facebook đang làm việc với các luật sư như vậy.
Lindsey Graham là vị thượng nghị sỹ đầu tiên to tiếng với Facebook. Ông đặt ra câu hỏi rằng ai là đối thủ chính của Facebook, và rằng liệu người dùng có thể sử dụng công cụ nào khác ngoài mạng xã hội này?Thượng nghị sỹ Graham cũng đưa ra câu hỏi liệu Facebook có đang độc quyền hay không? Đáp lại điều này, vị CEO của Facebook trả lời rằng ông không cảm thấy như vậy.
Khi được Lindsey Graham hỏi về việc liệu người dùng có đọc hết các quy định của Facebook, các quy tắc xử lý dữ liệu mà mạng xã hội này thu thập được, Mark Zuckerberg cho rằng một cách hiển nhiên, chẳng ai có thể đọc được hết chúng cả.
Tiếp theo, Thượng nghị sỹ Abu Klobuchar đặt câu hỏi về quy tắc thông báo tới người dùng trong vòng 72 giờ sau khi sự cố rò rỉ dữ liệu xảy ra.
“Nếu ông đang hỏi sao Facebook không thông báo cho người dùng Cambridge Anatalyca, câu trả lời là chúng tôi không coi đó như một sự vi phạm. Không ai tấn công Facebook hoặc đánh cắp dữ liệu từ máy chủ của công ty. Các dữ liệu lộ ra nhờ cách xử lý của những người đã thu thập nên chúng”, Mark Zuckerberg chia sẻ.
Đây cũng là lý do Mark đồng ý với quan điểm cần thông báo tới mọi người trong trường hợp có vi phạm, tuy nhiên mạng xã hội này lại không phát đi cảnh báo này đối với Cambridge Anatalyca. Mark Zuckerberg cũng cho biết ông nhận tất cả trách nhiệm về nội dung trên Facebook.
Thượng nghị sỹ Ted Cruz đã đặt câu hỏi rằng liệu Facebook có phải là một diễn đàn công khai trung lập hay không? Đáp lại điều này, CEO của Facebook cho rằng mạng xã hội của ông là nền tảng cho mọi ý tưởng.
Tiếp sau giờ nghỉ, Mark Zuckerberg đã chỉnh sửa lại lời nói của mình một chút khi trước đó từng cho rằng Cambridge Anatalyca không hiện diện trên Facebook vào năm 2015. Trên thực tế, các hoạt động quảng cáo của Cambridge Anatalyca diễn ra từ cuối năm 2015, Mark chia sẻ. “Về mặt lý thuyết, chúng tôi đã có thể cấm họ. Chúng tôi đã phạm phải một sai lầm khi không làm như vậy”, ông nói.
Khi được hỏi về việc Facebook có nên can thiệp vào những gì mọi người đăng tải hay không, Mark cho rằng công ty của ông không nên can thiệp vào những thông tin không rõ ràng, ngoại trừ những hành vi tung ảnh khỏa thân, tự hại và các hoạt động khủng bố… Mark Zuckerberg khẳng định điều này là lập trường của Facebook trong suốt một thời gian dài.
Băn khoăn về một vấn đề nóng khác, Thượng nghị sỹ Brian Schatz đã hỏi rằng liệu những tin nhắn trên WhatApps của ông có được dùng để hiển thị các quảng cáo ông thường thấy? Trả lời vấn đề này, Mark Zuckerberg cho biết các tin nhắn trên WhatApps đều được mã hóa một cách đầy đủ. Điều này cũng có nghĩa rằng Facebook không thể đọc chúng.
Thượng nghị sỹ Chris Coons đặt câu hỏi rằng tại sao Facebook đặt nặng vấn đề kết nối những nội dung không phù hợp cho người dùng thay vì bảo vệ họ. Mark Zuckerberg cho biết Facebook cần phải làm tốt hơn nữa về mặt nội dung. Mạng xã hội này đang thuê nhiều người hơn để thực hiện điều đó.
Thượng nghị sỹ Ben Sasse đặt vấn đề về việc Mark nghĩ gì với cương vị của một người cha, khi lũ trẻ đang ngày càng nghiện mạng xã hội. Đáp lại vấn đề này, Mark nói rằng ông muốn xây dựng Facebook thành nơi cung cấp các dịch vụ có ích cho xã hội. Facebook là nơi để người ta có thể giao tiếp với nhiều người hơn, thay vì cuộn mình vào trong một cuộc sống thụ động, ông chủ mạng xã hội này cho biết.
Với mặt câu hỏi khác, Thượng nghị sỹ Mazie Hirono đặt vấn đề liệu Cục thi hành Luật Hải quan và Di trú Mỹ (ICE) có thể sử dụng các dữ liệu mạng xã hội nhằm đánh giá người nhâp cư hay không? Ông cho rằng những dữ liệu này có thể giúp cơ quan quản lý xác định xem một người có xu hướng phạm tội hay sẽ có những đóng góp cho xã hội.
Mark Zuckerberg cho biết Facebook không chủ động làm điều đó. Facebook chỉ hỗ trợ việc thực thi pháp luật đối với dữ liệu người dùng khi mạng xã hội này nhận được yêu cầu.
Thiếu tá Dean Heller đã hỏi rằng liệu Mark có cảm thấy mình là nạn nhân của Cambridge Anatalyca hay không. Người đứng đầu Facebook đã nói không. Tuy nhiên, với 87 triệu người dùng bị lộ dữ liệu, ông đồng tình với việc họ là nạn nhân của vụ bê bối.
Theo Mark Zuckerberg: “Facebook không muốn bán thông tin người dùng cho các nhà phát triển như Cambridge Anatalyca. Mặc dù vậy, chúng tôi có trách nhiệm phải có những hành động sớm hơn để ngăn chặn điều đó”.
“Liệu Facebook có sử dụng micro trên điện thoại di động để nghe lén người dùng và sau đó hiển thị quảng cáo dựa trên nội dung đó hay không?”, một thượng nghị sỹ đặt câu hỏi. Ông chủ của Facebook đã phủ nhận ngay lập tức. Theo Mark, đây là câu hỏi mà anh thường xuyên nhận được kể từ năm 2016.
Khi đến lượt đặt câu hỏi, Thượng nghị sỹ Kamala Harris đã chất vấn về việc liệu có một sự bàn bạc nào đó, nơi mà những người đứng đầu Facebook quyết định không thông báo cho người dùng sau sự cố Cambridge Anatalyca? Đáp lại điều này, Mark Zuckerberg cho biết ông không hề nhận thức được có một cuộc trò chuyện nào tương tự như vậy.
Kết thúc phần chất vấn của mình, nữ nghị sỹ Kamala Harris đồng tình rằng ở thời điểm 2015, không một ai trong ban lãnh đạo Facebook cố tình tác động tới quyết định không thông báo cho người dùng về sự cố.
“Liệu có sự thay đổi đáng kể nào từ phía người dùng kể từ sau khi vụ bê bối Cambridge Anatalyca diễn ra không”, một nghị sỹ đặt câu hỏi. Ông chủ Facebook cho biết hoàn toàn không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào.
Với câu hỏi về việc Facebook sẽ có hành động gì với Cambridge Anatalyca, Mark Zuckerberg cho biết mạng xã hội này sẽ có những hành động pháp lý nếu việc kiểm toán là không đủ.
Sau khi nghe một số chia sẻ khác từ phía các thượng nghị sỹ, phiên điều trần của Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ đã khép lại. Người đứng đầu Facebook sẽ phải tiếp tục ra làm chứng trong một buổi điều trần khác trước Ủy ban Thương mại Mỹ vào ngày mai.
Tuấn Nghĩa (Theo Recode)
Mark Zuckerberg dự định thu phí người dùng Facebook
CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã để ngỏ khả năng sẽ phát hành thêm một phiên bản Facebook có thu phí người dùng. Phiên bản này sẽ được bảo mật tốt hơn và không có quảng cáo.
Facebook tăng vọt sau màn điều trần tẻ nhạt của Mark Zuckerberg
Cổ phiếu của Facebook tăng vọt sau phiên điều trần tẻ nhạt của CEO Mark Zuckerberg trước quốc hội. Cổ đông Facebook lấy lại hàng chục tỷ USD nhờ diễn biến bất ngờ.
Jack Ma thách thức Mark Zuckerberg sửa được Facebook
Đã có rất nhiều "ông lớn" trong làng công nghệ ra mặt trong thời gian gần đây để chỉ trích hay hối thúc Facebook và người lên tiếng mới nhất là Jack Ma.
Mark Zuckerberg điều trần, trả lời nhàm chán giúp cổ phiếu Facebook tăng 4,5%
Rạng sáng ngày 11/4, CEO Facebook ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về bê bối dữ liệu người dùng và việc làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017